KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 Ở ĐẮK LẮK

Cách đây 79 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, nhân dân Đắk Lắk cùng cả nước bước vào những ngày cách mạng sục sôi, quyết chí, đồng lòng, nhất tề đứng lên giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.

Những ngày đầu tháng 8/1945, không khí cách mạng ở Đắk Lắk diễn ra sôi nổi, ở nông thôn và thị xã đâu đâu cũng sục sôi khí thế khởi nghĩa. Tổ chức Việt Minh đã nắm được lực lượng công nhân ở một số đồn điền lớn. Lực lượng vũ trang chủ chốt của địch là Tiểu đoàn bảo an binh cũng do Việt Minh nắm giữ. Nông dân đã sẵn sàng đứng lên hành động cách mạng. Công nhân và binh lính đã ngả theo cách mạng. Đây chính là những nhân tố cơ bản và cũng là yêu cầu quan trọng đối với cuộc tổng khởi nghĩa ở Đắk Lắk.

Tại Buôn Ma Thuột, ngày 14/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời cùng một số cơ sở cách mạng và hội viên Việt Minh trong công nhân và công chức đã kịp thời họp bàn phát động cuộc Tổng khởi nghĩa ở địa phương. Hội nghị chủ trương cử người về xuôi, xin thêm cán bộ và bàn cách phối hợp hành động, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa trong toàn tỉnh, trước hết là ở các vùng trọng điểm, có điều kiện thuận lợi, như khu vực có đồn điền, nơi có lực lượng và phong trào công nhân mạnh mẽ.

         

Ngày 17/8/1945, nhận được tin các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa đã giành chính quyền thắng lợi. Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa toàn tỉnh.

         

Theo kế hoạch, tối ngày 17/8/1945, ta đã vận động tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ của công nhân tại sân đồn điền, cốt để vận động quần chúng trong đồn điền cũng như các nơi khác đến dự thật đông đủ. Khi công nhân, nhân dân đã tập trung đông đảo, ta cho Đội tự vệ mang cờ đỏ sao vàng, vũ trang bằng gươm giáo, gậy gộc, hàng ngũ chỉnh tề xuất hiện trước quần chúng. Đồng chí Phan Kiệm lên sân khấu nhân danh đại diện Việt Minh nói rõ việc quân Nhật bại trận, đầu hàng Đồng minh vô điều kiện và công bố mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, tuyên bố lệnh khởi nghĩa giành chính quyền của Việt Minh Đắk Lắk, xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng và bộ máy quản lý mới của công nhân ở Đồn điền CADA, đồng thời kêu gọi và giao nhiệm vụ cho công nhân, tự vệ CADA tích cực tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở các đồn điền lân cận, chuẩn bị tinh thần lực lượng làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột.

Lời tuyên bố của đại diện Việt Minh tại CADA lập tức được toàn thể công nhân, viên chức, nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và đồng tình hưởng ứng, trở thành mệnh lệnh khởi nghĩa giành chính quyền cho cả khu vực các đồn điền dọc đường 21. Công nhân, tự vệ tham dự cuộc mít tinh đã tỏa về các địa điểm, các đồn điền và các buôn làng xung quanh, thực hiện khởi nghĩa ở cơ sở mình, thành lập chính quyền cách mạng, thành lập bộ máy quản lý mới của công nhân. Như vậy, chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh ở cấp cơ sở ra đời ở CADA. Lực lượng tự vệ đầu tiên của tỉnh đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trong việc bảo vệ quần chúng giành chính quyền cơ sở.




Di tích lịch sử Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk

         

Sự kiện tối ngày 17/8/1945 ở đồn điền CADA cho thấy: Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên trong đội ngũ công nhân tỉnh, lấy đó làm bàn đạp chuẩn bị giành chính quyền trong tỉnh mà trước mắt là cướp chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột.

Ngày 18/8/1945, các cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng diễn ra và giành thắng lợi, đưa tới việc thành lập chính quyền cách mạng và bộ máy quản lý ở các buôn làng, các đồn điền dọc đường 21.

Sáng ngày 19/8/1945, đoàn cán bộ tăng cường cho Đắk Lắk gồm các đồng chí: Huỳnh Bá Vân, Đào Xuân Quý,… đến đồn điền CADA cùng họp, đẩy mạnh hơn nữa cuộc khởi nghĩa ở Đắk Lắk với tinh thần tập trung, thống nhất, kịp thời, lấy đồn điền CADA làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh. Cờ đỏ sao vàng của cách mạng rực rỡ, tung bay trên cột cờ trước trụ sở của Ủy ban Cách mạng lâm thời ở đồn điền, gây niềm phấn chấn, cổ vũ phong trào khởi nghĩa của công nhân và nhân dân trên đường 21.

Trong suốt ngày 19/8/1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời ở đồn điền CADA đã huy động xe vận tải, xe chở công nhân ở các đồn điền để chở tự vệ, thanh niên, công nhân đến các khu lân cận tổ chức các cuộc mít tinh loan báo tình hình, tuyên bố thiết lập chính quyền cách mạng và biểu dương lực lượng quần chúng. Đến cuối ngày 19/8/1945, chính quyền cách mạng đã được thành lập trên một phạm vi rộng lớn và quan trọng ở Đắk Lắk.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở vùng đồn điền dọc đường 21 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nên thanh thế và lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám ở Đắk Lắk phát triển đột biến, tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng công nhân và phong trào công nhân không chỉ mau lẹ chớp thời cơ giành chính quyền ở cơ sở mình mà còn trở thành đội ngũ đi đầu, làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân toàn tỉnh.


Tối 19/8/1945, tại nhà số 57 Lý Thường Kiệt, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh bạn và quyết định phát động ngay cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh vào sáng 20/8, để làm thất bại âm mưu mít tinh, cải tổ chính quyền của địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Tham dự Hội nghị có đông đủ đại diện Việt Minh của các khu vực Buôn Ma Thuột, các đồn điền và một số buôn làng. Tại Hội nghị, đã bầu ra Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Sĩ Vinh làm Phó Trưởng ban, các đồng chí Ủy viên: Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông Niê Kdăm, Y Bih Alê Ô, Thái Xuân Đồng. 



Di tích lịch sử Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945



Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sử Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945


Sáng 20/8/1945, sau khi triển khai các công tác chuẩn bị theo kế hoạch, tại sân vận động Buôn Ma Thuột, trước sự có mặt đầy đủ của chính quyền tay sai Nhật, phái đoàn Ủy ban khởi nghĩa ra mắt và tuyên bố: “Các đơn vị lính bảo an và toàn thể nhân dân đã đi theo Mặt trận Việt Minh làm cách mạng. Chính quyền Đắk Lắk đã thuộc về nhân dân, cho nên hôm nay chưa phải là ngày lễ chào cờ của chúng ta, đồng bào hãy giải tán, chờ lệnh cấp trên chúng ta sẽ có cuộc mít tinh chính thức”. Cả sân vận động reo hò vang khẩu hiệu: “Hoan hô cách mạng”, “Hoan hô Việt Minh”, “Đả đảo phát xít Nhật, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”. Lá cờ quẻ Ly chưa được kéo lên đã thấy Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong tay một số người là quần chúng tốt, do ta bố trí. Chính quyền bù nhìn không kịp đối phó, cuộc mít tinh bị giải tán. Theo chỉ dẫn của các đội tự vệ, đồng bào kéo thẳng tới Nhà đày Buôn Ma Thuột phá nhà lao, giải phóng cho những người bị giam giữ ở đây.

Ngày 22/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã đánh giá cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, đồn điền và buôn làng, giao nhiệm vụ cho Ủy ban khởi nghĩa chỉ đạo việc thành lập chính quyền các cấp ở những nơi trên; đánh giá việc thực hiện chủ trương phá cuộc mít tinh chào cờ của địch vào ngày 20/8/1945. Hội nghị đi đến quyết định: Khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 24/8/1945; thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh.

Lệnh khởi nghĩa được truyền về các cơ sở. Tối ngày 23/8/1945, truyền đơn của Việt Minh xuất hiện ở thị xã, kêu gọi quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Đội tự vệ CADA và tự vệ các đồn điền dọc đường số 21 với giáo mác, xà gạc, gậy gộc hành quân suốt đêm đến chốt tại Km3, để bảo vệ nhân dân từ các buôn làng tấp nập kéo vào thị xã.

Chiều ngày 24/8/1945, tại sân vận động thị xã, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra trước sự chứng kiến của hơn 3.000 nhân dân thuộc mọi giai cấp, dân tộc (Êđê, Mnông, Kinh...) và khoảng 500 tự vệ các đồn điền, lính bảo an. Đây là cuộc tập hợp biểu dương lực lượng của các tầng lớp nhân dân đến hoan nghênh và chào mừng chính quyền cách mạng tỉnh. Đại diện của Việt Minh lên lễ đài, nhân danh cách mạng tuyên bố xóa bỏ chế độ thống trị của Nhật và tay sai, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Đồng thời, kêu gọi đồng bào các dân tộc, công nhân, nông dân, viên chức, học sinh và toàn thể nhân dân trong tỉnh quyết tâm bảo vệ chính quyền, giữ gìn độc lập, ủng hộ chính quyền cách mạng, tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới. Sân vận động thị xã vang dậy các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”; “Hoan hô Việt Minh”; “Hoan hô chính quyền cách mạng”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk thành công rực rỡ, Cờ đỏ sao vàng tung bay trước khán đài, đỏ rực cả sân vận động, cùng với hàng trăm lá cờ khác tung bay trước các công sở, đường phố.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đắk Lắk đã thành công rực rỡ, là thắng lợi của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cùng với tinh thần quật khởi mạnh mẽ, quả cảm, đoàn kết của nhân dân, trong đó có sự đóng góp hết sức to lớn và quyết định của phong trào công nhân lao động, là sự tiếp nối vẻ vang truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm kiên cường và bất khuất của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã đập tan ách cai trị của bè lũ thực dân, phong kiến trong gần một thế kỷ, góp phần cùng cả nước viết nên một trong những trang sử vẻ vang, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.


Tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước, vận dụng và phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9, toàn Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, xây dựng Đắk Lắk với nền chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra bằng các giải pháp đột phá, hướng tới mục tiêu xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước khẳng định là trung tâm của vùng Tây Nguyên.



Anh Đào