NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT - TRƯỜNG HỌC CÁCH MẠNG CỦA CÁC CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc, đưa phong trào cách mạng của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chính quyền thực dân ra sức đàn áp và thi hành triệt để chính sách đày biệt xứ tù chính trị. Ngay trong lúc cuộc đàn áp phong trào cách mạng đang diễn ra ở nhiều nơi, Khâm sứ Trung Kỳ đã lệnh cho Công sứ Đắk Lắk xây dựng gấp Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Năm 1930, Nhà đày được xây dựng bằng các chất liệu thô sơ như: khung bằng gỗ, tường bằng cốt tre đắp đất trộn rơm, lớp vỏ ngoài trát xi măng mỏng, mái lợp lá. Tuy nhiên, Khâm sứ Trung kỳ đã phản đối cấu trúc và chất liệu này, bắt phá bỏ để xây dựng lại một Nhà đày kiên cố.

Mùa hè năm 1931, việc xây dựng được tiến hành, thâm độc hơn nữa: chính quyền thực dân đã sử dụng chính sức lực tù nhân để làm nơi giam giữ chính họ và những người đồng đội.

         

Cuối tháng 11 năm 1931, việc xây dựng Nhà đày dần hoàn tất trên diện tích rộng gần 2 ha, bao gồm 6 dãy lao tập thể, sức chứa mỗi lao hơn 100 người. Một dãy Xà lim, gồm 21 phòng để giam giữ những người được xếp vào danh sách đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra còn một số hạng mục khác như nhà bếp, nhà ăn, nhà Y tế, Khu bàn giấy, dãy nhà xưởng.

Bao bọc xung quanh Nhà đày là bức tường cao 4m dày 40cm, duy nhất có một cổng chính ra vào. Tại cổng chính và bốn góc là những vọng gác cao, đêm đêm đèn pha chiếu sáng, với lính canh 24/24 giờ để dễ bề giám sát tù nhân.


Trong nhận thức của chính quyền thực dân, Đắk Lắk được xem là địa điểm lý tưởng để đày ải và giam giữ tù chính trị lâu dài, là nơi “xa xôi hẻo lánh” với khí hậu khắc nghiệt. Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành chốn “địa ngục trần gian”, những ai bị đày lên đây thì có ngày đi nhưng chưa chắc đã có ngày về.



Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không làm lung lay ý chí sắt đá của người cộng sản, mà ngược lại chính nơi đây đã trở thành trường học cách mạng, nơi tôi luyện những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam.

Các chiến sĩ cách mạng vừa đấu tranh trực diện bằng các hình thức khác nhau, như thành lập Ban thương lượng, Ban điều tra xét xử đặc biệt, Ban lãnh đạo tù nhân, đây là các tổ chức công khai đại diện cho tù nhân, tổ chức đấu tranh chống lại sự tra tấn, đánh đập; đòi hỏi những quyền lợi trong khuôn khổ tù chính trị; cùng với đó là các tổ chức bí mật, vừa đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tổ chức vượt ngục và nhen nhóm gây dựng cơ sở cách mạng.

Trong những cuốn hồi ký của tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ cách mạng kiên trung - những người thầy đặc biệt tại Trường học đặc biệt trên cao nguyên Đắk Lắk:


Về chính trị, có đồng chí Trần Tống, người được ví như cuốn sách Lênin sống. Hàng ngày, đồng chí ôn lại trong trí nhớ từng đoạn của cuốn sách chủ nghĩa Mác Lênin và đọc lên cho anh em nghe bằng nguyên văn tiếng Pháp, rồi dịch ra tiếng Việt để anh em nghiên cứu, đây là tài liệu quý của tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ. 



Đồng chí Trần Tống


Cùng với Trần Tống, hai đồng chí Nguyễn Xuân Linh và Ngô Tuân có nhiệm vụ soạn thảo nội dung và giảng dạy về bốn bước công tác: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, đấu tranh; kinh nghiệm vận động công, nông, thanh, phụ và binh vận. Đồng chí Trần Hữu Dực được giao nhiệm vụ tuyên truyền học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là đức hy sinh, tận tụy của người đảng viên quần chúng.

Về Văn hóa: Đồng chí Lê Chường, Trương Văn Hoàn, Lê Viên dạy cho anh em cách viết văn, để anh em biết cách viết truyền đơn, đặt khẩu hiệu, viết báo; đồng chí Phạm Huy Khánh được giao nhiệm vụ viết lại các tài liệu về đường lối cách mạng Việt Nam, về lý luận chủ nghĩa Mac-Lênin do ban lãnh đạo tù chính trị tại Nhà đày soạn thảo, thành tập sách nhỏ và cất giữ bảo vệ. 



Đồng chí Lê Chường

 

Đồng chí Nguyễn Năng Độ giảng dạy tiếng Pháp; tiếng Quảng Đông, Trung Quốc do đồng chí Hồ Tùng Mậu phụ trách giảng dạy;

Trước âm mưu chia rẽ dân tộc, lấy người Việt trị người Việt của chính quyền thực dân, đồng chí Phan Đăng Lưu đã nhanh chóng học tiếng Êđê để giao tiếp với binh lính và viên chức người dân tộc thiểu số, cảm hoá họ và cho ra đời tờ báo “Yuăn - Đê” nói lên tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Về quân sự, có đồng chí Trương Vân Lĩnh được giao nhiệm vụ biên soạn và dạy cách “đánh du kích”, tầm quan trọng của vũ trang cách mạng, các thứ quân, tác dụng của các loại vũ khí, triển khai lực lượng,…


Bên cạnh đó, các đồng chí Nguyễn Đình Sài, Chu Văn Biên, Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Thừa Duyệt chủ động tìm tòi, tập hợp các tài liệu về địa lý thế giới để hoàn thiện một quyển địa dư, lịch sử của các châu lục trên thế giới.



Đồng chí Chu Văn Biên


Việc học tập của tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột diễn ra hết sức bí mật và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả tù nhân. Lớp học được tổ chức phù hợp với trình độ của mỗi người, dù ban ngày đi lao dịch vất vả, hay cơ thể chằng chịt những vết thương cũng không ngăn được ước muốn trau dồi kiến thức, học tập, rèn luyện ý chí cách mạng.

Sự ra đời của Chi bộ cộng sản cuối năm 1940 hay Cuộc duyệt binh sáng ngày 25/01/1944 (nhằm ngày Mùng 1 Tết Giáp Thân) đã thể hiện ý chí quật cường, khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc của tù chính trị - những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù. Là kết quả của những năm tháng miệt mài học tập, rèn luyện của các chiến sĩ cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.


Nhà đày Buôn Ma Thuột - một địa danh lịch sử, nơi khắc sâu dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nơi chứng kiến tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gông cùm và đòn roi, tra tấn khốc liệt, các đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng được tôi rèn ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã góp phần to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc. Theo dòng chảy của thời gian, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Thu Hương