PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI DÂN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC Ở ĐẮK LẮK
Đến nay Khảo cổ học Đắk Lắk được giới chuyên môn đánh giá là nghiên cứu khá có hệ thống. Ngoài các di chỉ đã được khai quật như: Di chỉ Buôn Triết; Dhaprông; Chư Kt’tu; di chỉ Buôn Mrâo; di chỉ Buôn Kiều; di tích kiến trúc Chămpa... còn có hàng chục địa điểm thuộc thời đại tiền sử khác đã được phát hiện và thám sát, đặc biệt là những địa điểm phát hiện trống đồng. Bên cạnh Báo cáo khoa học sau các cuộc khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia còn có một số tài liệu sách báo nghiên cứu về Khảo cổ học Đắk Lắk đáng chú ý khác, nhất là cuốn Khảo cổ học tiền sử Đắk Lắk do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam chủ biên.
Những nghiên cứu trên cho thấy bước đầu đã xác định được những đặc trưng cơ bản các giai đoạn phát triển văn hoá của vùng đất này, cũng như việc xác định được vị trí và phác thảo nên bức tranh văn hoá tiền sử Đắk Lắk trong bối cảnh tiền sử Tây Nguyên nói riêng và khu vực nói chung. Đặc biệt hơn cả là những sưu tập như: sưu tập trống đồng; sưu tập hiện vật rìu - cuốc đá và hàng triệu mảnh gốm thời kỳ tiền sử đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã minh chứng cho điều đó.
Để đạt được những kết quả trên chúng ta không thể không nhắc đến những người đã có công đầu trong việc xác lập nên bức tranh toàn cảnh thời đại tiền sử của tỉnh nhà. Đó là những người dân, chính họ đã đóng một vai trò hết sức quan trọng của những phát hiện khảo cổ và cung cấp thông tin bước đầu cho những người làm công tác bảo tồn những giá trị văn hoá của cha ông, từ những phát hiện nhỏ ví như một chiếc rìu đá đã vỡ hay những mảnh gốm, hoặc giá trị hơn đó là một chiếc trống đồng… và cũng dựa vào những thông tin cơ bản này, giới chuyên môn mới có cơ sở để tiếp xúc, nghiên cứu.
Nhằm phát huy vai trò của nhân dân đối với Khảo cổ học, thiết nghĩ cần có sự quan tâm thích đáng đến công tác giáo dục, tuyên truyền về kiến thức khảo cổ học trong nhân dân, phát huy vai trò của người dân trong công tác sưu tầm và gìn giữ giá trị văn hoá thời tiền sử, xem đây là điều kiện tiên quyết trong suốt tiến trình phát triển của nền khảo cổ học tỉnh nhà. Đưa kiến thức khảo cổ học vào nhà trường bằng cách tổ chức các buổi học ngoại khoá đối với các em học sinh, với mục đích giúp các em có cái nhìn trực quan, sinh động hơn về lịch sử, văn hóa vùng đất mình đang sinh sống cũng như bước đầu nhận biết được những hiện vật khảo cổ học. Tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật; thám sát ngay tại địa phương nơi được khai quật, thám sát, để người dân được tận mắt nhìn thấy những hiện vật khảo cổ và biết được lịch sử xa xưa của mảnh đất mình đang sinh sống, nhằm giúp họ hiểu thêm về giá trị văn hoá tiền sử từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy những gì mà họ đang sở hữu.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có kế hoạch phục dựng lại các hố khai quật mà Viện khảo cổ học, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành trong thời gian qua, đưa các di chỉ này vào các chương trình du lịch khám phá khảo cổ trên địa bàn của tỉnh. Một mặt phát huy được giá trị văn hoá tiền sử, mặt khác mang lại cho người dân sinh sống trên những di chỉ đó có thêm nguồn lợi, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn, tránh những tác động, ảnh hưởng hư hại đến di chỉ, di tích vì chính họ là người sở hữu và bảo vệ tốt nhất cho các giá trị văn hoá đó của mình.
Một số hình ảnh thể hiện vai trò của người dân trong việc phát hiện và nghiên cứu Khảo cổ học
Người dân phối hợp với các cán bộ nghiên cứu khảo cổ học khảo sát các địa điểm do họ phát hiện
Những phát hiện ban đầu do người dân cung cấp
Người dân phối hợp với cơ quan chuyên môn khai quật khảo cổ học
Kết quả đạt được sau khi khai quật khảo cổ học
Trần Quang Năm