KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC Ở ĐẮK LẮK”

Sáng ngày 08/3/2023, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk”.

Tham dự khai mạc có ông Thái Hồng Hà, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietsoftpro; Lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; cùng các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin.



Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày


Đắk Lắk là mái nhà chung của 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, mỗi dân tộc mang một sắc thái riêng đã tạo nên sự độc đáo, thống nhất trong bức tranh văn hoá đa sắc màu Đắk Lắk. Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống các dân tộc là dấu hiệu nhận diện tộc người, là di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, chứa đựng giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, tồn tại và phát triển qua quá trình lao động, sáng tạo.


Trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk” quy tụ 45 hình ảnh, 130 hiện vật: Giới thiệu, tôn vinh và lan toả những nét đặc sắc về văn hóa, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk. Kết hợp với trưng bày là các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn: tìm hiểu về quá trình dệt vải và đắp thổ cẩm của người Êđê qua phần trình diễn của các nghệ nhân đến từ Hợp tác xã dệt Tơng Bông, thành phố Buôn Ma Thuột; Cùng nghệ nhân nấu và thưởng thức một số món ăn truyền thống của người Êđê .



Đại biểu tham quan trưng bày




Cùng nghệ nhân nấu và thưởng thức ẩm thực truyền thống


Trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc tại Đắk Lắk” là hoạt động thiết thực Chào mừng kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2023); hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - năm 2023, góp phần giới thiệu, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị thẩm mỹ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và ở Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời, hướng đến tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc mình, góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo tiền đề cho việc xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.

GDTT