QUYẾT TÂM THEO ĐẢNG ĐẾN CÙNG

Từ năm 1925 đến năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công - nông Nghệ Tĩnh đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời. Thực dân Pháp hoảng sợ trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, lo sợ ảnh hưởng của cuộc cách mạng ở Nghệ Tĩnh có thể sẽ lan rộng ra khắp cả nước, chúng đã dốc toàn lực thực hiện cuộc khủng bố trắng vô cùng tàn bạo hòng dập tắt Xô viết Nghệ Tĩnh trong máu và lửa. Các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, kết án và đưa đi lưu đày khắp các nhà tù trên cả nước, trong đó có Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều đã sử dụng những hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản qua nhiều thế hệ. Đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của tù chính trị chống lại chế độ cai trị hà khắc của thực dân, phong kiến; là nơi những người cộng sản Nghệ Tĩnh được tôi luyện, thử thách và trưởng thành; nơi nhiều tấm gương đấu tranh bất khuất, kiên cường đã anh dũng hy sinh, tỏa sáng chất thép, thắp lên ngọn đuốc chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh.

Dưới đây là câu chuyện của người chiến sĩ cách mạng Đậu Khắc Hàm (sinh năm 1909, quê ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, vào Đảng năm 1930) về quá trình thức tỉnh tinh thần yêu nước, quyết tâm theo Đảng đến cùng. Vượt qua những khó khăn, gian khổ, đòn roi tra tấn, cực hình của thực dân tại các nhà đày, nhà lao, giữ vững chí hướng đi làm cách mạng.

Đậu Khắc Hàm sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm từ năm ông lên 10. Với tinh thần ham học và sinh ra ở mảnh đất ít nhiều mang truyền thống hiếu học nên gia đình chịu khó, chịu khổ cho ông theo học Hán Nôm và Quốc ngữ. Lúc học ở trường, thầy giáo thường dạy cho ông biết những bài thơ có tinh thần yêu nước và mỗi lần nghe thầy giảng bài thơ chiêu hồn nước của cụ Phan Bội Châu, lại thức tỉnh tinh thần yêu nước và chí hướng đi làm cách mạng của ông. Đặc biệt, lời của Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi rằng: “Con đừng khóc nữa. Con thương cha thì hãy về đánh đuổi quân Minh trả thù cho cha và rửa thẹn cho nước”. Lời thơ thống thiết ấy đã tác động đến tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng của ông.


“Con ơi con đừng khóc lóc

Lặng mà nghe tơ tóc lời cha

Con ơi cam nổi nước nhà

Trông vào đau ruột nói ra nghẹn lời

Vua thì cứ ngồi chơi cung điện

Có biết gì là chuyện muôn dân

Đất đai bị mất dần dần...”

Ngày 03/02/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam đã có một chính đảng chân chính, giúp họ nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình và trở thành một bộ phận của giai cấp công nhân thế giới. Thời gian này ông vẫn thường lui tới trường nghe thầy giáo giảng văn, vẫn say mê những bài thơ, bài văn nói về tinh thần yêu nước. Chí căm thù giặc Pháp, ghen ghét bọn cường hào quan lại Nam triều, tất cả đã thúc giục ông đi theo cách mạng. Biết ông là người có tinh thần yêu nước, có nghị lực, muốn đi làm cách mạng, một buổi chiều, khoảng cuối năm 1930, ông được thầy giáo giới thiệu vào tổ chức để hoạt động cho cách mạng và dặn phải tuyệt đối giữ bí mật. Tín hiệu để nhận biết người của tổ chức là tấm bìa cứng bị cắt làm đôi có viết bí danh “MỘC” của ông.

Vào một buổi chiều mùa đông năm 1930, trong lúc thôn quê đang chuẩn bị tảo mộ cho ông bà tổ tiên thì có hai người mặc áo dài khăn đóng, cắp mấy thẻ hương, vác một cái cuốc đến nhà ông. Sau một hồi nói chuyện, ông và họ nhận nhau qua miếng bìa cứng có chữ Mộc. Như đã hẹn, chiều hôm sau ông đến bến đò Gềnh Tàng để tìm gặp người trong tổ chức, đồng chí ấy giao cho ông một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là làm sao giết được tên đồn trưởng Linh Cảm. Ông nhận làm. Đồng chí ấy giao cho ông một khẩu súng lục và dạy bóp cò, nạp đạn, cách ngắm và giao cho 3 viên đạn. Xong đồng chí ấy đi.

Chiều hôm ấy, ông lân la xung quanh đồn Linh Cảm quan sát con đường xâm nhập nhưng cảm thấy rất khó khăn. Vì đồn Linh Cảm có lính khố đỏ canh gác rất cẩn thận, xung quanh có nhiều hàng rào dây thép gai. Ông nảy ra ý nghĩ tìm con đường lẻn vào nhà tìm thằng đồn trưởng, ngồi chờ lúc nó ra đi cầu thì thủ tiêu và quyết định hành động ngay. Trời chập tối, thấy ông đang còn trinh sát quanh đồn địch, mấy anh đón lại và cho biết là quyết định giết thằng đồn trưởng đã hoãn lại và ông đi với mấy anh làm công tác khác.

Đêm hôm đó, mấy anh đón ông về làng Đông Thái kết nạp ông vào Đảng. Buổi kết nạp Đảng thật đơn giản, diễn ra trong một căn phòng nhỏ, trong phòng không có cờ Đảng, không có khẩu hiệu, chỉ có một chiếc bàn gỗ và 2 ghế tre. Chi bộ có khoảng 8 người ngồi quây quần bên nhau. Buổi lễ kết nạp tuy đơn giản nhưng rất trang nghiêm: “Nhiệm vụ của đảng viên cộng sản rất nặng nề và rất khó khăn, có lúc phải hy sinh cả tính mạng để đánh đổ đế quốc Pháp, lật đổ chế độ phong kiến Nam triều, đây là một nhiệm vụ rất to lớn đòi hỏi người đảng viên phải vững vàng trong công tác, có lúc hy sinh cả tính mệnh nữa” và ông được giao trách nhiệm phải gây dựng cơ sở của chi bộ Đảng ở địa phương, lúc đó khoảng cuối tháng 10 âm lịch năm 1930.

Về nhà, ông bắt đầu làm nhiệm vụ tuyên truyền cơ sở để thành lập chi bộ Đảng. Nhiệm vụ đó rất nặng nề và khó khăn. Qua nhiều lần thử thách, thẩm tra, dò xét chí hướng của những người có nhiệt tình với cách mạng, cuối cùng ông tìm được hai người có chí hướng làm cách mạng giới thiệu cho Chi bộ. Ông báo cáo với Chi bộ và được dặn dò “Nhiệm vụ theo dõi thử thách là ở đồng chí, đồng chí phải thẩm tra cho kỹ càng, chắc chắn để Chi bộ kết nạp và thành lập một chi bộ ở đấy”.

Vào ngày 22/10/1930, Chi bộ đầu tiên của xã Phụng Công do ông làm Bí thư được thành lập với hai đồng chí mới kết nạp. Nhiệm vụ của Chi bộ lúc này là gây dựng phong trào, phát triển đảng viên. Qua hoạt động gây dựng cơ sở, đến tháng 02/1931, Chi bộ xã Phụng Công đã lên tới 17 người. Từ đó, Chi bộ làm nhiệm vụ thành lập các tổ chức quần chúng của Đảng và gây ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng. Chi bộ đã thành lập được các tổ chức quần chúng của Đảng như Nông hội, Đội Thanh niên cứu tế đỏ, Hội Phụ nữ...; Chi bộ đã phổ biến cho đảng viên, quần chúng biết tính kiên cường của nhân dân và cổ vũ đảng viên, quần chúng, thúc đẩy phong trào phản đối chúng tàn sát những vụ biểu tình đẫm máu; Chi bộ vận động nhân dân chống thu thuế chợ. Nhân dân cả chợ háo hức tham gia. Từ đó, bọn thu thuế không dám thu của bà con nữa, mua bán tự do nên ai nấy cũng dần có cảm tình với Đảng, với các đoàn thể. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, mà trực tiếp là ông và các đồng chí trong Chi ủy, phong trào cách mạng địa phương ngày càng sôi nổi, làm cho bọn cường hào gian ác địa phương khiếp sợ, nằm co không dám ra mặt hách dịch với nhân dân. Các tổ chức quần chúng của Đảng cũng được phát triển nhanh chóng và lớn mạnh không ngừng.

Từ Sở Mật thám Hà Tĩnh, Nhà lao Hà Tĩnh

Sau những lần thành công của phong trào, thực dân Pháp cũng liên tục ra quân khủng bố phong trào. Đậu Khắc Hàm đã lãnh đạo Ban Chi ủy cùng các đồng chí trong Chi bộ chống khủng bố, bảo vệ tổ chức Đảng. Chi bộ đã vận động nhân dân nuôi dấu cán bộ, đề cao cảnh giác, giữ gìn trật tự trị an. Vì thế, mấy lần Pháp đưa lính đến vây và lùng bắt nhưng vẫn không bắt được một cán bộ nào. Thế nhưng đến tháng 6/1931, ông bị đau nặng, về nhà điều trị thì bọn Tây mang lính về vây kín xung quanh, bắt ông đưa về Sở Mật thám. Chỉ sau vài ngày, các đồng chí trong Chi bộ cũng bị bắt gần hết, Chi bộ phải giải tán, một số thoát được trốn sang Lào. Lúc này, phong trào ở địa phương tạm thời lắng xuống.

Ông bị bắt giam, hỏi cung, nhưng hỏi gì ông cũng chỉ trả lời: “Không biết!”. Điên tiết, chúng thay nhau tra tấn, đánh đập ông bằng gậy gộc, rìu…, đau quá, ông chửi chúng nó nên bị đánh bạt tai làm gãy mấy cái răng, chảy máu ra cả mồm, ông bắt đầu mê man bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, ông bò ra ngoài chậu giặt, uống cả nước xà phòng nhưng vẫn không hay.

Mặc dù bọn đế quốc dùng mọi hình thức tù đày tra tấn, dụ dỗ hết sức tàn nhẫn, nhưng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ thanh danh của Đảng, không khai báo đầu hàng. Những lúc nguy hiểm vẫn quyết giữ lời thề. Không điều tra khai thác được gì, chúng chuyển ông vào Sở Mật thám Hà Tĩnh. Ở đây, chúng lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc, sau đó tiến hành tra tấn bằng những hình thức dã man, thâm độc: Dùng cây song phơi khô, đánh tù nhân gãy hết bó này đến bó khác, chúng đánh theo lối rút lột da. Sau đó, chúng lại tra thuốc mỡ cho ung mủ, lại đánh tiếp, cứ như thế làm cho tù nhân tróc hết da; hoặc tra tấn bằng cùm ngựa, một hình thức tra tấn dã man nhất.

Sau một thời gian ở Sở Mật thám, chúng chuyển ông vào Nhà lao Hà Tĩnh. Tại đây, anh em tù thống nhất, nếu chúng đánh đập tra tấn một phòng thì những phòng bên kia la hét phản đối: “Chống khủng bố, chống tàn sát”. Anh em tù chính trị động viên nhau hãy giữ vững chí khí chiến đấu. Ngày hai bữa, chúng cho anh em tù chính trị ăn cơm đã cháy sém, thức ăn đã có dòi bọ. Anh em tổ chức tuyệt thực, đấu tranh được ra tắm nắng. Bên cạnh đó, anh em liên lạc ra bên ngoài với tổ chức, thường xuyên theo dõi hoạt động bên ngoài. Mỗi lần người phục vụ tù nhân đổ phân, anh em bắt liên lạc bằng cách nhờ những người lao công trong tù chuyển thư từ trong tù ra ngoài.

Đến Nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi rừng thiêng nước độc

Khi đang trên đường chuyển Đậu Khắc Hàm vào Nhà đày Buôn Ma Thuột, đi qua Phú Yên, Khánh Hòa, nhân dân ra xem rất đông vì chúng nó tuyên truyền rằng những người cộng sản có dị hình gớm ghiếc.

Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm trong khu rừng, nơi rừng thiêng nước độc. Trong nhà đày này, chúng mộ toàn lính người Êđê. Vào thời điểm ông bị đưa đến, ở đây chia làm hai nhà lao: lao cũ và lao mới. Khu lao cũ nhà nhỏ hẹp, lụp xụp, tối tăm. Khi ông lên đó thì chúng đang xây dựng khu lao mới. Nhà lao được xây dựng trên một ngọn đồi, xung quanh có mấy chặng thép gai bọc lao. Từ cửa lao vào phòng có ba chặng gác. Khu lao mới được dựng lên rộng chừng 500 thước, ở đây có khoảng 800 - 900 tù chính trị. Hàng ngày, chúng bắt tù nhân làm việc không có giờ giấc. Cơm ăn độn đất bột. Lúc này phong trào bên ngoài lên mạnh, bên trong chúng khủng bố tù nhân rất mạnh, chúng cho lính tự do đánh đập. Để đề phòng anh em tù nhân trốn thoát, chúng đánh số tù cả ở áo và ở cùm. Ngày hai vắt cơm gạo mốc, nước mắm thối màu xanh xanh như nước nhồi rau. Đôi bữa có cá khô nhưng dòi bọ rất nhiều. Ăn uống khổ cực nên tù nhân bệnh rất nhiều, trong nhà lao thường xuyên xảy ra bệnh tình, thay bằng sốt rét, thương hàn bị tràn lan.




Trong nhà lao, anh em bàn bạc phải thống nhất với nhau về phương pháp đấu tranh. Để anh em biết rằng, đấu tranh cần rất nhiều sự hy sinh, nhưng để bảo vệ cơ sở, bảo vệ thân thể tiếp tục hoạt động cho Đảng đến ngày cách mạng thành công, thì không thể để chúng giết chúng ta mòn mỏi mỗi ngày như vậy được. Đầu tiên, anh em tù nhân phải tích cực chống lại đàn áp của bọn cai ngục. Nếu chúng đánh thì anh em đánh trả. Lính rất man rợ, chúng thẳng tay đánh đập anh em tù nhân trước mặt vợ con chúng, cho vợ con nó xem có vẻ hả hê. Để chống khủng bố tù nhân, anh em quyết định tuyệt thực cả nhà lao nhằm mục đích:

1. Không để cho lính tự do đàn áp tù nhân;

2. Đòi cải thiện sinh hoạt, không ăn, không đi làm, đòi thuốc men chữa bệnh;

3. Trong tù, anh em tù nhân thường xuyên sinh hoạt đấu tranh để bảo vệ tổ chức Đảng, chi bộ của nhà lao hoạt động rất bí mật thì biết nhau bằng dây chuyền, hội họp bàn bạc với nhau qua những việc làm. Những ngày lễ hội, anh em tổ chức diễn thuyết, đọc thơ ca cách mạng để động viên nhau giữ vững chí khí chiến đấu. Anh em thường lấy cớ đánh cờ, đánh bài để hội ý sinh hoạt với nhau. Để tiện liên lạc ra bên ngoài với cơ sở đảng, anh em vận động các tài xế đưa thư từ trong ra và từ ngoài vào.




Nằm cạnh ông, có Tôn Quang Phiệt và Phan Đăng Lưu. Ông còn nhớ lại bài thơ khi Tôn Quang Phiệt làm ở Buôn Ma Thuột:


“Tình Ban Mê Thuột tới đây rồi

Thấy cảnh làng đê luống ngậm ngùi

Xe ngựa phong lưu, thầy bận khố

Áo quần trang điểm, chị mang gùi

Duy trì thói cũ răng cửa ngọn

Phản đối phường tàn tóc bỏ bừa

Ngọn gió Đông phong xua đuổi mãi

Con đường nhân loại tới hay lùi”.


Buôn Ma Thuột có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Về mùa khô, chúng cho tù nhân đi làm đường. Vì bị đánh đập nên trong số những anh em tù nhân đi làm đường, anh em tù nhân chết nhiều, có người oán trách làm bài thơ:


“Gửi lời oán trách chú đề thiên

Sao phụ tù nhân, nịnh kẻ quyền.

Khi ở sở làm thời nắng tạnh

Lúc về lao nghỉ lại mưa liên”

Khoảng vào năm 1933, đến mùa khô, chúng bắt anh em tù nhân đi làm đường còn cực khổ hơn ở nhà tù, bệnh tật, khủng bố, làm quá sức, chết chóc nhiều. Anh em tổ chức đấu tranh không chịu đi làm đường. Chúng tập trung anh em ra giữa sân, và bảo tù nhân: Nếu ai đi làm thì tập trung ra một bên. Không ai bảo ai mà cũng chẳng ai ra tập trung, chúng báo động lính ra vây chặt lại, bắn chỉ thiên, cuối cùng không ai đi cả. Nó biết những người cầm đầu phong trào như Phan Đăng Lưu, Tôn Quang Phiệt và một số anh em tù nhân khác, khoảng 14 người cho nên đưa anh em ra ngoài lao cũ. Anh em tù nhân tập trung phản đối chiến tranh bằng cách cả khu lao mới tuyệt thực. Anh em chia ra làm nhiều lớp, lớp khoẻ tuyệt thực trước, lớp yếu tuyệt thực sau và cuối cùng là lớp yếu nhất.

Đậu Khắc Hàm đang bị bệnh đái xuất huyết, ông là 1 trong số 24 anh em bị bệnh đái xuất huyết còn sống. Do đề nghị của thằng Đốc tờ nên ông được diện tha tù, chúng cho ông biết trước 20 ngày. Khi chúng bắt ông đi dọn vệ sinh trong khu vực nhà lao ở phía Tây, ông thường liên lạc với Phan Đăng Lưu. Lúc này, Phan Đăng Lưu làm thư ký cho thằng sếp tù Pháp, vốn là người thông minh nên được nữ phóng viên nhà báo Pháp đề nghị tha cho Phan Đăng Lưu nhưng chúng chưa chuẩn y. Song bệnh tình của ông ngày càng trầm trọng nên chúng không cần Toà khâm sứ Pháp ở tỉnh nhà công nhận ông vẫn được diện tha về. Trong lúc đó, 14 anh em đang bị giam ở lao cũ vẫn chưa được giải quyết. Anh em kiên quyết đấu tranh đòi đưa ra ánh sáng về chế độ khủng bố tàn sát tù nhân. Anh Lưu viết một bài báo đưa cho ông ra ngoài gửi đăng lên báo Công Luận Sài Gòn để tố cáo chế độ nhà tù dã man ở Buôn Ma Thuột.

Nhưng đưa được bài báo ra ngoài là khó, chúng tôi bàn bạc cùng với Phan Đăng Lưu sẽ để trong nón nhưng anh Lưu không đồng ý. Trước đó mấy ngày, Phan Đăng Lưu có mua cho ông một đôi dép xăng đan bằng da, anh Lưu bàn và thống nhất tháo đế dép ra cất kín rồi đóng lại. Trước lúc tù ra về, chúng xét 3 lần rất kỹ càng, từ mảnh xà phòng chúng cũng cắt nhỏ ra. Qua ải kiểm tra, ông đã yên chí lên xe ngồi, bỗng tên giám binh gọi ông ra, chúng xé đôi dép ra, thấy ngay bài báo bằng giấy pa-luya mỏng được giấu trong đế dép, chúng cùm cả ông và Phan Đăng Lưu lại. Chúng đánh một trận nên thân bằng roi cao su có răng cưa. Thân mình bầm tím. Chúng đánh ông một trận nhừ tử và tống vào xà lim. Bọn cai tù bắt một ngày ăn mặn, hai ngày ăn nhạt. Ngày ăn mặn một nửa cơm một nửa muối, không cho uống nước. Chúng kêu anh Lưu ra, anh Lưu nhận ngay. Sau vụ viết báo ấy, chúng kết án đồng chí Phan Đăng Lưu thêm 5 năm tù, Đậu Khắc Hàm 3 năm tù. Đến cuối năm 1936, Đậu Khắc Hàm được tha.

Những chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở về quê hương, trực tiếp tham gia trong hàng ngũ lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, cướp chính quyền, giành thắng lợi trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi tôi luyện chân dung các chiến sĩ cộng sản bị tù đày tại địa ngục trần gian, tỏa sáng chất thép, trở thành trường học hun đúc tinh thần yêu nước và cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản Miền Trung, đặc biệt là các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ ngục tù tăm tối, họ chính là những người đã thắp sáng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần xả thân vì nền độc lập của dân tộc. Ngọn lửa đó sẽ mãi trường tồn và tỏa sáng trên con đường cách mạng.


Tài liệu tham khảo:

1.     Nghệ An – Những tấm gương cộng sản, tập 1

2.     Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột 1930-1945

3.     Hồi ký của các chiến sĩ cộng sản Nghệ Tĩnh


Hương Nhàn