THÁC DRAI DLÔNG

Thác Drai Dlông cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 35 km, thuộc địa bàn hai xã Quảng Hiệp và Ea M’Drŏh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Drai trong tiếng Êđê nghĩa là thác; Dlông có nghĩa là cao, vì vậy, Drai Dlông có nghĩa là thác cao. Ngoài ra, thắng cảnh này còn có tên gọi khác là thác Ba tầng.

Nằm ở phía Tây Nam của xã Quảng Hiệp, được tạo thành bởi hai ngọn đồi bao bọc có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, dòng chảy của thác Drai Dlông bắt nguồn từ dòng chảy của hai con suối Ea’Drǒh (con suối lớn) và suối Ea M’Drǎh (con suối nhỏ), đến đoạn gần thác khoảng 01 km thì hòa quyện vào nhau, gặp những tảng đá to lớn, thẳng đứng với độ cao 30m chặn lại, chia dòng chảy thành ba nhánh, trải dài như ba dải lụa trắng từ trên cao đổ xuống.


Từ dưới nhìn lên, ngọn thác cao vời vợi, lấp lánh ánh bạc, xung quanh là rừng cây xanh tốt với các loại cây vươn cao để thích nghi với dạng địa hình vách đá thẳng đứng, có nhiều loại cây gỗ quý hiếm như sao, hương, cà chít, bằng lăng tím, đặc biệt là loài xương rồng mọc trên đá.


Cách thác Drai Dlông khoảng 01 km là buôn M’Drŏh (buôn Cháy), đây là buôn của người Êđê Adham. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà con buôn M’Drŏh cùng với buôn Rừng, buôn Ưng, buôn Ea Win đã vận chuyển lương thực cho kháng chiến từ trạm A10-B3 qua Ea H’Leo, Krông Bông và xuống Phú Yên, Khánh Hoà. Buôn M’Drǒh là buôn căn cứ của H5, đồng bào trong buôn đã kiên trì đấu tranh, tổ chức tuần tra canh gác, đưa dẫn, nuôi dấu cán bộ cách mạng, vót chông, làm bẫy, chế tạo vũ khí thô sơ để bảo vệ buôn làng. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, địch tổ chức càn quét, bắt bớ, đánh đập dã man nhưng đồng bào buôn M’Drǒh từ già, trẻ, trai, gái thà bị đánh đập, đói cơm lạt muối chứ quyết không hợp tác với giặc, một lòng theo Đảng đến cùng. Khi bị địch phát hiện đây là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, cả buôn M’Drǒh bị đốt cháy không còn một nhà nào nên buôn còn được gọi là Buôn Cháy.


Ngày 15/12/2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng thác Drai Dlông là Di tích Danh lam thắng cảnh Quốc gia.


Một số hình ảnh về Di tích




GD&TT