KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CÁC NỀN TẢNG SỐ TRONG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa, Bảo tàng Đắk Lắk đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Việc ứng dụng truyền thông đa nền tảng được Bảo tàng Đắk Lắk chú trọng đầu tư, triển khai thực hiện với mong muốn chia sẻ, giới thiệu thông tin rộng rãi, giữ kết nối thường xuyên, lắng nghe và tạo mối quan hệ tương tác hiệu quả với công chúng. 


Trong 6 tháng đầu năm, công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời các hoạt động, sự kiện diễn ra của Ngành và đơn vị trên Website và các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Fanpage, Instagram, Youtube của Bảo tàng Đắk Lắk. Trong đó, có một số sự kiện tiêu biểu như: Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột; Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Xuân Giáp Thìn 2024; 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024); 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động 01/5; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024); Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5; Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6 và Ngày Môi trường Thế giới 05/6; Lễ Tế xuân Giáp Thìn 2024; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Thìn 2024; Triển lãm ảnh “Bộ Đội Biên Phòng Việt Nam, Biên Phòng Đắk Lắk - Dấu ấn 65 trưởng thành và phát triển” và Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật “Dấu ấn thời gian” của Họa sĩ Phạm Xuân Quang, … Ứng dụng Vbee-Text to speech - Nền tảng chuyển văn bản thành giọng nói vào mục đích tuyên truyền, giới thiệu văn hóa, lịch sử, con người Đắk Lắk qua các video clip với các chủ đề như “Vẻ đẹp trang sức của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Lắk”; Giới thiệu về hoạt động trải nghiệm “In tranh dân gian bằng mộc bản”; “Nghề làm gốm truyền thống của người M’nông R’lăm ở huyện Lắk”; “Lễ cúng cầu mưa”. Tiến hành khảo sát thực địa, quay phim, thu thập thông tin, tư liệu để dựng video clip giới thiệu về “Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975)” trên ứng dụng Spotify.



Kênh Spotify của Bảo tàng Đắk Lắk



Instagram và Fanpage của Bảo tàng Đắk Lắk


Bảo tàng Đắk Lắk có khuôn viên rộng gần 7 ha, với hệ thống cây xanh phong phú, là lá phổi xanh giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bảo tàng Đắk Lắk đã xây dựng và duy trì phần mềm ứng dụng, số hóa và truy xuất qua mã QR bằng điện thoại thông minh giúp du khách dễ dàng truy xuất thông tin liên quan đến các cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng. Hệ thống dữ liệu gồm: họ thực vật (bằng tiếng Việt), tên họ (bằng tiếng La Tinh), tên loài cây, tên khác, tên khoa học, nguồn gốc, phân bố, công dụng… Đồng thời, thường xuyên cập nhật, xây dựng và hoàn thiện các video clip mới định danh cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk.



Quét mã QR truy xuất thông tin cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk

 

Trên nền tảng trực tuyến Zoom Meeting, thực hiện các buổi dạy trực tuyến với nhiều chủ đề như: “Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’nông ở Buôn Đôn”, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột”, “Nhà dài – Kiến trúc văn hóa độc đáo của người Êđê”, “Hoàng Minh Thảo và Chiến dịch Tây Nguyên 1975” cho các em học sinh trên cả nước trong khuôn khổ chương trình giáo dục Di sản ba miền do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì, phối hợp với một số bảo tàng trên toàn quốc. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để xây dựng nội dung bài giảng, học liệu, video phục vụ công tác giáo dục di sản văn hóa cho học sinh dựa trên các hiện vật và nội dung trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.


Giới thiệu hệ thống trưng bày tương tác (thông qua màn hình tương tác tại các không gian trưng bày); tiếp nhận, phối hợp lắp đặt mới hệ thống tivi gắn tường tại không gian trưng bày Lịch sử, Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc và rà soát, bổ sung các phim tư liệu phục vụ khách tham quan; Hướng dẫn khách tham quan sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại các không gian trưng bày thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thuyết minh cũng như hình ảnh và giá trị của Bảo tàng Đắk Lắk với khách tham quan trong thời đại công nghệ số.



Hệ thống tivi gắn tường trình chiếu các phim tư liệu phục vụ khách tham quan


Một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để có thể thực hiện chuyển đổi số thành công là phải tạo dựng được nền tảng dữ liệu số. Trong công tác kiểm kê và bảo quản, Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình xử lý, bảo quản trị liệu; Bảo quản phòng ngừa tư liệu, hiện vật trong kho Bảo quản; Số hóa hình ảnh hiện vật dưới hình thức chụp và chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop: 255 hiện vật; Nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý hiện vật: 305 phiếu; Số hóa hồ sơ, hiện vật bằng hình thức scan: 255 hồ sơ; Số hóa hình ảnh bằng hình thức scan: 100 hình ảnh; thực hiện tốt công tác quản lý sách trên phần mềm Quản lý Thư viện VietBiblio.



Nhập thông tin hiện vật vào phầm mềm Quản lý hiện vật


Phát huy những kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động trọng tâm như: Tiếp tục số hóa các hoạt động: Quay phim, chụp ảnh các nghi lễ của cộng đồng, hình ảnh sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Đắk Lắk; Số hóa thông tin, hồ sơ của các di tích; Tiếp tục số hóa tài liệu thuyết minh, tài liệu giáo dục di sản văn hóa: Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống hóa bài thuyết minh theo từng chủ đề về trưng bày thường xuyên, các trưng bày chuyên đề; xây dựng câu chuyện hiện vật, mô tả hiện vật chi tiết,… bám sát nội dung theo lộ trình trưng bày; Ứng dụng các nền tảng mạng xã hội Youtube, Facebook, Instagram,… để đẩy mạnh công tác truyền thông; Giới thiệu trưng bày thông qua hình thức trực tuyến, xây dựng các video clip có chất lượng cao; Chuyển đổi số trên nền tảng Spotify, Apple Podcasts và Vbee - Nền tảng ứng dụng chuyển đổi văn bản thành giọng nói các câu chuyện hiện vật, nội dung trưng bày, các điểm di tích,… phù hợp với thị hiếu của công chúng; Cập nhật dữ liệu, hình ảnh hiện vật vào phần mềm quản lý hiện vật; Số hóa hồ sơ, hiện vật giấy, hình ảnh bằng hình thức scan, lưu trữ file tại Bảo tàng Đắk Lắk.


Chuyển đổi số là một trong những hoạt động cấp thiết mà Bảo tàng Đắk Lắk chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng một cách tốt nhất.

Trần Hằng