NỒI ĐỒNG – HIỆN VẬT CỦA CƠ SỞ CÁCH MẠNG TẠI BUÔN MA THUỘT TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ

Năm 1994, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp nhận hiện vật của bà Nguyễn Thị Ký (Mười Ký), một cơ sở cách mạng hoạt động tại thị xã Buôn Ma Thuột trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phía sau hiện vật đã phủ màu thời gian là câu chuyện về một thời kỳ oanh liệt của các thế hệ cha anh.

Hai chiếc nồi đồng do bà Phan Thị Sót (mẹ của bà Mười Ký) mua vào năm 1930 để sử dụng trong gia đình. Năm 1945, bà Mười Ký tròn 15 tuổi, mẹ bà lúc ấy là trưởng ban đầu quân của bộ đội địa phương.

Khi nhận được tin đoàn quân Nam tiến sắp vào thị xã Buôn Ma Thuột, mẹ con bà Ký đã dùng hai chiếc nồi đồng này để nấu cơm và canh tiếp đoàn. Trưa ngày 01/12/1945 (tức ngày 27/10 âm lịch), đoàn quân Nam Tiến đặt chân đến thị xã Buôn Ma Thuột. Trong lúc nghỉ ngơi chuẩn bị ăn cơm trưa thì bị giặc Pháp bất ngờ quay lại tấn công, hơn 100 chiến sĩ đã ngã xuống tại Đồn lính khố xanh (Nay là Di tích Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột, số 05 đường Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột). Số người may mắn còn sót lại đã cùng mẹ con bà Ký và người dân quanh vùng di tản vào rừng. Sau đó đoàn quay lại chôn cất những người đã mất và thu dọn quân trang rồi di tản theo đường rừng tới huyện M'Drắk. Trên suốt chặng đường di tản mẹ con bà Ký đã sử dụng 2 chiếc nồi này để nấu cơm canh phục vụ chiến sĩ và nhân dân cùng đi trong đoàn. Sau đó đoàn đã đón xe vào Nha Trang và phân tán đi nhiều ngả.

Năm 1946, bà Ký cùng gia đình trở lại thị xã Buôn Ma Thuột và móc nối liên lạc hoạt động trở lại. Hai chiếc nồi đồng được bà Ký dùng để nấu cơm, canh phục vụ cán bộ và thương binh cho đến khi kháng chiến thắng lợi. Sau đó bà cất giữ làm kỉ niệm và tặng lại cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ.


Từ những hiện vật, tư liệu của Bảo tàng Đắk Lắk, du khách có thể đến tham quan Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột hiện tọa lạc tại số 05 Lê Duẩn, đây là nơi tưởng nhớ hơn 100 chiến sỹ Nam tiến đã chiến đấu và hi sinh anh dũng trong lần tái chiếm của thực dân Pháp sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong dòng chảy liên tục của lịch sử, Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột là một minh chứng sống động và hùng hồn cho một thời kỳ đầy gian nan, tàn khốc nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của nhân dân Đắk Lắk nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.


GD&TT