LAO 2 - NGHIÊM GIAM ĐƯỢC VÍ NHƯ "ĐẠI HỌC BÁCH KHOA” TẠI DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT
Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập giai đoạn 1930-1931 với mục đích giam giữ, đày ải và thủ tiêu các tù chính trị bị kết án nặng từ các tỉnh Trung kỳ chuyển tới.
Nhà đày được xây dựng trên diện tích đất rộng gần 02 ha, bao bọc xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh nhiều thú dữ ăn thịt rình rập, đường sá đi lại khó khăn với nhiều ghềnh thác, núi non hiểm trở. Các hạng mục công trình của Nhà đày có 6 dãy lao tập thể, mỗi lao sức chứa trên 100 tù nhân, khu bệnh xá khoảng 15 giường bệnh được xây dựng lên thực chất để che đậy dư luận bên ngoài. Ngoài ra còn có khu nhà xưởng, khu bàn giấy kho, khu nhà bếp, nhà ăn của tù nhân và khu xà lim biệt giam được xây dựng về sau để giam những tù chính trị “Đặc biệt nguy hiểm”. Trước khi xây dựng khu xà lim thì lao 2 được xem là nghiêm giam, biệt giam để giam cầm những tù chính trị mà bọn chúa ngục xếp vào loại “rất nguy hiểm” - nơi đây giam giữ chủ yếu những tù chính trị mà thực dân Pháp và bọn tay sai cho rằng đây là những đối tượng cứng đầu, cứng cổ cầm đầu các phong trào đấu tranh đòi yêu sách, quyền lợi cho anh em tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Theo hồi ức đồng chí Trần Thông Cảm viết vào tháng 6 năm 1985, biên tập tổng hợp trong “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột”.
“Khoảng đầu năm 1943, tôi “được” giam vào Nhà lao 2 gọi là nhà nghiêm giam - biệt lập riêng đối với năm dãy nhà lao khác nằm chung trong Nhà đày. Vào buồng này tôi vinh dự được gặp các anh Bùi San (nay Bí thư Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên), Trần Tống (Phó giám đốc trường Chính trị Trung ương Đảng - Nguyễn Ái Quốc), Nguyễn Chí Thanh (Đại tướng đã mất), Lê Thưởng (Thiếu tướng đã mất), Lê Thế Chấp, Thương Hoàn (đã hy sinh) v.v… Trần Hồng Chương (phụ trách báo học tập của Đảng), Hồ Xuân Lưu sau này là Trần Quốc Thảo (Phó Bí thư thành uỷ Sài Gòn đã hy sinh thời chống Mỹ).
Tối đến mỗi người bị cùm một chân, ngày chỉ được đi lại trong phạm vi: Chiều ngang 20m, chiều dài tầm 80m (kể cả chỗ nằm). Hai tường dày và cao nối nhau tạo nên một góc tù – trên góc là một chòi canh, 24/24 giờ có lính cầm súng đứng gác. Hai bờ tường thấp đấu vào hai tường cao làm thành một nhà giam riêng, nhỏ nằm trong một nhà đày to, rộng. Mỗi ngày cơm được tù nhân ở nhà bếp nấu mang đến lao 2 chỉ được đưa qua lỗ cửa, không được mở rộng cửa.
Sáng nào vào khoảng 9 giờ ở một góc sân của nhà lao 2, đồng chí Hồng Chương (cùng quê Triệu Sơn với tôi) thôn Phương Sơn cũ, cũng hướng dẫn anh em theo dõi tin chiến thắng của Liên Xô đang đẩy lùi quân phát xít Đức. Những tin tức lúc ấy nắm được phần lớn do các tờ báo công khai bằng tiếng Pháp xuất bản ở Sài Gòn, các báo ấy phần lớn là giấy gói hàng hoá đưa vào nhà đày được anh em bí mật nhặt, ghép dán và cất giấu kỹ. Nhà lao 2 lúc ấy thật rộn ràng, sôi nổi với việc nghe, theo dõi và bình luận tập trung về chiến thắng vang dội của Liên Xô. Theo dõi tin tức đi đôi với gấp rút học tập địa lý để hiểu rõ các chiến trường.
Một đồng chí nổi bật lúc ấy nữa là đồng chí Trần Tống (quê Quảng Nam). Đồng chí người nhỏ, yếu, tai thường hay bị chảy mủ có khi gần như điếc mất một tai. Đồng chí là một bộ “Lê Ninnít” sống. Hàng ngày, nằm ôn lại trong trí nhớ lại từng đoạn sách và đọc lên cho anh em xung quanh nghe và chép (nguyên văn tiếng Pháp). Sau đó, đồng chí sắp xếp trật tự và dịch ra tiếng việt để anh em nghiên cứu học tập. Do ham mê ôn và dịch tài liệu mà nhiều lúc đồng chí quên cả tắm rửa, thay quần áo.
Đồng chí Lê Chưởng, đồng chí Trương Văn Hoàn, đồng chí Lê Viên (Quảng Bình, Quảng Trị), dạy môn Văn và Pháp văn, dạy Việt văn cốt rèn luyện cách viết truyền đơn, đặt khẩu hiệu, viết báo…
Chính vì thế mà nhà lao 2 được coi như một “Đại học Bách Khoa” vậy!
Nhưng không phải mọi kế hoạch học tập và mọi hoạt động, tổ chức khác đều được tiến hành liên tục và thuận lợi. Bởi vì hoàn cảnh tù nhân luôn bị động do những kế hoạch khám xét của kẻ thù và những sự thay đổi chỗ ở bất ngờ của chúng. Lại còn do kế hoạch khác to lớn của ta như kế hoạch đấu tranh đòi quyền lợi, bảo vệ quyền lợi trong nhà tù v.v… Cho nên những đồng chí lãnh đạo của nhà lao 2 thường xuyên tìm cách giành thế chủ động của mình. Hơn nữa là các hoạt động đều phải bí mật và tranh thủ mọi hoàn cảnh để phổ biến, bàn bạc, học tập được kịp thời.
Bản thân tôi, mới từ nhà lao tỉnh đến đây, vừa đang lạ lùng bỡ ngỡ, vừa rất trẻ về tuổi đời cũng như tuổi cách mạng, cho nên tâm tư muốn tập trung tất cả vào học tập - học ở đồng chí “đàn anh”. Sáng học địa lý, theo dõi tin tức, chiến sự ở Liên Xô, học Việt văn, trưa chép “Lê Ninisme” bằng Pháp văn giúp đồng chí Trần Tống, chiều đọc các đoạn dịch “Lê Ninnít” bằng tiếng Việt hoặc nghe giảng về triết học duy vật biện chứng.
Ngoài việc chăm lo học tập, rèn luyện cơ thể, tôi cùng đồng chí Châu (Nghệ An) được anh em phân công cho đan tất chân tận dụng từ chỉ sợi lấy từ áo ấm cũ để chống muỗi. Ở đây, muỗi rừng nhiều lắm! Mỗi người chỉ cần một chiếc tất, vì cái lỗ cùm chân rất hẹp, chăn đắp tuy mỏng nhưng không thể luồn qua để bảo vệ chân được, một số anh em lâu nay lấy quần áo rách cắt may thành tất.”
Trong suốt giai đoạn năm 1930 – 1945, đã có hàng ngàn lượt tù chính trị từ các tỉnh Trung Kỳ bị chính quyền thực dân Pháp đưa lên giam giữ, đày ải, tra tấn hết sức dã man, tàn bạo, có rất nhiều người mãi mãi nằm lại trên mảnh đất cao nguyên. Tuy nhiên, ngay tại nơi được xem là:“chốn địa ngục trần gian, Côn Đảo trên đất liền”, “nơi rừng thiêng, nước độc”, là nơi gieo mầm, “đào tạo chủ nghĩa cao cấp về Cộng sản”, đào tạo, giác ngộ nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tù chính trị từng bị giam ở Nhà đày Buôn Ma Thuột nói rằng: Nhà đày Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ được ví như một trường đào tạo chính trị cao cấp, được xem như là “trường đại học bách khoa”, “đại học binh thư” đầu tiên trên vùng đất đỏ Ban Mê. Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành nơi rèn luyện ý chí, tinh thần chính trị cách mạng và sản sinh ra nhiều cán bộ nòng cốt của Đảng ta. Tù chính trị đã không ngừng nghỉ đấu tranh đòi quyền lợi, lợi dụng những ngày tháng bị giam cầm để dạy và học cho nhau “Biến cái rủi thành cái may, biến Nhà đày trở thành trường học”. Lợi dụng mặt trận bình dân Pháp 1936 nổ ra cùng với nhiều cuộc đấu tranh, tuyệt thực đòi quyền lợi của tù nhân mà chế độ Nhà đày bớt hà khắc hơn, các đồng chí đã tận dụng thời cơ học tập và dạy cho nhau với phương châm “người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho những người không biết chữ”. Chính vì vậy, sau ngày giải phóng nhiều tù chính trị từng bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột được đảm nhận nhiều chức vụ cao trong bộ máy chính trị của Đảng và nhà nước ta như: Chủ tịch Hội đồng nhà nước Việt Nam Võ Chí Công; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Đoàn Khuê; Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng Hoàng Anh,… Họ chính là những con người ưu tú, những chiến sĩ cộng sản kiên trung luôn hết mình phụng sự cho sự nghiệp cách mạng dân tộc cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Có thể khẳng định rằng “chốn địa ngục trần gian” mà chính quyền tay sai và thực dân Pháp dựng lên trên khắp đất nước Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng nhằm mục đích: khủng bố, đàn áp, tra tấn, giết dần mòn về ý chí tinh thần và thể xác đối với các chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của dân tộc ta đã hoàn toàn bị thất bại. Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành nơi đào tạo, giác ngộ nhiều cán bộ nòng cốt của Đảng, Nhà nước ta – nơi gieo mầm cách mạng và sự ra đời của Chi bộ Đảng cuối năm 1940 (22/11/1940) với tên gọi lực lượng Trung kiên, chính là tiền thân của Chi bộ Đảng ở Đắk Lắk. Chính Chi bộ Nhà đày đã ngầm lãnh đạo và góp phần dẫn dắt các phong trào cách mạng của Đắk Lắk lớn mạnh, tạo tiền đề cho thắng lợi sau này.
Tù chính trị từng bị giam ở lao 2 nói chung và Nhà đày Buôn Ma Thuột nói riêng chính là những hạt giống ưu tú, hạt nhân, nòng cốt của các cuộc đấu tranh tại Nhà đày, góp phần tạo tiền đề dẫn dắt con đường cho các phong trào đấu tranh cách mạng Đắk Lắk trưởng thành lớn mạnh, đi đến thắng lợi trong công cuộc đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược và thống nhất nước nhà.
Nguyễn Vân