THEO DÒNG LỊCH SỬ TÌM VỀ CÁC KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN CỦA TỈNH ĐẮK LẮK
Trong không khí sôi nổi, thi đua chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), cùng Bảo tàng Đắk Lắk ngược dòng thời gian, ôn lại những trang sử hào hùng của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk thông qua hai di tích lịch sử quốc gia: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya và Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975).
Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya, nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến; là căn cứ đầu não quan trọng, gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya còn có tên gọi: Chiến khu Dliê Ya (CK40) - được sử dụng trong giai đoạn đầu xây dựng Khu căn cứ. Chiến khu Dliê Ya tựa lưng vào dãy Cư Dliê Ya, đỉnh cao nhất là Cư Jŭ, có độ cao 1.729m.
Trong tiếng Ê đê: Cư Jŭ có nghĩa là núi đen, Dliê Ya nghĩa là vùng rừng núi rộng lớn. Dãy núi Dliê Ya nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk, án ngữ giữa huyện Cheo Reo và huyện Buôn Hồ; trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, với địa thế là vùng núi non hiểm trở và có tầm chiến lược nên dãy núi Dliê Ya được Ủy ban Kháng chiến tỉnh Đắk Lắk chọn để xây dựng căn cứ địa kháng chiến của tỉnh.
Từ đầu năm 1948, đồng chí Phạm Thuần, Ủy viên Thường vụ Ban cán sự, Trưởng Ty Công an và đồng chí Minh Sơn, Trung đoàn phó Trung đoàn 84 – N’Trang Lơng, được Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ cùng với một số cán bộ chính trị và quân sự lên khảo sát, nghiên cứu, thống nhất kế hoạch xây dựng căn cứ đứng chân cho tỉnh ở Dliê Ya.
Đầu năm 1949, chấp hành Chỉ thị của Trung ương về việc hợp nhất các chiến khu theo yêu cầu chiến lược trong giai đoạn mới. Theo đó, các cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh đã cử cán bộ thay chân nhau đứng chân tại Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, tạo thành một trạm trung chuyển giữa các vùng giải phóng Tây Phú Yên, Cheo Reo, M’Drắk, Buôn Hồ, Tây Đường 14 và Nam Đường 21.
Khoảng giữa năm 1949, đồng chí Nguyễn Lệ, chính trị viên tiểu đoàn N’Trang Lơng nhận nhiệm vụ của Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, khẩn trương xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng núi Dliê Ya, có thể đảm bảo một lực lượng đông hàng ngàn người và bố trí được nhiều kho chứa lương thực, thực phẩm và vũ khí; đồng thời khảo sát, tìm và xác định nhiều vùng, mỗi vùng cách nhau từ 1km trở lên, có thể bố trí từng cụm lực lượng và kho tàng. Cùng với việc xây dựng căn cứ của tỉnh, một số huyện cũng xây dựng căn cứ của địa phương như: M’Drắk lập căn cứ ở xã Ea Rul, Cheo Reo ở buôn Hoàng, xã Ia Rbol, Buôn Hồ ở buôn Brah, buôn Matê và buôn Năng. Những căn cứ này nối liền với Căn cứ Cư Jŭ - Dliê Ya thành một thế liên hoàn chi viện, hỗ trợ nhau.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya hoàn thành sứ mệnh mà chỉ thị của Trung ương năm 1958 - 1959 đã nêu rõ: “Xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ chính ở miền Nam, phá vỡ kế hoạch xây dựng trung tâm căn cứ quân sự của Mỹ - Diệm; tạo thế mạnh cho cách mạng miền Nam chuyển sang tích cực và góp phần bảo vệ miền Bắc”, “Xây dựng Tây Nguyên trọng tâm là xây dựng Nam Tây Nguyên thành một căn cứ địa vững chắc, xây dựng hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây là yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đảng bộ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đông Nam Bộ phải đảm trách nhiệm vụ chiến lược quan trọng này…, nó có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam”.
Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya trở thành nơi bảo vệ, lưu thông tuyến hành lang chiến lược từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, vận chuyển sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam; là nơi đào tạo cán bộ; nơi tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang cho các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các tỉnh ở Nam Tây Nguyên; là nơi tổ chức chốt chặn các đợt hành quân của địch từ miền núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng lên Tây Nguyên.
Cuối năm 1965, Khu ủy Khu V quyết định hợp nhất B3 và B5 lại thành tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) - Bí thư B5 về làm Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Sau khi hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan Tỉnh ủy cùng tất cả các cơ quan, ban ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh vào cánh Nam (Nam Đường 21) để trực tiếp chỉ đạo triển khai kế hoạch chống địch càn quét, bảo vệ, xây dựng vùng mới giải phóng và từng bước xây dựng vùng mới giải phóng cánh Nam thành căn cứ cách mạng vững chắc nối liền với Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya (phía Bắc) thành một khu căn cứ cách mạng hoàn chỉnh của tỉnh Đắk Lắk.
Đến tháng 6/1966, tất cả các cơ quan, ban, ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh, các cơ sở sản xuất, kho tàng, lán trại… đã lần lượt chuyển hết vào đóng tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) của H9 (nay là huyện Krông Bông).
Mặc dù Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ – Dliê Ya không còn các cơ quan đầu não của tỉnh, song vẫn là nơi đứng chân của các binh trạm hành lang, các cơ quan H3 và một số bộ phận cơ quan tỉnh, công tác bố phòng sẵn sàng chiến đấu luôn luôn được giữ vững.
Đầu năm 1972, để phục vụ chủ trương của tỉnh dồn lực lượng ra tuyến trước, trọng tâm là chiến trường Đông Cheo Reo - Đông Buôn Hồ, cơ quan chỉ đạo của tỉnh từ H9 - Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) chuyển ra Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya để kịp thời chỉ đạo phong trào. Ở phía Nam chỉ còn một bộ phận hậu cứ. Tháng 9/1973 tại Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VI.
Như vậy, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya là nơi tổ chức 03 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ I (tháng 8/1960), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ II (tháng 8/1963), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI (tháng 9/1973); Tại các kỳ Đại hội, Đảng bộ và chính quyền Đắk Lắk đã đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng tỉnh Đắk Lắk đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sau những lần chia tách và thay đổi địa giới hành chính, Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya hiện nay thuộc địa xã Uar và xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975), căn cứ địa cách mạng của Đắk Lắk từ năm 1965 đến năm 1975
Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) còn có tên gọi: Căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (cánh Nam), Khu căn cứ H9 Krông Bông hay là căn cứ H9.
Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) nằm tại sườn núi Cư Yang Sin, huyện Krông Bông. Cư Yang Sin là dãy núi hùng vĩ – “nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên”, với đỉnh cao 2.405m gồm hơn 40 dãy núi cao thấp khác nhau, có những cánh rừng mênh mông và một hệ thống suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp.
Từ năm 1965 đến 1975, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) đóng vai trò là căn cứ địa cách mạng, trung tâm đầu não của tỉnh; là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966), Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV (tháng 4/1969) và Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V (tháng 10/1971); là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây, đảm bảo cho sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với chiến trường miền Nam kịp thời, đảm bảo sự chi viện sức người, sức của và các phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam.
Trong vùng căn cứ, khó khăn lớn nhất là giải quyết vấn đề lương thực, đồng bào các dân tộc quanh khu căn cứ không những giải quyết cái ăn của mình mà còn dành một phần lớn cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Năm 1960, vùng đồng bào xung quanh buôn Dliê Ya đã đóng góp 75 tấn lúa, vùng Cheo reo, M’Drắk bà con cho mượn voi, trâu bò,… Với tấm lòng son sắt thủy chung, ý chí và nghị lực phi thường, đồng bào các dân tộc vừa đánh địch, vừa sản xuất, đùm bọc chở che, đóng góp sức người, sức của, hết lòng tham gia kháng chiến, bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ các cơ quan đầu não. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
GDTT