TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DI SẢN VĂN HÓA – HÒA CA RỪNG VÀ BIỂN”

Ngày 30/6/2025, tại Quảng trường 10/3, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa – Hòa ca rừng và biển”.


Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của hai tỉnh: Phú Yên và Đắk Lắk thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk. Đắk Lắk sau khi sắp xếp, trở thành một trong những tỉnh có diện tích lớn ở Việt Nam, với diện tích tự nhiên là 18.096,40km2, quy mô dân số 3.346.853 người, là nơi sinh sống của cộng đồng 49 dân tộc anh em, kết hợp với vẻ đẹp thiên nhiên rừng và biển, cùng với bề dày lịch sử, văn hóa, tạo ra bức tranh đa sắc màu thể hiện đặc trưng của vùng đất thân thiện, giàu tiềm năng phát triển.

Trưng bày “Di sản văn hóa – Hòa ca rừng và biển” gồm 40 hình ảnh, 354 hiện vật với hai chủ đề: “Vẻ đẹp Đắk Lắk qua lăng kính di sản” và “Bảo vật quốc gia Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” giới thiệu đến công chúng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa của tỉnh Đắk Lắk mới; là hoạt động ý nghĩa, chào mừng sự kiện: Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, xã, phường.





Trưng bày “Di sản văn hóa – Hòa ca rừng và biển” với những hình ảnh, hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử đã thể hiện bức tranh phát triển toàn diện và triển vọng tương lai của tỉnh Đắk Lắk thông qua lăng kính di sản, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, nâng cao ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy niềm tự hào quê hương đất nước, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ của dân tộc.

GDTT