TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “HỒN TRE TÂY NGUYÊN” VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM PHỤC VỤ KHÁCH THAM QUAN
Nhằm tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa, vui chơi giải trí cho du khách và Nhân dân địa phương nhân ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp cùng Bảo Tàng & Homestay Ama H’Mai thực hiện trưng bày “Hồn tre Tây Nguyên” với 03 hoạt động chính.
Hoạt động 1: Trưng bày chuyên đề giới thiệu đến công chúng khoảng 109 hình ảnh và 55 hiện vật, các sản phẩm làm từ tre nứa của các dân tộc đang sinh sống tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, được bố trí thành 03 chủ đề:
- Chủ đề 1: Nghề đan lát thủ công truyền thống
Đến với các buôn làng ở Tây Nguyên, không khó để bắt gặp những vật dụng làm từ tre, nứa... được sáng tạo thông qua bàn tay khéo léo của con người, để sử dụng thường xuyên trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như: gùi, sàng, mẹt, đồ bắt cá, giỏ nhốt gà,... Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến gùi - vật dụng gắn bó sâu sắc với người Tây Nguyên.
Một số loại gùi truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên
- Chủ đề 2: Nhạc cụ dân gian làm từ tre nứa
Trong cuộc sống lao động sản xuất, các dân tộc Tây Nguyên nương tựa vào tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, môi trường. Từ quan niệm tương sinh, tương hỗ đó, cây tre, cây nứa, lồ ô - những loại cây rỗng ruột, thân tự vang có thể dễ dàng cất lên thành âm điệu, đã được cộng đồng các dân tộc sáng tạo ra thành những nhạc cụ độc đáo gắn với những bản hòa âm của núi rừng.
Một số loại nhạc cụ đặc trưng làm từ tre nứa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
- Chủ đề 3: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng, thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam nói chung vàcủa đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk nói riêng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Sự chủ động, thích ứng với những khó khăn của ngành văn hóa và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay đã đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn.
Hoạt động 2: Trình diễn nghề thủ công đan lát và chế tác nhạc cụ từ tre nứa trong Lễ khai mạc và dịp Lễ 30/4 - 01/5.
Hoạt động 3: Biểu diễn âm nhạc với các loại nhạc cụ làm từ tre nứa do các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk thực hiện trong Lễ Khai mạc.
Trưng bày “Hồn tre Tây Nguyên” là hoạt động giao lưu, trao đổi nghiệp vụ và tạo mối liên hệ gắn kết giữa các bảo tàng trên địa bàn tỉnh, giới thiệu rộng rãi các di sản văn hóa đến với công chúng, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống của người Tây Nguyên trong cuộc sống đương đại.
Thời gian tổ chức Trưng bày và các hoạt động trải nghiệm bắt đầu vào ngày 19/4/2022 tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Hồng Tâm