NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT TRONG NHỮNG NGÀY TIỀN KHỞI NGHĨA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM GIÀNH CHÍNH QUYỀN TẠI ĐẮK LẮK

“Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là Chỉ thị quan trọng của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dự báo chính xác thời cơ cách mạng và chuẩn bị mọi điều kiện làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, ban lãnh đạo tù nhân đã bàn bạc, gấp rút chuẩn bị thời cơ, phát động Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đứng lên đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền.


Lao 3 và lao 4 nơi giam giữ tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (Ảnh tư liệu)

 

Gan góc, mạnh mẽ, dũng cảm đối đầu với sự khắc nghiệt của chốn lao tù, những người tù chính trị đã không ngừng học tập, rèn luyện, tuyên truyền, vận động và giác ngộ binh lính, viên chức làm việc cho thực dân Pháp ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Từ khi Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1940, Chi bộ đã xây dựng những cơ sở cách mạng trong đồn lính khố xanh; thành lập một số tổ chức bán hợp pháp để hoạt động lan tỏa khắp các đồn điền; các cơ sở của Mặt trận Việt Minh và đoàn thể cứu quốc phát triển rộng rãi.



Trong cuốn sách “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk xuất bản năm 2000, có bài viết của đồng chí Trần Thông Cảm ghi lại tình hình Nhà đày trước những biến động chính trị trong nước và quốc tế:

“Tháng 3 năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp!

Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngày 10-3-1945, quân Nhật tiếp quản khoảng 20 lính Nhật, vũ khí đầy đủ, vào nhà lao. Hai khẩu súng liên thanh hạng nặng, đặt ngay ở cửa ra vào, nòng hướng vào các dãy nhà lao, sau đó chúng dồn hết anh em tù ở lao 1, đưa chuyển các lao 5 và 6, lấy lao 1 dùng để nhốt tù nhân người Trung Quốc. Lính Nhật chiếm và ăn ở luôn tại Nhà đày, chúng tỏ ra hung hãn đối với tù nhân tại lao 1, nơi giam tù binh Trung Quốc và tỏ thái độ khinh bỉ, coi thường lính tráng người Thượng, dù họ còn mang súng. Không bao lâu, sĩ quan “Phù Tang” vào, gươm kiếm toòng teng, ống nhòm khoác cổ.

Chúng nó nói: Đi thăm sức khoẻ anh em – chúng bắt đầu vận động anh em bắt tay với chúng để xây dựng nước An Nam, xây dựng Đại Đông Á. Chúng để ý săn tìm những người tù thuộc dòng họ “Ngô Đình…”.

Đại biểu tù nhân theo kế hoạch đã bàn - trả lời chúng rằng: Người tù ở đây đã hàng chục năm xa nhà, nay rất trông được tự do, về nhà, làm ăn sinh sống. Không ai chống lời vận động của chúng. Nhưng cũng chẳng ai tán thành, nghe chúng.

Tiếp theo, liên tục, anh em làm đơn thúc, đòi chúng nó thả tù, tổ chức đưa anh về địa phương, gia đình.

Đầu tháng 5/1945, lính Nhật tỏ ý chấp nhận yêu cầu của anh em. Trong lúc này, bên ngoài, quần chúng nhân dân trong cả nước đứng lên đấu tranh đòi thả tù chính trị - đặc biệt là nhân dân các tỉnh miền Trung biểu tình rầm rộ hơn cả.

 

Đại biểu tù nhân hàng ngày thúc giục Nhật.

Chúng thì tỏ ý không thả, chờ đợi – Chúng lấy cớ: Trong tù nhân, lẫn lộn tù chính trị với tù kinh tế. Chúng tuyên bố chỉ thả tù chính trị, không thả các loại tù mang án can tội cướp của, giết người, đốt nhà cửa.

 Chúng đòi phải dịch toàn bộ danh sách tù nhân từ tiếng Pháp ra tiếng Nhật hoặc thành tiếng Hán nhưng với dụng ý phân biệt giữa các loại tù, chúng còn có điều kiện để kìm hãm lại một số tù chính trị mà trong sổ sách của Pháp viết bằng tiếng Pháp, nay dịch ra thì Nhật cứ khăng khăng coi đó là tù kinh tế. Số này cũng có đến 50 người.

Oái ăm thay! Những anh em tù chính trị giác ngộ cách mạng sớm, trải qua bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ, đổ máu hy sinh từ các phong trào cách mạng; rồi đấu tranh trong tù đày hàng chục năm, qua bao phen sống chết, vật vã, gian truân… đến nay vẫn còn phải chịu kiếp kìm kẹp tù đày dưới gót sắt giặc Nhật.

Đại biểu tù nhân lúc này cố hết sức trình bày đi, trình bày lại nhưng bọn Nhật vẫn làm lơ không chú ý.

Trong số 50 anh em nói trên, đồng chí Nguyễn Văn Đào, quê Nghệ An, là người tù chính trị mẫu mực, lúc đó đã gần 50 tuổi, luôn luôn đấu tranh kiên trung, phụ trách vườn rau từ đầu đến cuối, đóng góp sức mình vào việc chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho anh em, đặc biệt lưu tâm đến anh em đau yếu, bệnh hoạn.

 

Đầu tháng 6/1945, chúng công bố danh sách “phóng thích” mở cửa nhà đày, chuẩn bị phóng thích tù chính trị nhưng trước khi tù chính trị rời khỏi Nhà đày, Nhật và tay sai tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột và mời tù chính trị dự lễ mít tinh ra mắt của chúng, sẽ chào cờ Nhật, chào cờ tay sai của chúng.

Anh em nhận lời dự mít tinh, nhưng yêu cầu:

- Tất cả tù nhân mang vòng hoa đi viếng tại nghĩa trang, nơi an nghỉ của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.  

- Mong mau có đầy đủ tàu xe và về quê một cách an toàn.

Chúng nó chấp nhận yêu cầu.

Tinh sương hôm sau, một vòng hoa lớn kết bằng lá xanh dâm bụt (làm nền viền), hoa đỏ thắm dâm bụt làm nền giữa, nổi lên, trên là hình ngôi sao vàng kết bằng hoa thọ (cả hai thứ hoa này lâu nay đã trồng sẵn trong lao). Bốn người cẩn thận khiêng hoa đi sau là đoàn tù với khoảng 700 anh em, quần áo chỉnh tề, nghiêm trang tiến về nghĩa trang.

Khoảng 200 người dân thị xã, tự động đến tận cửa Nhà đày đón anh em. Họ giơ cao nắm tay, tung mũ, nón lên cao chào mừng anh em. Đó là một số bà con lao động, trồng trọt ở gần xung quanh, kết hợp với một số thợ thủ công thị xã, nghe tin, là chạy đến. Họ nối theo sau đoàn tù, cùng với anh em đi đến tận nghĩa trang.  

Đến nghĩa địa: Rừng hoang trống trải, buồn lạnh, đến tận nơi rồi mà chưa ai thấy được nấm mồ của đồng đội mình đã ngã xuống, đau xót vô cùng, ai cũng im lặng.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được anh em cử, nói lên lời tạm biệt vong linh các đồng chí của mình. Và thay mặt anh em, đồng chí hứa với người đã hy sinh, nguyện chiến đấu đến cùng, kế tục sự nghiệp của những đàn anh đi trước.

Sau khi tổ chức dâng hoa và hương, tất cả trật tự quay trở về, riêng hai đồng chí Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) và Trần Hữu Dực đã được anh em trong tù và các đồng chí bên ngoài bí mật tổ chức vượt ngục, để nhanh chóng bổ sung lực lượng chuẩn bị cho cách mạng Tháng 8/1945.

 

Đoàn tù chính trị từ nghĩa địa quay về, bốn quan Nhật và tay sai đon đả đón và mời vào dự mít tinh.Theo kế hoạch đã định, anh em đứng thành một khối, sát cạnh dân thị xã, xa lễ đài. Tuyệt đối không giơ tay, không ngẩng đầu khi chúng hô chào cờ. Tuyệt đối im lặng, không hô khẩu hiệu theo bọn tay sai giặc Nhật.

Trong ba ngày ở lại chờ xe, anh em  được gặp bà con nhân dân Thị xã Buôn Ma Thuột, nhiều bà con lao động khóc, nghẹn ngào nhắc lại những khi nghe tiếng reo thống thiết của anh em trong tù. Họ xoắn xuýt hỏi xem những lúc ấy, anh em mình bị thương bao nhiêu, tử vong bao nhiêu?... Cũng có số bà con mạnh dạn nhưng kín đáo hỏi thăm về cách mạng chung, về phong trào ở nơi rừng núi này. Được dịp, anh em càng tuyên truyền, vạch rõ âm mưu giặc Nhật và tay sai. Hô hào bà con cảnh giác, sáng suốt và theo cách mạng, động viên bà con đoàn kết và giới thiệu với bà con một số đồng chí tù chính trị sẽ ở lại hoạt động, cùng bà con sát cánh bên nhau đấu tranh bảo vệ nhân dân Đắk Lắk.

Trong số những anh em trong danh sách “phóng thích” của Nhật được lên xe trở về quê hương để tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tổng khởi nghĩa dành chính quyền năm 1945, có những đồng chí đã xung phong ở lại Đắk Lắk cùng quân và dân tổ chức đấu tranh, đó là đồng chí Phan Kiệm, đồng chí Nguyễn Trọng Ba.


Thông qua câu chuyện của đồng chí Trần Thông Cảm, có thế thấy sự quyết liệt của Ban lãnh đạo tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột trong việc đấu tranh đòi thả tù chính trị, tổ chức vượt ngục,... Các chiến sĩ cách mạng sau khi thoát khỏi Nhà đày luôn kề vai sát cánh, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước.



Khu mộ tập thể - Nơi an nghỉ của những chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột được dân làng Lạc Giao đưa về (thuộc nghĩa trang Phan Bội Châu cũ)

 

Ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trong không khí cách mạng sục sôi, đồng bào các dân tộc đã cùng nhau tiến thẳng tới Nhà đày Buôn Ma Thuột phá nhà lao, đưa những chiến sĩ cách mạng còn lại đang bị giam giữ ra ngoài. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương trong toàn tỉnh diễn ra đúng thời cơ và giành thắng lợi to lớn, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong cả nước.



Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk – nơi đồng chí Phan Kiệm, Nguyễn Trọng Ba và các đồng chí khác họp bàn chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945

 

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột mãi là địa chỉ đỏ khắc ghi những dấu ấn lịch sử quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua Chi bộ đảng, các đảng viên trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Đắk Lắk, góp vào thắng lợi chung của cả nước, thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.





Thu Hương