KHU BIỆT GIAM - XÀ LIM TẠI NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT
Toạ lạc tại số 27 Phạm Hồng Thái, thành phố Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột là địa chỉ đỏ để các thế hệ đến tham quan và học tập, trong đó có các chiến sĩ trẻ tiêu biểu thuộc Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk.
Trở về Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đoàn chiến sĩ trẻ tiêu biểu đã dâng hương, hoa để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau đó, cùng ngược dòng thời gian, lật giở từng trang ký ức của Nhà đày Buôn Ma Thuột để thấy được một phần khó khăn, gian khổ của những người tù chính trị nơi đây. Câu chuyện về Khu xà lim thời Pháp là một trong những câu chuyện để lại nhiều sự xúc động đối với các chiến sĩ trẻ trong hành trình tham quan Di tích lần này.
Khu xà lim thời Pháp (còn có tên gọi khác là Khu biệt giam, Xà lim cầm cố), đây là nơi giam giữ những tù nhân mà thực dân Pháp xếp vào đối tượng đặc biệt nguy hiểm, là những đồng chí trung kiên, đứng đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại chế độ cai trị, đàn áp của thực dân Pháp, như đồng chí: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Hiển, Nguyễn Hữu Tuân, Hà Thế Hạnh, Nguyễn Hữu Khiếu...
Được xây dựng cách biệt so với 6 dãy lao tập thể, khu Xà lim gồm có 21 phòng biệt giam tù nhân và một phòng canh gác, phía trước các phòng giam là một khoảng sân để tù nhân tắm nắng.
Về cấu trúc, Xà lim có tường cao và nhiều cửa sổ, cứ cách 2 phòng giam lại có một ô cửa sổ với chấn song chắc chắn ở trên cao, cách mặt đất 2m, những cửa sổ này chính là nơi mà những luồng gió độc từ rừng núi xung quanh lùa thẳng vào buồng giam. Với người tù, mỗi cơn gió như đòn roi tra tấn, bị nhiễm cơn gió độc, tù nhân bị mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh sốt rét.
Phòng biệt giam tù nhân tại Xà lim có chiều rộng 1m, chiều dài 2,5m, bình thường chỉ giam giữ một tù nhân, nhưng vào những lúc cao điểm một phòng sẽ giam giữ hai đến ba tù nhân. Phòng được bố trí một sạp nằm bằng gỗ, phía dưới sạp nằm của tù nhân được bố trí một thanh cùm chân bằng gỗ và 2 ống bằng tre, một ống đựng nước uống, một ống để đi vệ sinh. Có giai đoạn, tên quản ngục khét tiếng gian ác – Moshine tại Nhà đày đã ra lệnh đặt một lớp đệm bằng những viên sỏi nhọn hoắt, xếp hàng loạt trên sạp nằm và bắt cùm chéo chân, khiến cho tù nhân kiệt sức vì đau đớn.
Khi bị giam cầm tại khu Xà lim, tù nhân được ra sân để tắm nắng 15 phút một tuần. Để tránh mắc căn bệnh bại liệt do bị giam cầm quá lâu trong phòng biệt giam, các đồng chí đã cố gắng đi lại để vận động cơ thể, tuy nhiên sự đi lại không hề dễ dàng vì đôi chân các đồng chí bị cùm vào quả tạ nặng từ 70kg đến 80kg.
Chế độ giam cầm khắc nghiệt là thế, chế độ ăn uống cũng bị giảm đi 30% lượng thức ăn thường ngày, thức ăn chủ yếu là cơm gạo mốc và nước lã, ăn nhạt hoàn toàn, khiến cho tù nhân mắc phải bệnh phù thũng.
Hai loại bệnh phù thũng và sốt rét đái ra máu đã hoành hành và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người tù. Năm 1935, theo các báo chí công khai ở Huế đã thống kê rằng, trong số 100 tù nhân chết ở Buôn Ma Thuột thì có đến 24 người chết do sốt rét đái ra máu. Trong 100 tù nhân thì 99 người có ký sinh trùng sốt rét trong máu. Điều đó cho thấy, có những sự tra tấn không đến từ đòn roi mà đến từ những điều kiện hết sức tự nhiên, đó chính là khí hậu độc địa, chế độ ăn uống, hay chính những con muỗi rừng nơi hoang vu hẻo lánh... tất cả đã trở thành công cụ để thực dân Pháp giết dần giết mòn những người tù cộng sản ở đây.
Trước mọi âm mưu thâm độc và thủ đoạn tra tấn của thực dân Pháp, những người tù cộng sản vẫn kiên cường đấu tranh, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, họ đã biến nhà đày thành “trường học”, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk, lan toả tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc và góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945 tại Đắk Lắk.
Đối với các chiến sĩ trẻ thuộc Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, chuyến tham quan Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột là một hành trình đặc biệt để ôn lại truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh, từ đó có phương hướng, động lực để rèn luyện, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
Hạnh Trinh