QUYẾT ĐỊNH XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH: DI TÍCH LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG ĐÈO M’DRẮK – PHƯỢNG HOÀNG NĂM 1975, XÃ CƯ MTA, HUYỆN M’DRẮK, TỈNH ĐẮK LẮK
Ngày 05/10/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1964/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975” (xã Cư Mta, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk).
Huyện M’Drắk - cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk nối liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung, là địa bàn có vị trí thuận lợi, với núi Cư H’Mú cao khoảng hơn 2.000m là điểm tựa phía Đông, dãy núi Cư Jŭ cao hơn 1.000m nối với núi Cư Prao tạo nên thế liên hoàn đã trở thành vùng căn cứ địa vững chắc của huyện trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và quốc Mỹ. Nơi đây đã từng diễn ra trận tiến công giải phóng quận lỵ Khánh Dương và Trận tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 Ngụy tại khu vực đèo Phượng Hoàng - M’Drắk trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975; là nơi ghi dấu những chiến công vẻ vang của các chiến sĩ Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 cùng các đơn vị phối hợp đã kiên cường, quả cảm, anh dũng, không ngại hy sinh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ; là địa chỉ đỏ có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tinh thần đoàn kết của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng để chống lại kẻ thù xâm lược.
Đèo Phượng Hoàng
Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975 khắc ghi mãi chiến công anh dũng, kiên trung trong trận chiến đấu đánh bại các cuộc phản kích lấn chiếm của địch - nơi tri ân tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, nhằm tri ân công lao của các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975, tiêu biểu là trận tiến công giải phóng Quận lỵ Khánh Dương ngày 22/3/1975 và trận tiến công tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 Ngụy (từ ngày 29/3/1975 đến ngày 01/4/1975), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện M’Drắk đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến này.
Bia tưởng niệm và toàn cảnh khu nhà bia
Công trình được xây dựng trang nghiêm, là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, ẩn chứa khí thế oai hùng, hiên ngang của những chiến sỹ cách mạng đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, lòng tự hào về trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước. Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975 được xếp hạng di tích cấp tỉnh càng khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử tiêu biểu của địa phương trong việc gìn giữ “địa chỉ đỏ”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đoàn công tác của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương và nhân chứng lịch sử dâng hương tại di tích
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích, cần phải có sự chung tay của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, nhằm xây dựng kế hoạch tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản cho người dân sống trong khu vực, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của người dân đối với Di tích; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác trông coi và dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường, nhằm gìn giữ những giá trị và yếu tố lịch sử của Di tích; quảng bá Di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các công ty lữ hành du lịch xây dựng các chuyến tham quan như: tổ chức chương trình tham quan về nguồn, chương trình tham quan học tập tìm hiểu về di tích cho học sinh; đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, học tập ý nghĩa gắn liền với lịch sử huyện M’drắk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Lê Phương, Anh Đào