VẺ ĐẸP ĐƠN SƠ, MỘC MẠC - TIỀM ẨN SỨC MẠNH CỦA NHỮNG HIỆN VẬT KHÁNG CHIẾN TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm về thời kỳ kháng chiến oanh liệt, hào hùng thì còn mãi. Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ khá nhiều hiện vật, phía sau vẻ đơn sơ, mộc mạc là những câu chuyện ý nghĩa về tấm lòng thuỷ chung với cách mạng, ý chí quyết tâm để giành thắng lợi cuối cùng.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”, những vũ khí của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đơn giản chỉ là lưỡi mác, con dao, cái cuốc, cái xẻng nhưng vẫn giáng những đòn đáng kể vào quân thù.
Cây mác của Ama Y Ớk ở huyện Ea Súp là một trong những hiện vật như thế. Ông Ama Y Ớk lúc bấy giờ tuổi đã cao (50 tuổi) nhưng vẫn tự nguyện theo bộ đội M’Trang Lơng đứng lên chiến đấu cứu nước, với cây mác trên tay, ông cùng với anh chị em du kích ở xã Ea Súp canh gác bảo vệ buôn làng. Mỗi lần dùng, ông lại khắc các vạch nhỏ trên cán để ghi nhớ thời gian sử dụng.
Lưỡi dao của ông Y Lê Mlô, huyện M’Đrắk sử dụng từ năm 1948 đến năm 1975 dùng để chặt cây lấy gỗ làm hầm bí mật, làm nhà ở, lán trại trong hậu cứ cách mạng, phát nương làm rẫy cung cấp lương thực cho kháng chiến, ngoài ra ông còn sử dụng nó như một vũ khí để sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.
Lưỡi cuốc của ông Y Sao Mlô, huyện M’Đrắk dùng đào hầm công sự phục vụ chiến đấu, đào hầm nuôi giấu cán bộ, phá ấp, phá rào, tăng gia sản xuất và cả việc chôn cất đồng chí, đồng bào bị hy sinh, bị giặc giết hại.
Lưỡi xà gạc của Aduôn Bưn, huyện Krông Buk dùng để chặt cây làm hầm, làm nhà ở ngoài khu căn cứ, giúp các đồng chí cán bộ hoạt động bí mật, ngoài ra bà còn sử dụng vào việc phát nương rẫy, vót chông rào làng chống địch đi càn quét.
Gùi tiếp vận của bà Aduôn Čuên ở xã Pơng Drang, huyện Krông Buk dùng để tiếp tế muối, gạo, giấy bút, quần áo cho cán bộ cách mạng. Thời kỳ địch phong tỏa, kiểm soát gắt gao, bà Aduôn Čuên vẫn tìm mọi cách đưa muối gạo ra ngoài rừng, để che mắt địch bà đã làm chiếc gùi hai đáy cho gạo muối vào trong để địch không phát hiện.
Bầu tiếp tế của bà H’Lier Mlô, huyện M’Đrắk dùng từ năm 1968 đến năm 1972, mỗi lần nấu cơm bà lại bớt một nắm gạo cho vào quả bầu để ủng hộ cách mạng, có những lúc bà đã dùng bầu để đựng nước vào căn cứ.
Ống tre tiếp tế - Ống đựng muối của Aduôn Bưr (Amĭ) ở huyện Krông Buk gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của người phụ nữ Ê đê gan dạ, mưu trí. Trong thời kỳ khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, đói cơm, thiếu muối, có những lúc đốt cỏ tranh lấy tro ăn thay muối nhưng Amĭ vẫn tìm đủ mọi cách để tiếp tế muối cho cách mạng, để vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, Amĭ đã giả vờ mang gùi lên rẫy, có khi thì giấu ống muối trong bụng để đưa vào rừng tiếp tế cho cán bộ.
Những hiện vật kháng chiến đã khẳng định tình cảm sắt son của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đối với cách mạng, như lời của đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk viết trên báo Đắk Lắk nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột “Lòng dân chịu đựng biết bao tủi nhục, đau thương, vẫn giữ vững thủy chung với cách mạng, mặt đối mặt với kẻ thù, vẫn hiên ngang tin tưởng, sẵn sàng vùng lên dốc tất cả để giành thắng lợi khi có thời cơ”.
GD&TT