HỘI NGHỊ KHOANH VÙNG CÁC KHU VỰC BẢO VỆ DI TÍCH KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN CƯ JŬ - DLIÊ YA

Ngày 08/9/2023, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì tổ chức Hội nghị khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya.

Đồng chủ trì Hội nghịBà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và H’Yim Kđoh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương của hai tỉnh và các nhân chứng lịch sử - cán bộ lão thành cách mạng: Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Tô Tấn Tài (Ama Oanh), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk.


Phát biểu khai mạc hội nghị, bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nhấn mạnh: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với thắng lợi của cả vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung. Để hồ sơ khoa học di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya được chặt chẽ và hoàn chỉnh, Hội nghị cần thảo luận, thống nhất các vấn đề:


- Tên gọi, diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya.

- Khẳng định vai trò, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya. Trên cơ sở đó, hoàn thiện lý lịch, hồ sơ khoa học di tích, đề nghị cấp thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia.


- Đề xuất cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương của hai tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk đối với công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya trong thời gian tới.


Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Bảo tàng Đắk Lắk báo cáo tóm tắt nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa và dự kiến tên gọi, diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ của di tích. Từ đó, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về tên gọi và diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích; về vai trò của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc (1945 - 1975); Nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững gắn với việc phát huy giá trị Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ - Dliê Ya trong thời gian tới.


Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xúc động, chia sẻ: “Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là căn cứ đầu não gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung, nơi Đảng bộ tỉnh đã họp bàn, đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bên cạnh những công lao, sự hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Khu căn cứ, còn có sự ủng hộ về cả sức người, sức của của Nhân dân các dân tộc các huyện, các buôn vùng căn cứ. Trong kháng chiến chống Pháp, Nhân dân các dân tộc ở các buôn phía Đông và Tây Cheo Reo một lòng đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến, ủng hộ Việt Minh về mọi mặt như lúa gạo, củ mỳ, trâu, bò, ngựa… cũng như phát động du kích lập làng kháng chiến quanh Khu căn cứ. Thời kỳ chống Mỹ, Nhân dân các dân tộc đã góp phần xây dựng, bảo toàn vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh, vượt qua đói khổ, thiếu thốn và sự đánh phá thường xuyên của Mỹ - Ngụy để giữ vững phong trào, duy trì thế trận chiến tranh Nhân dân, góp phần xứng đáng cùng quân và dân tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk giành thắng lợi cuối cùng. Ơn nghĩa, tình cảm đó của Nhân dân chúng ta không bao giờ được quên”.



Trên cơ sở các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu, Hội nghị đã thống nhất tên gọi sử dụng trong hồ sơ khoa học và diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ đối với di tích nêu trên như sau:

1. Tên gọi được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya (thuộc địa bàn xã Uar và xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai).

2. Tổng diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ của Di tích lịch sử: 19,8 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ I là 7,0 ha; Khu vực bảo vệ II là 12,8 ha.

3. Sau khi di tích được xếp hạng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp cùng các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; tham mưu xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa hai địa phương để Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.




Trên cơ sở kết luận của Hội nghị, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk khẩn trương tiếp thu, bổ sung các thông tin, nội dung quan trọng và hoàn thiện hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích trong thời gian sớm nhất.


Hà Phương