TƯ LIỆU HÓA QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN TRỊ LIỆU HIỆN VẬT TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Tư liệu hóa quá trình bảo quản hiện vật bảo tàng là việc lập hồ sơ để ghi lại một cách chi tiết toàn bộ các tác động, can thiệp lên hiện vật thông qua ghi chép, chụp ảnh hiện vật trước, trong và sau quá trình bảo quản cũng như các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình bảo quản.

Trong những năm gần đây, cùng với việc bảo quản phòng ngừa, công tác bảo quản trị liệu hiện vật được Bảo tàng Đắk Lắk ngày càng chú trọng. Bảo quản trị liệu là phương pháp sử dụng dung môi, hóa chất tác động trực tiếp lên hiện vật, tài liệu với mục đích ngăn chặn quá trình hư hỏng, làm tăng cường cấu trúc của hiện vật.


Do vậy, hiện vật trước khi thực hiện bảo quản trị liệu đều được lên phương án chi tiết, trong khi thực hiện được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ và được cán bộ phụ trách thực hành bảo quản tiến hành tư liệu hóa theo các nội dung sau:


1. Thông tin về hiện vật: gồm tên hiện vật, số đăng ký hiện vật, vị trí hiện vật trước khi xuất bảo quản (kho, trưng bày, mới sưu tầm,…), số lần bảo quản trước đó (nếu có).


2. Tình trạng hiện vật trước khi thực hiện bảo quản, tu sửa: mô tả chi tiết tình trạng cũng như các hư hại của hiện vật, chụp ảnh tổng thể hiện vật và các chi tiết bị hư hại trên hiện vật.

3. Quy trình bảo quản, tu sửa hiện vật: là các bước được cán bộ bảo quản can thiệp, tác động trực tiếp vào hiện vật như vệ sinh, gắn chắp, gia cố các lớp men bị bong tróc trên hiện vật gốm; hay bồi, trám vá các lớp rách trên tư liệu hiện vật giấy; ngăn ngừa quá trình ô xi hóa, mủn bở, ức chế quá trình ăn mòn trên hiện vật kim loại. Thông tin về các loại hóa chất, chất liệu đã được sử dụng trong quá trình thực hiện bảo quản hiện vật được lưu giữ và hình ảnh được chụp lại trong suốt quá trình bảo quản tư liệu, hiện vật.


4. Kết quả bảo quản trị liệu: là hình ảnh hiện vật sau khi đã hoàn thành quá trình tu sửa, bảo quản.


5. Đề xuất điều kiện, môi trường lưu giữ, bảo quản: Sau khi hoàn thành quá trình bảo quản, căn cứ vào tình trạng hiện tại của hiện vật, cán bộ bảo quản đề xuất điều kiện, môi trường lưu giữ, bảo quản cụ thể về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. 


Thông qua việc tư liệu hóa quá trình bảo quản, giúp cán bộ bảo quản có thể theo dõi, nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tìm ra các nguyên nhân hư hại cũng như đề xuất các phương pháp bảo quản khoa học, hiệu quả và an toàn đối với hiện vật. Đồng thời, là nguồn tư liệu giúp đội ngũ cán bộ bảo quản kế cận nắm bắt được thông tin về mặt kỹ thuật, hóa chất đã được sử dụng trên hiện vật, từ đó đưa ra những giải pháp bảo quản phù hợp trong tương lai.


Để làm tốt công tác bảo quản, nâng cao tay nghề, kỹ năng thực hành bảo quản cho đội ngũ viên chức thực hiện công tác bảo quản nói riêng và đội ngũ cán bộ trẻ của bảo tàng nói chung, Bảo tàng Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho viên chức tham gia các lớp tập huấn, học tập nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm trong hệ thống các bảo tàng trong nước và và các lớp tập huấn ngắn hạn do Cục Di sản Văn hóa tổ chức. 




Nội dung tư liệu hóa của phiếu hiện vật được tiến hành bảo quản trị liệu


Phạm Thị Hoài