VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI ĐẤT NƯỚC
Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và phát hiện cổ vũ những nhân tố mới, giá trị nhân văn mới...
Ngược dòng lịch sử
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày kỷ niệm ra đời của báo Thanh niên do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập ngày 21/6/1925. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo Thanh niên ra đời đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo Thanh niên, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Với ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52 ngày 05/02/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1925 đánh dấu ngày ra mắt số đầu tiên của báo “Thanh niên” do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (Nguồn internet)
Vai trò của báo chí đối với đời sống xã hội
Nhìn lại tiến trình phát triển của nền báo chí nước nhà, có thể thấy báo chí đang phát triển khá nhanh cả về chất lượng lẫn số lượng. Tính đến nay, cả nước có 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 Báo, 612 Tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.
Sau 96 năm trưởng thành và phát triển, Báo chí Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nêu gương người tốt việc tốt. Báo chí cũng đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Qua quá trình phát triển của Báo chí Việt Nam, có thể nhận thấy vai trò của báo chí trên các mặt sau:
Báo chí làm giàu vốn văn hóa của một quốc gia. Đây chính là vai trò vô cùng quan trọng của báo chí trong lĩnh vực văn hóa. Báo chí thể hiện được mọi khía cạnh văn hóa – xã hội của đất nước, nhất là ngôn ngữ, báo chí cũng là nơi gìn giữ và sáng tạo ra nhiều từ mới, thuật ngữ mới trong cách viết, cách thể hiện và còn được thể hiện rõ và đậm nét trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Mặt khác báo chí cũng thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy các bản sắc, truyền thống lâu đời vốn có của dân tộc Việt Nam để tuyên truyền người dân phát huy chọn lọc các nền văn hóa tiến bộ trên khắp thế giới.
Báo chí hướng đến sự nhân văn của con người. Nhờ vai trò này của báo chí mà nhân dân được tiếp cận với nhiều tác phẩm nghệ thuật, khoa học, âm nhạc… để từ đó nâng tầm nhận thức, hiểu biết hơn về cuộc sống của đất nước mình và những quốc gia khác trên thế giới. Mặt khác, báo chí đăng tải nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật để dạy cho người dân hướng đến cái đẹp, đạo đức, lối sống văn minh lành mạnh. Đối với lĩnh vực âm nhạc, báo chí giúp người dân được thư giãn, thoải mái hơn. Đối với khoa học, báo chí giúp cho người dân cập nhật sáng kiến, những cải tiến trong đời sống chung của toàn thế giới.
Báo chí tiếp cận nền văn hóa - kinh tế - xã hội của thế giới. Tầm quan trọng của báo chí không phải chỉ hướng đến ở những đổi mới trong nước, mà còn giúp cho người dân biết được những thông tin khác trên toàn thế giới. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... người dân không những được tiếp cận các phương diện của đời sống mà còn hiểu biết được tri thức dân tộc trên thế giới. Từ đó, người dân có thể học tập và làm theo để góp phần phát triển cho quê hương đất nước.
Báo chí là sợi dây kết nối con người. Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao văn hóa, giải trí, làm cho con người ngày càng hiểu biết và xích lại gần nhau hơn. Con người ở đây không phải là giữa những người trong một đất nước mà là giữa các đất nước khác nhau. Từ đó, biên giới được xóa bỏ, mọi người được cùng tìm hiểu, học tập, chia sẻ kiến thức, tiếp thu những nền văn hóa đa dạng của các dân tộc khác để làm giàu có đất nước mình. Hiện nay, báo chí ngày càng đổi mới và tiến bộ rõ rệt trong sự hội nhập ra thế giới. Từ đó, báo chí nước nhà có thể quảng bá, giới thiệu về đất nước, văn hóa con người Việt Nam đến các bạn bè quốc tế. Bởi vậy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao văn hóa giữa con người với con người.
Báo chí dũng cảm lên án, chống lại những tiêu cực của xã hội. Đây chính là vai trò quan trọng mà chỉ có báo chí mới có thể làm được. Thực tế chỉ ra rằng nạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều, mà chỉ có báo chí mới có thể đưa tin và chống lại những hành vi tham nhũng đó. Nhờ tính công khai, tính trung thực khi đưa tin, báo chí đã giúp cho người dân có cái nhìn tổng quát hơn, đặc biệt thông qua báo chí, người dân cũng có thể tố cáo, trình bày quan điểm về các vấn nạn tham nhũng hiện nay cũng như giúp người dân ý thức được nạn tham nhũng, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Có thể khẳng định, Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội và ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Hơn ai hết, đội ngũ nhà báo cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước thời đại mới. Mỗi người làm báo cần tự trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Mỗi nhà báo cần có tâm, có trí, có dũng và luôn dùng ngòi bút sắc bén của mình bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích của nhân dân và đất nước.
Kim Nhị