LỄ CÚNG CẦU MƯA CỦA NGƯỜI M’NÔNG GAR, BUÔN YÔNG HẮT, XÃ KRÔNG NÔ, HUYỆN LẮK

Trước đây vào cuối mùa khô, khi sông, suối, ao hồ cạn nước hoặc những năm hạn hán kéo dài, cây cỏ khô cằn, công việc trồng tỉa, gieo hạt gặp nhiều khó khăn, người M'nông Gar ở buôn Yông Hắt, xã Krông Nô sẽ làm Lễ cúng cầu mưa.

Nghi lễ thường được tổ chức trong hai ngày, một ngày chuẩn bị và một ngày tổ chức nghi lễ chính thức. Đích thân trưởng buôn sẽ đứng ra tổ chức theo đúng các nghi thức truyền thống, để cầu xin các thần linh phù hộ cho dân làng có được nguồn nước dồi dào, lượng mưa đầy đủ cho con người tồn tại, cây cối sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, dân làng ấm no hạnh phúc.

Theo lời kể của các già làng Y Krang Ndu (Ama Liêm), ngụ tại buôn Phi Za B; già làng Y Chăk Pơlưk ngụ tại buôn Yông Hắt, xã Krông Nô, huyện Lắk thì những năm trước đây, người M’nông sống tại buôn Yông Hắt thường tổ chức Lễ cúng cầu mưa ở hai địa điểm: Nhà của trưởng buôn và tại thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng).

Lễ vật chuẩn bị gồm: gà, gạo, dê, heo nhỏ, ché rượu và vỏ quả bầu khô để rót rượu.

Nghi thức cúng mưa đầu mùa được bắt đầu bằng lễ cúng trong nhà của trưởng buôn. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, chủ lễ (trưởng buôn hoặc thầy cúng) mặc trang phục truyền thống, trang nghiêm tiến hành nghi lễ. Chủ lễ cắt tiết gà từ hai bên khóe mỏ con gà trống, lấy tiết hòa với rượu đựng trong một cái chén đồng và khấn rằng: “Ơ Yang, hôm nay tôi mời gọi các Yang cùng về ăn thịt heo, gà, cùng uống rượu trong ché, cùng chứng kiến và ban phúc cho người dân trong buôn. Xin Yang ban cho con cháu mạnh khỏe, ban cho cháo đựng trong bầu luôn đầy ắp, cơm trong nồi đừng để bị thiu. Quanh năm Yang cho cái tốt, điều lành; không cho cái đói cái khát, mong cho lúa đầy kho, ngô đầy bồ, đầy nhà. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy chiếc lông gà quết vào chén rượu rồi bôi lên các vật dụng trong nhà như: cột nhà, rổ, rựa, cuốc, cửa trước, cửa sau, cầu thang... để cầu xin thần linh giữ sức khỏe cho con người, cho căn nhà được êm ấm, tránh mọi rủi ro, tai nạn trong lao động sản xuất.

Sau nghi lễ cúng trong nhà, mọi người đi theo chủ lễ ra ngoài sân, nơi có cột lễ đã được dựng trước đó một ngày để cúng ngoài trời. Đội chiêng vừa đi vòng quanh cây nêu, vừa đánh bài chiêng mời gọi Yang về dự, chứng kiến lễ cúng mưa đầu mùa. Chủ lễ vừa dùng lông gà nhúng vào chén rượu hòa cùng tiết gà bôi lên thân cây nêu, vừa đọc bài khấn các Yang xin được mưa sớm, đủ, đầy, an toàn cho dân làng.

Tiếp theo, lễ cúng cầu mưa sẽ được tổ chức tại thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) nằm trên đỉnh núi Yốk Rjǐ, người chủ lễ sẽ dẫn đầu đoàn người cùng với đội cồng chiêng (có một trống nhỏ đi kèm) di chuyển đến gần thác nước. Đoàn người tham gia lễ cúng đều được chọn lựa kỹ càng, đi phải theo đôi, theo cặp và phải là gia đình thuận hòa, đầy đủ vợ chồng; nếu gia đình nào mất vợ hoặc mất chồng sẽ kiêng kỵ, không được tham gia ở trên thác; trong quá trình tổ chức nghi lễ, những người tham gia phải tuyệt đối tuân theo tục lệ của buổi Lễ, mọi hành động, cử chỉ, lời nói… đều phải rất nghiêm túc, nếu ai làm trái sẽ bị dân làng phạt vạ, thần linh sẽ không hài lòng dẫn đến mong muốn của dân làng gửi đến các vị thần linh theo đó sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Khi chủ lễ và đoàn người đi đến tầng thứ ba - tầng cao nhất của thác, các thanh niên trai trẻ sẽ cùng nhau dọn dẹp sạch vị trí nơi tiến hành làm Lễ. Người chủ lễ đặt các lễ vật bên cạnh tảng đá to có hình dáng một con trâu lớn (nơi mà theo truyền thuyết đây là tảng đá đã biến đổi thành hình dáng giống một con trâu và được dân làng tôn kính là “hồn trâu”- vật gắn kết với thần linh, luôn che chở, bảo vệ, đem đến ấm no cho buôn làng). Trong lễ vật cúng tại thác ngoài gà, rượu cần, thịt heo, con trâu sống thì bắt buộc phải có một con dê bởi dân làng quan niệm rằng: Con dê là một loại động vật hiếm khi tắm, khi tổ chức lễ cúng cầu mưa mà con dê tự xuống thác tắm thì sẽ một điều rất may mắn. Nếu dê không tắm thì họ sẽ dội nước với mục đích chính là cầu thần mưa ban mưa xuống cho buôn làng, khởi tạo nguồn nước dồi dào không bao giờ khô hạn. Nghi lễ bắt đầu, sau tiếng trống mở màn, đội cồng chiêng sẽ tấu bài chiêng mời gọi các vị thần về dự lễ như Yang Trǒk (thần Trời), Yang Teh (thần Đất), Yang Dăk (thần Sông, nước), Yang Yốk (thần Rừng núi); chủ lễ sẽ khấn các vị thần linh phù hộ cho buôn làng được mưa thuận gió hòa. Sau khi xong nghi lễ, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức các lễ vật, tạo không khí vui tươi đầm ấm.

Sau khi thực hiện nghi lễ tại thác, chủ lễ và bà con tiếp tục về nhà trưởng buôn để làm nghi lễ kết thúc lễ cúng cầu mưa. Máu con vật hiến sinh sẽ được tiếp tục bôi lên các vị trí trong nhà, bôi lên các vật dụng, chiêng, ché…, đội chiêng và tốp múa cùng nhau hòa tấu những bản nhạc tươi vui, mọi người cùng uống rượu cần giao lưu, ca hát tạo không khí vui tươi, ấm áp, thắm tình đoàn kết và cùng cầu mong cho ý nguyện của dân làng sẽ mau chóng trở thành hiện thực.




Nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị của dân tộc M’nông Gar, ngày 18/4/2022, sau khi tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng), Uỷ ban Nhân dân huyện Lắk đã tổ chức Lễ cúng cầu mưa của người M’nông Gar theo nghi thức truyền thống, đây là một hoạt động ý nghĩa, tạo điểm nhấn khác biệt giữa Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) với những danh lam thắng cảnh khác. Góp phần khai thác tiềm năng, giá trị văn hoá, du lịch của di tích.



Hà Phương