NHỚ VỀ NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ 27/7

Vào tháng 7 hàng năm, mỗi người trong chúng ta đều thành kính hướng về một ngày đặc biệt của dân tộc, đó là ngày 27/7. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), hãy cùng tìm hiểu về quá trình hình thành và ý nghĩa của ngày quan trọng này.

Sau mùa thu lịch sử năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thế nhưng thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu chiếm lại Việt Nam gây ra những tổn thất không hề nhỏ cho lực lượng quân đội ta. Trước tình hình đó, đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn được thành lập tại một số địa phương trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự.


Vào ngày 17/11/1946, trong cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” tại Nhà hát lớn, Bác đã tặng lại chiếc áo len của mình đang mặc cho các chiến sĩ, một sự quan tâm giản dị mà ý nghĩa. Trong bức thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Người cũng đã chia sẻ nỗi đau với gia đình có người con trai đã anh dũng hi sinh, Bác viết: “Thưa Ngài! Tôi được báo cáo rằng, con giai của ngài đã oanh liệt hi sinh cho tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi, tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi, mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Ðồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món quà quí báu nhất - là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và vui sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng!”.


Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn dân nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng, số chiến sĩ thương vong tăng lên nhanh chóng. Trước tình hình cấp thiết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng trong việc đền ơn đáp nghĩa các thương binh liệt sĩ.


Nhưng ngay cả trước khi có quyết định này, đã có những người dân tiên phong thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa. Đầu tiên phải kể đến là gia đình Bá Huy - Nguyễn Thị Đích, nguyên Bí thư phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong hoàn cảnh đất nước còn thiếu thốn, bà Nguyễn Thị Đích đã dùng chính nhà mình để tiếp nhận, chăm sóc thương binh, bà còn huy động dân làng dựng 10 gian nhà gỗ để làm An dưỡng đường số 1 (Trại an dưỡng liên khu Việt Bắc) - Nơi nuôi dưỡng thương binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Trước việc làm của bà Đích, vào tháng 7/1947, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, bức thư có đoạn: “Thưa bà! Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một An dưỡng đường cho thương binh. Tôi rất lấy làm vui lòng. Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hi sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc… Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và ngợi khen bà.”


Một trong những nhân chứng từng làm việc nhiều năm tại An dưỡng đường số 1 là bà Đặng Thị Vệ nhớ như in: “Các anh ấy về tập trung ở đâu thì chúng tôi có trách nhiệm đến trông nom, chăm sóc người ta, ai mà nặng quá thì tắm rửa, thay quần áo, giặt giũ, rất đông, chúng tôi phải nhường hết nhà cho các anh ấy ở…”. Còn con trai cụ Nguyễn Thị Đích - ông Trần Đình Tỉnh, bồi hồi kể lại: “Mẹ tôi - cụ Nguyễn Thị Đích giao cho cơ quan cả một cái nhà phía trên, thương binh trong trại thương binh, an dưỡng đều nhận cụ tôi là mẹ hết…”. Chính sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi tới những người dân bình thường như bà Đích, bà Vệ đã là niềm động viên lớn lao, kịp thời đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, giúp họ yên lòng và vững tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.


Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành của Trung ương và một số địa phương đã họp tại một địa điểm ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. 



Bia đá ghi dấu sự kiện cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Nguyên họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc ngày 27/7/1947 tại gốc đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh Internet



Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài liệt sỹ tại Thủ đô Hà Nội (31/12/1954). Ảnh Internet



Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch, 29/1/1957. Ảnh Internet


Từ tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 08 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.


Trải qua những năm tháng tàn khốc của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có người may mắn được trở về với gia đình, cũng có người phải để lại một phần thân thể nơi chiến trường, nhưng cũng có những người con đã mãi mãi không về, máu xương và thân xác của họ đã hòa vào lòng đất mẹ để viết tiếp nên trang sử vàng về truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc. Nhớ về ngày 27/7 cũng là nhớ về những công lao, sự hi sinh, đóng góp to lớn của những người con đã anh dũng đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thân yêu.







Đức Ngọc