KIẾM ĐÁ –HIỆN VẬT ĐỘC ĐÁO CỦA DI CHỈ CƯ KTUR
Những hiện vật khảo cổ trưng bày tại phòng Lịch sử của Bảo tàng Đắk Lắk luôn nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của công chúng, trong đó có hiện vật của Di chỉ Cư Ktur, một trong những di chỉ cư trú - xưởng chế tác công cụ có quy mô lớn ở khu vực Tây Nguyên.
Di chỉ Cư Ktur thuộc địa bàn thôn 7A, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, được Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hoá – Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khai quật vào năm 2002. Di vật khảo cổ thu được sau đợt khai quật gồm đồ đá và đồ gốm, trong đó đồ đá là chủ yếu, đồ gốm số lượng rất ít và hầu như bị vỡ nát. Không có đồ xương cũng như di vật chất liệu khác. Trong hơn 300 di vật đá và hàng nghìn mảnh tước, phiến tước thì kiếm đá là một trong những di vật độc đáo của di chỉ Cư Ktur.
Kiếm đá gồm 6 mảnh gãy ghép lại nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, còn thiếu một mảnh ở đoạn nối giữa chuôi và thân kiếm. Kiếm làm bằng đá basalt màu xanh lá, đầu thon nhỏ nhưng không quá nhọn mà hơi bầu, hai cạnh bên gần song song, hai mặt đều được ghè cân xứng, rìa cạnh khá thẳng, phần chuôi ghè thắt hơi nhỏ lại. Nhìn chung đây là một kiếm đá được ghè tỉ mỉ và khá tinh xảo, có thể nó cũng mài nhưng do bên ngoài bị phong hoá nên không thể nhận ra. Tiết diện ngang hình thấu kính, kích thước phần thân dài 26,3 cm, rộng ngang thân 7 cm, dày ngang thân 2,2 cm, phần còn lại của chuôi dài 5,3cm, đoạn gãy chưa tìm thấy có thể dài 2-3cm, như vậy chiếc kiếm này chắc chắn dài hơn 30 cm, kích thước tương xứng với một đoản kiếm. Xét về mặt chức năng, nó khó có công dụng thực tế vì phần mũi nhọn khá tù và lưỡi cũng không sắc sảo. Có thể là chiếc kiếm này mang ý nghĩa biểu trưng cho quyền lực nào đó trong cộng đồng như những thủ lĩnh thị tộc hay bộ lạc. Cho đến nay, chiếc kiếm này vẫn là độc bản ở khu vực Tây Nguyên.
GD&TT