TÌM HIỂU TÊN GỌI “NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT”

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập vào năm 1930 - 1931, là nơi đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản bị bắt, bị xử án nặng chủ yếu ở các tỉnh Trung Kỳ như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế... đặc biệt là những người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.

Tên gọi “Nhà đày Buôn Ma Thuột” được sử dụng từ năm 1930 tới nay, xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ tên gọi do thực dân Pháp đặt: “Pénitencier de Buôn Ma Thuột”. Trong tiếng Pháp, có hai từ chính để chỉ nơi giam cầm, đày ải các tù nhân: Nhà tù (Prison) là nơi giam giữ những người phạm tội đã bị bắt giam, hoặc bị phạt tù; Nhà đày (Pénicencier) là nơi những người tù bị kết án nặng, phải cầm tù lâu dài (chung thân hoặc từ 5 năm trở lên), bị coi là những tù nhân nguy hiểm và sẽ bị đày biệt xứ tới nơi xa xôi, hẻo lánh trong đất liền, ngoài hải đảo hoặc xa hơn nữa, vượt qua những đại dương đến những nhà đày ở các thuộc địa của Pháp như đảo Reunion, đảo Madagascar, xứ Guyane... . Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nơi như vậy. Trong từ điển tiếng Việt: “Đày” là đưa đi giam ở một nơi xa, bắt phải chịu cảnh khổ sở, tủi nhục; “Tù” là người phạm tội bị giam giữ.

Thứ hai, căn cứ vào quy định phân biệt tính chất, loại hình các nhà giam của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Dưới thời Pháp thuộc, nhà tù đầu tiên được thực dân Pháp cho xây dựng ở Việt Nam là nhà tù Côn Đảo vào năm 1862. Từ đó, hệ thống các nhà tù ngày càng phát triển và hoàn chỉnh vào những năm 1930 - 1931. Hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp bao gồm:

 

Nhà giam: là thiết chế nhỏ nhất trong hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp ở Đông Dương. Cả nước có bao nhiêu quận, huyện, châu, phủ thì có bấy nhiêu nhà giam.

         

Nhà tù hàng tỉnh, thành: là thiết chế thứ hai trong hệ thống nhà tù mà Pháp xây dựng ở Việt Nam. Mỗi tỉnh có một nhà tù, thậm chí có 2 nhà tù, giam cầm 50 đến 100 tù nhân bị kết án từ 1 đến 3 năm. Theo cố phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Phạm Xanh thì đến năm 1938, ở Bắc Kỳ có 21 nhà tù hàng tỉnh và suốt trong thập kỷ giữa năm 1913 và 1922, các nhà tù hàng tỉnh đã giam giữ 15.925 tù nhân.

 

Nhà tù trung tâm (tiếng Pháp là Prison Central): là thiết chế nhà tù thứ 3 của thực dân Pháp xây dựng ở Đông Dương như: nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Thừa Phủ (Huế), nhà tù Nha Trang (Khánh Hòa), Khám Lớn (Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh). So với các nhà tù hàng tỉnh, những nhà tù trung tâm có kết cấu phức tạp hơn, rộng hơn. Nhà tù trung tâm đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng ở Sài Gòn vào năm 1862 (thường gọi là Khám lớn Sài Gòn) có sức chứa 400 tù nhân (năm 1863), sau đó được mở rộng, có sức chứa 800 tù nhân (năm 1930).

 

Nhà đày hàng xứ: là thiết chế thứ 4 trong hệ thống các nhà tù thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam, như: Nhà đày Sơn La (Pénitencier de Son La) xây dựng năm 1908, Nhà đày Buôn Ma Thuột (Pénitencier de Buon Ma Thuot) xây dựng năm 1930 - 1931. Cả hai nhà đày này đều được xây dựng ở các tỉnh miền núi, xa trung tâm, vùng đất sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Nhà tù cấp liên bang: là thiết chế thứ 5 trong hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam, như nhà tù Côn Đảo - là một nhà tù của xứ Nam Kỳ.

Ngoài nhà giam, nhà tù hàng tỉnh, nhà tù trung tâm, nhà đày, nhà tù cấp liên bang, thực dân Pháp còn xây dựng hai thiết chế trừng phạt: nhà tù dân sự và nhà tù trừng giới, có chức năng như là sự rút gọn nhà tù trung tâm và đặt dưới sự cai quản của quan chức thành phố. Thực dân Pháp đã đặt hệ thống các nhà tù nói trên trong hệ thống đày ải rộng lớn của chúng ở các nước thuộc địa.


Như vậy, xét về tính chất, loại hình thì Nhà đày Buôn Ma Thuột là thiết chế cấp xứ, chỉ đứng sau nhà tù liên bang - Nhà tù Côn Đảo.




Thứ ba, căn cứ vào tài liệu tiếng Pháp lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, được dịch sang tiếng Việt bởi đồng chí Trịnh Quang Cảnh, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk - năm 1945 và hầu hết các sách, các văn bản của tỉnh, các tư liệu, tài liệu, hồi ký cách mạng cựu tù chính trị đã từng bị giam giữ tại nơi này đều sử dụng tên gọi Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Thứ tư, Nhà đày Buôn Ma Thuột còn là cách gọi quen thuộc của các cựu tù, thân nhân cựu tù chính trị đã từng bị giam cầm, đày ải tại đây và đồng bào các dân tộc trong, ngoài tỉnh Đắk Lắk sử dụng từ năm 1930 đến nay.

Thứ năm, căn cứ vào kết quả Hội thảo khoa học phát huy giá trị di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột do Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 12/10/2018, các các nhà khoa học, các cựu tù, thân nhân cựu tù chính trị và đại biểu tham dự Hội thảo đã đồng thuận cao việc lấy tên gọi chính thức của di tích là “Nhà đày Buôn Ma Thuột”.

Căn cứ vào các giá trị tiêu biểu, vai trò của di tích được thể hiện rõ nét ở thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1930 -1945) mà tên gọi chính thức của di tích là Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Xét về vị trí, mối tương quan trong hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam thì Nhà đày Buôn Ma Thuột là nhà đày cấp xứ, xếp ngang hàng với nhà tù Sơn La, Hoả Lò và chỉ sau nhà tù cấp liên bang (Nhà tù Côn Đảo) với những giá trị lịch sử đặc biệt.

Trước âm mưu, chính sách tàn bạo, dã man của chế độ ngục tù thực dân đế quốc, các chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã gặp gỡ, đồng lòng đoàn kết, thống nhất ý chí, vượt mọi khó khăn, thử thách, biến nơi này thành một “trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản” để những người cộng sản lớp trước đào tạo, rèn luyện cho những chiến sỹ cách mạng đàn em về lý tưởng cộng sản, lý luận Mác – Lênin, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, về phẩm chất của người Cộng sản. Sau khi thoát khỏi Nhà đày, trở về với đồng chí, đồng đội, tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành những cán bộ chủ chốt, giữ các vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam.

Theo thống kê của các đồng chí đã từng bị giam cầm ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, sau khi rời khỏi Nhà đày, có nhiều đồng chí đảm nhận nhiệm vụ trọng trách của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Trong đó có 05 đồng chí trong Bộ Chính trị, 04 đồng chí trong Ban Bí thư, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành trung ương Đảng, 01 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 43 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, 33 Bí thư Xứ uỷ, Khu uỷ và Tỉnh uỷ, 44 tướng lĩnh trong đó có 02 đại tướng, 02 thượng tướng và 50 đại tá.





Các em học sinh tham quan, tìm hiểu Nhà đày Buôn Ma Thuột



Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 1980 Nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đến năm 2018, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành minh chứng hùng hồn về tội ác của thực dân, đế quốc và đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung; là một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và lòng biết ơn cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Lượng khách tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột gia tăng theo từng năm đã minh chứng cho những giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.


Hạnh Trinh