KHẢO SÁT KHẢO CỔ DỌC SÔNG EA H’LEO, HUYỆN EA SÚP, TỈNH ĐẮK LẮK

Trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ Thác Hai (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk ), Đoàn khai quật đã tiến hành khảo sát một số địa điểm xung quanh khu vực Thác Hai và dọc 02 bờ sông Ea H’leo trong vòng bán kính lên tới 5km.

I. KẾT QUẢ KHẢO SÁT


1. Địa điểm 1 (xã Ia Jlơi): có tọa độ 13014’16”N; 107051’77”E. Hiện vật thu được: 04 mảnh bàn mài phẳng, 02 mảnh bàn mài rãnh, 03 mảnh bàn mài trong, 03 mảnh đá có vết mài, 35 mảnh tước, 31 hạch đá, 01 hòn ghè, 04 mảnh dao, 03 phác vật rìu, 03 phế vật rìu.

2. Địa điểm 2 (xã Ia Jlơi): có tọa độ 13°14’21,36”N; 107°51’7,18”E. Hiện vật thu được: 02 mảnh bàn đập, 01 mảnh chày, 03 mảnh vỡ rìu, 01 phác vật rìu, 06 mảnh bàn mài, hơn 40 mảnh gốm.

3. Địa điểm 3 (xã Ia Jlơi): có tọa độ 13014’39,3”N; 107051’13,9”E. Hiện vật thu được: 01 hòn ghè, 01 phác vật rìu.


4. Địa điểm 4 (xã Ia Jlơi): có tọa độ 13014’658”N; 107050’664”E. Hiện vật thu được: 03 rìu bôn, 01 rìu tứ giác, 04 phác vật rìu bôn, 08 mảnh vỡ rìu, 01 chuôi chày đập, 01 phác vật mũi lao, 01 hòn ghè, 01 bàn mài phẳng, 45 mảnh tước, 13 hạch đá, 02 mảnh đá có vết mài, 01 phác vật mũi khoan, 04 mảnh gốm.



Hiện vật phát hiện tại địa điểm 4


5. Địa điểm 5 (xã Ia Jlơi): có tọa độ 13015’472”N; 107051’781”E. Hiện vật thu được: 01 rìu bôn, 06 phác vật rìu bôn, 09 mảnh vỡ rìu, 12 mảnh tước, 11 hạch đá, 02 mảnh dao, 06 mảnh bàn mài, 02 mảnh vỡ công cụ, 01 quặng, 02 mảnh đá có vết mài, 02 đá miết láng, 33 mảnh gốm.


6. Địa điểm 6 (xã Ia Jlơi): có tọa độ 13014’36,6”N; 107051’19,2”E. Hiện vật thu được: 03 phác vật rìu, 06 mảnh vỡ rìu, 03 mảnh bàn mài, 01 mảnh dao, 02 mảnh tước, 15 hạch đá, 32 mảnh gốm.


7. Địa điểm 7 (xã Ea Rốk): có tọa độ 13°13'58.59"N; 107°50'22.87"E. Hiện vật thu được: 02 mảnh dao, 01 mảnh gốm, 01 hiện vật đá có vết cưa, 01 mảnh vỡ công cụ.



Tại 7 địa điểm khảo sát, đoàn đã thu được rất nhiều loại hình hiện vật: rìu, phác vật rìu, bàn mài, hạch đá, hòn ghè,… với số lượng là 372 hiện vật. 


Xin khảo tả một số hiện vật đặc trưng:


Rìu/bôn vai xuôi, kí hiệu 21.ST.ES: 1 được phát hiện tại Thôn 8, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, làm từ đá phtanite, có kích thước: Dài: 6.4cm; Rộng chuôi: 1.8cm; Rộng thân: 2.8cm; Dày: 0.9cm. Rìu vai xuôi, màu xám trắng. Mài nhẵn toàn thân; đốc hơi bo, chuôi dài 1/3 so với thân; mặt lưng cong khum, bo về hai cạnh bên; mặt bụng phẳng; lưỡi vát nhọn hình chữ “V” lệch, trên thân có vết mẻ/ghè tu chỉnh. Tiết diện ngang hình êlip, mặt cắt dọc hình nêm. (Ảnh 1)


Bàn mài rãnh, ký hiệu: 21.ST.ES: 53 được phát hiện tại Thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. Bàn mãi bị vỡ, mảnh còn lại hình tứ giác, màu xám nâu. Trên một bề mặt hiện còn 2 rãnh có độ rộng 0.3cm, cách nhau 0.3cm, dài dọc thân, được mài nhẵn; mặt đối diện và một cạnh bên phẳng; một đầu vỡ, đầu còn lại được mài thuôn tròn, có dấu vết ghè đập. Tiết diện ngang và mặt cắt dọc hình tứ giác. Kích thước: Dài: 7.5cm; Rộng: 7.6cm; Dày: 1.9cm. (Ảnh 2)



II. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ


- Các hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo sát cơ bản giống nhau về loại hình, chất liệu so với các hiện vật được khai quật ở di chỉ Thác Hai (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp), đã khẳng định quy mô rộng lớn của di chỉ. Đồng thời, việc phát hiện nhiều rìu/bôn, mảnh tước, phác vật, hạch đá, mảnh dao đá. Đặc biệt, phát hiện số lượng lớn bàn mài với nhiều loại hình khác nhau (mài trong, mài rãnh, mài phẳng,..) góp phần khẳng định tính chất công xưởng chế tác ở đây.

- Trên cơ sở các mảnh gốm thu được giống với di chỉ Thác Hai, chúng tôi bước đầu nhận định niên đại của các hiện vật khảo sát khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay, thuộc trung kỳ thời đại kim khí.

- Di chỉ Thác Hai là một địa điểm khảo cổ học mới phát hiện với nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng. Trong quá trình khảo sát, nhận thấy quy mô rộng lớn của di chỉ, chúng tôi đề xuất một số biện pháp bảo vệ, cũng như giáo dục ý thức gìn giữ di sản đối với người dân nơi đây. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai những dự án nghiên cứu mới để có một bức tranh toàn diện về di chỉ khảo cổ học Thác Hai nói riêng cũng như khảo cổ Tây Nguyên nói chung.





Trần Quang Năm, Phạm Bảo Trâm, Trương Đắc Tứ