HÒM PHIẾU SỬ DỤNG TRONG KỲ BẦU CỬ QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN SAU KHI NƯỚC NHÀ THỐNG NHẤT TẠI TỈNH ĐẮK LẮK

Tại không gian trưng bày Lịch sử của Bảo tàng Đắk Lắk có một số hình ảnh, hiện vật về cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI – kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên sau khi thống nhất nước nhà. Tiêu biểu là Hòm phiếu của tổ bầu cử số 2, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Ma Thuột dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI, ngày 25/4/1976.

Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, nước ta hoàn toàn thống nhất, song mỗi miền lại có một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở miền Nam có Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ.


Từ thực tế đó, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9/1975 nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Từ ngày 15 đến 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hội nghị nhất trí cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước và quyết định cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào đầu năm 1976, theo các nguyên tắc: dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tháng 01/1976, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định: cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào chủ nhật ngày 25/4/1976.



Nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột diễu hành chào mừng ngày bầu cử Quốc hội khóa VI, ngày 25/4/1976 


Ngày 25/4/1976, trong ngày hội non sông, cử tri Đắk Lắk cùng cử tri cả nước nô nức thực hiện quyền công dân, tham gia bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tổng số cử tri bầu cử Quốc hội thống nhất toàn quốc đạt trên 98%, tỉnh Đắk Lắk có 99,29% số cử tri đi bỏ phiếu và vinh dự có 05 đại biểu tham gia Quốc hội khóa VI là: Y Blốc Êban, Y Ngông Niê Kdăm, Nguyễn Xuân Nguyên, Bùi San và Ka H’Jiêng.



Hòm phiếu của tổ bầu cử số 2, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Ma Thuột dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI, ngày 25/4/1976


Hòm phiếu có dạng hình chữ nhật, bằng gỗ, để mộc không sơn, với chiều dài 70,6cm, rộng 45,3cm và cao 48cm, tuy đơn sơ, giản dị nhưng lại chứa đựng ý nghĩa về sự kiện lịch sử cách đây gần 40 năm tại thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Được Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm ngày 01/7/1976 từ đồng chí Huỳnh Thị Sáu, Phó Chủ tịch phường Thống Nhất, thị xã Buôn Ma Thuột, chiếc hòm phiếu được sử dụng trong ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước thống nhất vào ngày 25/4/1976 của tổ bầu cử số 2, tại trường phổ thông cấp 2 (Trường Bồ Đề cũ), số 01 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí Mười Nguyên, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; đồng chí Y Blốc Êban, nguyên Chủ tịch tỉnh; bác sỹ Y Ngông Niê Kđăm, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng tỉnh đã bỏ những lá phiếu đầu tiên vào lúc 07 giờ 00 sáng ngày 25/4/1976, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân của một nước hoàn toàn thống nhất, độc lập và tự chủ.



Đồng chí Mười Nguyên, đồng chí Y Ngông Niê Kđăm bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội ngày 24/5/1976


Hòm phiếu minh chứng về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk sau khi thống nhất nước nhà. Vì vậy, ngoài ý nghĩa lịch sử, hiện vật trên còn thể hiện tấm lòng của người dân luôn tin tưởng, hướng về sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu.








Hoài My