PHAN ĐĂNG LƯU, NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG
Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 quê ở xã Cường Thành (nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Thuở nhỏ, gia đình cho Phan Đăng Lưu học chữ Hán, mặc dù rất sáng dạ và thuộc vào loại giỏi nhưng anh đã sớm thấy sự hạn chế của lối học “khoa cử” nên dứt khoát bỏ học chữ Hán, quyết tâm tìm học chữ quốc ngữ, vì thế anh quyết định vào thành phố Vinh học tập.
Những ngày học ở Vinh cũng như lúc còn ở quê nhà, Phan Đăng Lưu thường gần gũi những người lao động nghèo; anh làm thơ đả kích bọn cường hào, quan lại áp bức, bóc lột nhân dân ta. Học trung học được mấy năm, Phan Đăng Lưu quyết định rẽ ngang thi vào Trường Canh nông Tuyên Quang với hòa bão lớn lao thể hiện trong bức thư gửi về gia đình lúc bấy giờ: “Người trí thức không thể chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, mà phải nghĩ đến ích nước lợi dân. Nước ta lấy nông nghiệp làm gốc, dân ta sống về cày ruộng, nhưng bao đời nay, dân cày cực khổ vì nghề nông quá kém cỏi, lạc hậu… Châu Âu có nhiều phương pháp trồng trọt, chăn nuôi tiến bộ. Nhờ đó, mà nước họ giàu có thịnh vượng. Con thiết nghĩ hiện nay ích nước lợi dân không gì bằng mở mang nông nghiệp. Muốn thế phải học cái hay, cái tốt, cái văn minh của nghề nông…”. Những ngày học ở trường Canh nông, Phan Đăng Lưu rất say mê nghiên cứu, thí nghiệm trồng trọt,và còn viết thư phổ biến kiến thức làm nông nghiệp gửi về cho bà con thôn xóm ở quê hương.
Sau khi tốt nghiệp trường Canh nông năm 1923, Phan Đăng Lưu được gọi ra làm việc tại Sở thí nghiệm nuôi tằm Thanh Ba (Vĩnh Phú cũ nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Làm việc tại đây không được bao lâu, Phan Đăng Lưu đã thất vọng nhận ra rằng một công chức dưới chế độ thực dân, dù ở ngành nông nghiệp cũng không dễ gì làm lợi nước, lợi dân như anh từng mong muốn. Vì vậy, Phan Đăng Lưu say sưa học tập, nghiên cứu lịch sử, văn học, khoa học chính trị. Anh dành dụm tiền mua nhiều sách báo đọc và học bằng cách gửi thư sang Pháp.
Một thời gian sau, Phan Đăng Lưu được chuyển về Nghệ An. Những ngày đầu làm việc ở thành phố Vinh, Phan Đăng Lưu được làm quen và gần gũi các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập và nhiều người yêu nước khác. Anh được kết nạp vào “Hội Phục Việt” sau đổi thành Việt Nam cách mệnh Đảng, rồi Tân Việt cách mệnh Đảng. Từ đây, Phan Đăng Lưu càng có dịp được đọc nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài gửi về. Những tác phẩm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đăng trên: Báo Người cùng khổ, Bản án chế độ thực dân Pháp (Báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản) và những tác phẩm của Lênin đã giúp Phan Đăng Lưu sớm thấy rõ con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Không những tìm đọc mà Phan Đăng Lưu còn đem những sách báo quý ấy bí mật chuyển cho các bạn bè cùng chí hướng với mình đọc và bàn luận. Tinh thần cách mạng thôi thúc, Phan Đăng Lưu không sợ hãi những lời hăm doạ hay roi vọt, tù đày của bọn cầm quyền.
Tại Vinh, anh Lưu cùng nhiều đồng chí trong Hội Phục Việt, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh để thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là đối với thanh niên học sinh và công nhân. Các đồng chí trong Hội Phục Việt còn tổ chức dạy học văn hoá ban đêm cho công nhân nhà máy Trường Thi và quần chúng lao động ở thành phố Vinh. Từ các lớp học văn hoá này, các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Ngô Đức Diền, Trần Đình Thanh có dịp lên bục giảng tuyên truyền cách mạng, khơi gợi tinh thần tự tôn, tự trọng lên án bọn thực dân phong kiến, kêu gọi tinh thần yêu nước thương nòi. Các lớp học ngày càng thu hút đông đảo học viên. Mối liên hệ giữa “thầy” và “trò” càng gắn bó, bọn thực dân đánh được hơi, lo sợ rồi tìm cách phá vỡ các lớp học ấy, chúng chuyển Phan Đăng Lưu đi xa và phân tán các “thầy giáo” khác mỗi người một ngả. Chỉ trong mấy tháng, anh Lưu bị đổi đến làm việc tại nhiều nơi khác nhau. Tại Trại Ươm Tơ Nghĩa Bình, thấy tên chủ Tây đem trứng tằm mắc bệnh bán cho dân, Phan Đăng Lưu phản đối, thậm chí dùng cả chiếc ghế doạ phang vào đầu, anh bị đuổi đi nơi khác. Đến đồn điền Di Linh, anh lại phản đối tên chủ đối xử tàn bạo với công nhân, cuối cùng bị chúng cách chức. Anh thản nhiên trở về quê, mang nặng lòng yêu nước và chí căm thù, anh càng nung nấu tinh thần giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xác định rõ con đường đấu tranh cách mạng.
Về quê, anh tích cực hoạt động, gây dựng cơ sở ngay tại địa phương, tập hợp những bạn bè tiến bộ vào tổ chức Đảng, thành lập chi bộ ở xã Tràng Thành và nhen nhóm phong trào cách mạng ở các địa phương trong huyện. Hoạt động ở địa phương được một thời gian, đầu năm 1928, anh được triệu tập vào Huế để chuẩn bị Đại hội Đảng và tham gia biên tập “Quan hải tùng thư”, soạn những cuốn sách tuyên truyền tư tưởng tiến bộ để giáo dục đảng viên và quần chúng. Ở Huế, anh có điều kiện hoà mình vào các lực lượng công nhân, thanh niên, trí thức và nhiều tầng lớp lao động, tổ chức và đưa họ vào cuộc đấu tranh lớn của dân tộc. Đại hội Đảng họp tháng 7, năm 1928 đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Thường vụ Tổng bộ Tân Việt, phụ trách tuyên huấn. Đồng chí Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng bàn việc thống nhất hai tổ chức Tân Việt và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Cuối năm 1928, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm gặp Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cánh mạng đồng chí Hội, nhưng bị mất liên lạc nên đồng chí trở về nước. Lúc này, bọn thực dân Pháp đang khủng bố ráo riết phong trào cách mạng và truy bắt các cán bộ lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Phan Đăng Lưu liên hệ với một số cơ sở, giải thích cho đảng viên và quần chúng giữ vững niềm tin ở thắng lợi của cách mạng, chỉ rõ sự tất yếu phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau đó, đồng chí trở lại Trung Quốc một lần nữa, nhưng trên đường qua Hải Phòng, đồng chí bị bọn mật thám Pháp vây bắt và bị chúng đưa anh về giam ở nhà tù Vinh. Năm 1930, anh bị đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Nhân dân Huế chăm chú theo dõi cách đối xử dã man của kẻ thù với Phan Đăng Lưu và các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù và vô cùng cảm phục trước tinh thần đấu tranh bất khuất của những cán bộ cách mạng kiên cường ấy. Nhiều thanh niên Huế bị giam ở Buôn Ma Thuột đã coi anh là một tấm gương về khí tiết cách mạng.
Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, trước chế độ nhà tù vô cùng tàn bạo, bọn lính sai bảo người tù bằng roi vọt; chúng đánh tù chính trị bất cứ lúc nào, khi đi làm, khi ăn, khi ngủ, khi đi tắm giặt và cả khi đi vệ sinh... Ăn uống lại càng cực khổ, mỗi tuần chúng chỉ cho tắm mười phút, chúng coi mạng người tù như rơm rác… Trước tình hình ấy, đồng chí Phan Đăng Lưu bàn với anh em mở cuộc đấu tranh quyết liệt, kiên quyết không đi làm khổ sai. Mặc chúng doạ nạt, dụ dỗ và đánh đập, anh em tù không nao núng. Cuộc tuyệt thực kéo dài mấy ngày liền để phản đối chế độ tàn bạo của nhà lao. Chúng càng khủng bố, anh em tù bàn cách báo cho bên ngoài biết cuộc tuyệt thực này, nếu không bọn địch sẽ để anh em chết âm thầm, dần mòn. Anh Lưu bí mật viết bài gửi đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn. Tin những người tù nhà lao Buôn Ma Thuột tuyệt thực được đăng lên báo làm dư luận Sài Gòn, Huế và nhiều nơi khác xôn xao. Ngày thứ chín, bọn thống trị Pháp phải cho bác sĩ vào khám. Nhân dịp này, đồng chí Phan Đăng Lưu đưa bản yêu sách phản đối chế độ khắc nghiệt của nhà tù, đòi không được bạc đãi, đánh đập người tù chính trị. Từ đó, tên Công sứ buộc phải ra lệnh để người tù được đọc sách báo, liên lạc với gia đình, nhận thư, cai ngục không được quyền đánh đập người tù…
Thực dân Pháp một mặt xoa dịu dư luận nhưng mặt khác chúng lại đánh đập, hành hạ người tù bằng những thủ đoạn độc ác hơn. Phan Đăng Lưu lại viết một bài báo khác định gửi đăng ở các báo tố cáo tội ác của chúng. Việc bị lộ, thực dân Pháp tăng án anh Lưu thêm 5 năm tù khổ sai.
Trên Báo Nhân dân số 220 ngày 30 tháng 6 năm 1978, đồng chí Bùi San, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên đã kể lại: “Tôi bị đày lên Buôn Ma Thuột vào khoảng năm 1932, sau anh Lưu vài năm. Tôi được nghe kể lại những cuộc đấu tranh diễn ra trong nhà tù thời gian trước. Những cuộc đấu tranh quyết liệt, có thể nói là đẫm máu để đòi cải thiện chế độ nhà lao vô cùng tàn bạo. Nhờ những cuộc đấu tranh ấy, có anh Lưu tích cực tham gia lãnh đạo mà lúc tôi lên, thấy có đôi chút thay đổi trong cách đối xử của bọn cai ngục”. “Mấy năm sống cạnh anh Lưu ở Buôn Ma Thuột, anh mang số tù 1438 đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Một mặt, anh bền bỉ đấu tranh chống kẻ thù, mặt khác, anh luôn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất của anh em đồng chí; anh thường xuyên giúp đỡ anh em nâng cao trình độ chính trị, giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng và chí khí chiến đấu. Trong điều kiện cực kỳ khắt khe của nhà lao, anh Lưu cố gắng tìm hiểu tình hình bên ngoài, tình hình thế giới và trong nước để phổ biến cho anh em; anh theo dõi âm mưu của bọn thống trị ở Buôn Ma Thuột, bọn chức trách nhà lao để kịp thời đối phó; anh chú ý nắm được tư tưởng của bọn tay sai và tìm cách phân hoá chúng lôi kéo những người lầm lạc, cô lập những tên gian ác; anh lập mưu xem được những tài liệu của bọn chủ ngục (vì anh là người tri thức biết chữ nên được xếp vào làm tại khu bàn giấy trong Nhà đày. Biết bọn chúa ngục trưa về nhà nghỉ, anh đã lén nhờ anh em lò rèn đánh chìa khóa và tranh thủ lúc chúa ngục về nghỉ trưa mở tủ tài liệu mật ra xem), nhờ đó biết được bọn phản bội trong nhà tù để ngăn chặn sự phá hoại của chúng…”. “Anh rất ham học, trong hoàn cảnh gay go của nhà tù, anh nhặt từng mẫu báo cũ để xem. Thậm chí có lúc đi làm khổ sai, thấy những mảng giấy báo, những trang sách đã bẩn vứt trong bụi cây, anh cũng lượm về rửa sạch chắp lại để đọc”; “…Những ngày ở trong nhà tù, anh Lưu đã để ý đến những đồng chí hăng hái đấu tranh. Liên hệ chặt chẽ với các đồng chí ấy, hẹn nhau khi ra khỏi nhà lao sẽ bắt mối hoạt động trở lại…”
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Những ngày ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, khi thấy bọn thực dân Pháp sử dụng chính sách “lấy người Việt trị người Việt” - dùng người lính gác ngục là người dân tộc tại chỗ với âm mưu chia rẽ dân tộc, ngôn ngữ bất đồng, dưới sức ép từ bọn thực dân nên lính ngục đánh đập người tù tàn nhẫn. Đồng chí Phan Đăng Lưu nhanh chóng học tiếng Ê đê bằng cách ghi nhớ từ mỗi khi tiếp xúc hằng ngày với binh lính người bản địa, đồng chí Lưu ra sức học và dạy cho các đồng chí khác để có thể nói chuyện với số binh lính này và cảm hoá họ. Anh làm báo chép tay “Yuăn- Êđê” để nói lên tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, giáo dục, giác ngộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng này. Về sau, lính Ê đê đã yêu thương và giúp đỡ người tù chính trị tận tình. Dần dần một số lính canh được các đồng chí giác ngộ quay trở về hàng ngũ cách mạng điển hình như đồng chí Y Sôm Êban (y tá Nhà đày) được giác ngộ đầu tiên, đồng chí Y Blốc Êban,...
Sau khi ra tù, anh trở về quê hoạt động bí mật, được bầu vào Xứ ủy Trung kỳ, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đầu năm 1936, anh được ra tù cũng là lúc Chính phủ Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, anh Phan Đăng Lưu bị quản thúc tại Huế. Cá lại trở về với nước! Đồng chí Phan Đăng Lưu được trở về với phong trào đấu tranh của một thành phố mà anh từng gắn bó, thân thuộc. Anh lại hăng hái cùng các đồng chí Nguyễn Chí Diễu, Bùi San lao vào cuộc chiến đấu mới.
Lúc này tình hình đất nước ta có sự chuyển biến mới do có Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp. Phong trào khắp nơi mang tính chất dân chủ, tập hợp các tầng lớp nhân dân, kể cả tư sản dân tộc, nhân sĩ tiến bộ. Chính lúc này Trung ương Đảng ta kịp thời họp và quyết định thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương. Mặt trận đoàn kết mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ để đấu tranh chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là bọn phản động thuộc địa và bọn phát xít đế quốc, chống chiến tranh, đòi hoà bình, đòi tự do dân chủ, cơm áo.
Trung ương Đảng chủ trương kết hợp những hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp và những hoạt động không hợp pháp để xây dựng tổ chức Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân. Cuộc vận động Đông Dương đại hội được tổ chức rầm rộ khắp nơi, đặc biệt là tại Huế và các tỉnh miền Trung. Đồng chí Phan đăng Lưu lại được giao phụ trách đấu tranh hợp pháp tại vùng quan trọng này của Trung kỳ. Đúng như lời hẹn của anh trước đây là khi ra khỏi nhà lao sẽ bắt mối hoạt động trở lại. Anh Phan Đăng Lưu tập hợp các đồng chí từng ở tù với mình mấy năm trước làm nòng cốt lãnh đạo phong trào.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng lên rất mạnh, mở đầu là cuộc vận động tổ chức Đại hội Đông Dương nhằm tập hợp nguyện vọng của đông đảo quần chúng. Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc vận động lớn này ở Huế và các tỉnh chung quanh. Hàng ngày anh vẫn đến hiệu sách Hương Giang đọc sách báo, nắm nguồn thông tin bí mật, liên hệ với các đồng chí bàn việc tuyên truyền, động viên quần chúng đấu tranh.
Sau một thời gian vận động. Đại hội đại biểu nhân dân được tổ chức ở Huế, gồm đại biểu đủ mọi thành phần. Quần chúng cách mạng ở Huế, Thừa Thiên sôi sục kéo đến mít tinh ngay trước nơi họp đại hội, tỏ sự ủng hộ tuyệt đối và đưa nguyện vọng của mình lên Đông Dương đại hội, đồng chí Phan Đăng Lưu tham gia đoàn chủ tịch của đại hội. Quần chúng Huế vô cùng xúc động và tỏ sự tin tưởng khi được biết Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diễu và nhiều người tù chính trị lãnh đạo cuộc họp hôm ấy.
Tình hình lúc này rất phức tạp vì tên Khâm sứ Trung kỳ lừa bịp nhân dân, cũng “thu thập nguyện vọng của nhân dân” gửi về nước, đánh lừa chính phủ Mặt trận nhân dân ở bên đó. Đồng chí Phan Đăng Lưu và các đồng chí lãnh đạo của Đảng khôn khéo tập hợp nhân dân, vạch mặt chủ trương của tên Khâm sứ và bọn tay sai. Đồng chí còn lợi dụng mâu thuẫn để phân hoá hàng ngũ chúng, lôi kéo những người tiến bộ đứng vào cuộc đấu tranh của nhân dân. Việc tổ chức được Đông Dương đại hội ở Trung kỳ lúc đó là một thắng lợi lớn.
Sau khi đại hội đại biểu nhân dân toàn xứ Trung kỳ được tổ chức ở Huế, phong trào đấu tranh của quần chúng lên mạnh khắp các tỉnh miền Trung. Nhân thời cơ này, dưới sự lãnh đạo của đảng mà trực tiếp là Nguyễn Chí Diễu, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng các cán bộ địa phương chỉ đạo sát các cuộc bãi công của thợ in, thợ may, ở Huế, của công nhân nhà máy điện Huế, lò vôi Long Thọ, đồng thời tích cực vận động và lãnh đạo nông dân các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phong Điền… chống sưu thuế nhằm phối hợp hành động với các cuộc đấu tranh trong thành phố. Những hoạt động cách mạng sôi nổi ở Huế của đồng chí Phan Đăng Lưu còn được ghi đậm nét trong việc lãnh đạo nhân dân Thừa Thiên và thành phố Huế đón Gô-đa, phái viên của chính phủ mặt trận nhân dân Pháp cử sang điều tra tình hình Đông Dương lúc bấy giờ.
Năm 1940, được giao phụ trách xứ ủy Nam kỳ, chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ, được giao nhiệm vụ ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương Đảng. Khi trở về Sài Gòn, ông bị mật thám Pháp bắt ngày 22-11-1940. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp xử bắn ngày 28-8-1941 tại Hóc Môn, Gia Định cùng Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ (39 tuổi), với bao ước mơ hoài bão của người con đất Việt bất khuất kiên cường luôn đấu tranh hy sinh thân mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Nguyễn Vân