SỰ KHẮC NGHIỆT VÀ TÀN BẠO CỦA NHÀ TÙ THỰC DÂN QUA HIỆN VẬT TẠI NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Nhà đày Buôn Ma Thuột, một trong những nơi giam giữ và lưu đày biệt xứ khốc liệt nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và đè bẹp ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng trung kiên, những đảng viên cộng sản của toàn xứ Trung Kỳ.

Được xây dựng vào đầu năm 1930 theo bản thiết kế và kế hoạch xây dựng của kỹ sư trưởng - Giám đốc công chính Trung Kỳ soạn thảo, đến cuối tháng 11/1931, việc xây dựng đã hoàn thành với cấu trúc gồm 06 dãy lao tập thể, một dãy xà lim cùng các hạng mục phục vụ cho việc cai trị như nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn, nhà quản ngục, bệnh xá,...

Xung quanh Nhà đày Buôn Ma Thuột được bao bọc bởi 4 bức tường cao 4m dày 40 cm, bốn góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ, trong đó :

Dãy xà lim gồm 21 phòng là nơi giam giữ tù nhân mà thực dân Pháp xếp vào dạng nguy hiểm và cứng đầu. Mỗi phòng rộng 1m, dài 2,5m, trong phòng có một sạp nằm, thanh cùm chân, cuối sạp là hai ống tre: một ống để đựng nước uống, một ống để đi vệ sinh.

Cách hai phòng lại có một ô cửa chấn song chắc chắn (60 - 70cm), cách mặt đất 2m với mục đích lợi dụng điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng cao nguyên - nơi “rừng thiêng nước độc”, nóng, lạnh thất thường để đón gió độc từ rừng núi lùa vào làm cho tù nhân bị nhiễm khí độc, mắc các bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lị, thổ tả,... kết hợp với các thủ đoạn tra tấn tàn bạo khiến tù nhân dễ mất mạng. 



Bên trong xà lim



Tù nhân được ra ngoài phơi nắng 15 phút mỗi tuần, chân bị cùm vào những quả tạ nặng 70-80kg


Nhà làm việc của quản ngục và kho là nơi diễn ra những cuộc tra tấn, đánh phủ đầu và uy hiếp tinh thần những tù nhân mới chuyển đến.  

Trong sáu dãy lao tập thể thì Lao 1 – 2 được thiết kế tương đối gần nhau (dài 30m, rộng 6,5m), trên cao có cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng, trên trần chăng dây thép gai. Hai lao này dùng để giam giữ, cùm kẹp những tù chính trị mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm, lao số 2 khi chưa xây xong dãy xà lim được coi là lao biệt giam.

Lao 3 – 4 là nơi giam giữ tù nhân bị liệt vào loại nguy hiểm. Ở giữa hai lao này là một khu tra tấn rộng chừng khoảng 12m2.

Lao 5 - 6 được thiết kế giống lao 1, lao 2, đây là nơi dành cho những người đi làm ngoài nhà tù với các loại công việc nặng nhọc, vất vả như làm đường, xây cầu,…

Ngoài việc tận dụng sức lực của tù nhân vào mục đích kinh tế, Thực dân Pháp còn hành hạ họ cả về thể xác lẫn tinh thần với mục đích làm cho cho tù nhân kiệt sức mà rã rời ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Người tù phải làm lụng vất vả từ 11 – 12 giờ mỗi ngày, bị đánh đập suốt buổi. Ốm đau không có thuốc, không được nghỉ ngơi. Tù chính trị bị mắc các bệnh hiểm nghèo như đau phổi, phù thũng, kiết lỵ, đái ra máu,... nhất là bệnh đái ra máu, 99,9% người bệnh này đều không qua khỏi.

Khi đến tham quan nhà đày Buôn Ma Thuột, du khách được nghe những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng, tinh thần đấu tranh của các tù chính trị và một trong những hiện vật lấy đi nhiều nước mắt của khách tham quan chính là chiếc cùm chân tập thể.

Cùm được làm bằng gỗ, khoảng cách giữa các lỗ cùm ngắn, mỗi người cùm một chân, do đó khi lính canh đóng cùm các đồng chí phải hiểu ý nhau nếu không khi nằm sẽ bị đè lên nhau. 


Do điều kiện ăn uống kham khổ, tù nhân chỉ được ăn cơm hẩm, gạo mốc, cá khô mục nát, trong một tháng chúng cho tù nhân 15 ngày ăn cơm nhạt, uống nước lã, 15 ngày ăn mặn nên chân nhiều đồng chí bị phù thũng, sưng to. Lỗ cùm rất nhỏ nhưng bọn lính canh chỉ quan tâm đến việc đưa cổ chân tù nhân vào cùm và đóng khít lại, do đó tại vị trí đóng cùm phần thịt thừa bắn ra, vết thương bị nhiễm trùng.


Mỗi ngày lính canh tháo và tra cùm bốn lần vì thế vết thương chồng vết thương, phần chân ấy xem như bị hoại tử, nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng và không qua khỏi. Những chiếc cùm gỗ đơn giản chỉ là vật vô tri vô giác nhưng đã trở thành cánh tay đắc lực của thực dân Pháp để cướp đi sinh mạng tù nhân.


Được ví như “địa ngục ở trần gian”, “Côn Đảo trên đất liền”, trước âm mưu, chính sách tàn bạo, dã man của chế độ ngục tù của thực dân đế quốc, các chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã gặp gỡ, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất ý chí, vượt mọi khó khăn, thử thách, biến Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành “một trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”, đầu mối trung tâm của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk, nhất là khi Lực lượng trung kiên được thành lập vào năm 1940, đóng vai trò như một Chi bộ cộng sản đã tạo tiền đề, cơ sở cho việc khai sinh ra Cở sở Đảng Cộng sản của tỉnh. Việc hình thành Chi bộ đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là một mốc son lịch sử, là nhân tố quyết định đến thắng lợi trong cuộc vận động giải phóng dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công và những thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam.


Trải qua thời gian tồn tại, Nhà đày Buôn Ma Thuột là minh chứng hùng hồn về tội ác của thực dân, đế quốc và đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Đắk Lắk và cả nước, một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

GDTT