TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “CADA - ĐỊA CHỈ ĐỎ CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN ĐỒN ĐIỀN ĐẮK LẮK”
Chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022), Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2022) và Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I năm 2022, diễn ra từ ngày 01/9 đến ngày 03/9/2022, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pắc tổ chức trưng bày chuyên đề “CADA - Địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk” tại Di tích lịch sử - văn hóa CADA.
Trưng bày gồm hai chủ đề: CADA - Địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk; Krông Pắc - Viết tiếp những trang sử hào hùng. Giới thiệu đến nhân dân và du khách một địa chỉ đỏ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đồn điền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
CADA là viết tắt những chữ cái đầu của cụm từ Compagnie agricole d’asie – nghĩa là Công ty Nông nghiệp Á Châu. Công ty Nông nghiệp Á Châu hay đồn điền CADA bao chiếm một diện tích khá rộng từ km 18 đến km 47 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang. Đồn điền CADA là một trong những đồn điền lớn nhất và ra đời sớm nhất tại Đắk Lắk (1922), nơi thực dân Pháp mở đầu việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa, cũng chính là nơi bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 40 năm xây dựng đã bị sụp đổ trước tiên ở Đắk Lắk.
Ở CADA, tuy không có sự lãnh đạo trực tiếp của một tổ chức Đảng (trong giai đoạn đầu từ 1940 trở về trước) nhưng thực tế lịch sử ghi nhận là ở đây rất đúng với câu “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” mà nòng cốt là lực lượng công nhân và vai trò của những chiến sĩ cộng sản sau khi thoát khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột đã bí mật quay trở lại trực tiếp tham gia lãnh đạo công nhân để chuẩn bị cướp chính quyền năm 1945.
Cũng chính tại CADA, chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh lúc bấy giờ và sau đó tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ công nhân ở một đồn điền của thực dân Pháp, lấy đó làm bàn đạp chuẩn bị giành chính quyền trong toàn tỉnh mà trước mắt là cướp chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột. CADA với đội ngũ công nhân của mình đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trước khi thực dân Pháp tái chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và trong quá trình đấu tranh, bảo vệ những thành quả của cách mạng với một đội ngũ công nhân kiên cường, mang trong mình khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã trở thành cơ sở vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh, sẵn sàng chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời và trưởng thành của giai cấp công nhân ở CADA đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cao trào kháng Nhật cứu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa, là sự chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk.
Trưng bày chuyên đề “CADA - Địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp Nhân dân và du khách tham quan, tìm hiểu về địa chỉ đỏ của phong trào công nhân- đồn điền CADA, cũng như quá trình hình thành và phát triển của huyện Krông Pắc. Qua đó, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
GDTT