HƯỚNG VỀ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG NĂM ẤT TỴ - 2025
Giỗ tổ Hùng Vương – Mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày lễ trọng đại của đất nước, đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện niềm tự hào về sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đây là dịp để nhân dân tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến công lao của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc và các bậc tiền nhân đã xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được gìn giữ từ hàng ngàn năm, qua các thế hệ, từ đất Tổ - nơi có Đền Hùng linh thiêng, đến mọi miền Tổ quốc cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tri ân tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường như lời dạy của tiền nhân. Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức đồng loạt trên khắp mọi miền đất nước, cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – thờ cúng ông Tổ chung của đất nước, là tín ngưỡng duy nhất trên thế giới và chỉ có ở dân tộc Việt Nam, là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa quý báu của nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, mặc dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, vẫn thiêng liêng và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, với sức sống lâu bền, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và tồn tại qua mọi thể chế chính trị, góp phần hun đúc lòng tự hào và xây dựng tinh thần đoàn kết và tình yêu quê hương đất nước: “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
Từ xa xưa, lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép, đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, ghi lại: “… Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”. Có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng bằng cách giao trực tiếp cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại, họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính.
Đến thời nhà Nguyễn, vào năm Khải Định thứ hai (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ, định ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mùng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945), Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng đến Đền Hùng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngay sau Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN, ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Năm 1995, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương được Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa Thông tin – Thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 01/3 đến 10/3 âm lịch).
Ngày 02/4/2007, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngày 06/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt được tiêu chí quan trọng, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của tất cả dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đặc biệt thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Căn cứ Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương; Hướng dẫn số 796/HD-BVHTTDL, ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch).
Năm 2010, sau khi tổ chức Đoàn đến tỉnh Phú Thọ để thỉnh “Đất, Nước, Chân nhang từ Đền Hùng” về thờ cúng tại đình Lạc Giao, định kỳ hàng năm vào dịp 10/3 âm lịch, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ dâng hương, hoa, vật phẩm lên Quốc tổ Hùng Vương, nhằm động viên, kêu gọi tinh thần đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nói chung và chung tay xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên nói riêng.
Giỗ tổ Hùng Vương tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao năm 2024
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3 năm Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức trong 02 ngày, từ ngày 06/4 đến ngày 07/4/2025 (nhằm ngày 09/3 đến ngày 10/3 năm Ất Tỵ) tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao, số 67 đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lắk. Bên cạnh phần Lễ, phần Hội sẽ gồm các hoạt động như:
+ Múa lân – múa rồng;
+ Trình diễn gói bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng Vua Hùng;
+ Biểu diễn hát chèo, quan họ;
+ Chương trình nghệ thuật đường phố với một số loại hình diễn xướng dân gian và truyền thống của dân tộc (hát quan họ, biểu diễn cồng chiêng); Viết thư pháp; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực.
Trong không khí rộn ràng hướng về Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3 năm Ất Tỵ - 2025, công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương và tích cực. Với các hoạt động đa dạng và đặc sắc hứa hẹn sẽ tạo không gian văn hóa, tâm linh hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Qua đó, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
GDTT