HỘI NGHỊ BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT KHẢO CỔ (ĐỢT 2) TẠI DI CHỈ THÁC HAI

Ngày 27/5/2022, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ (đợt 2) tại Di chỉ Thác Hai, thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Tham dự hội nghị, về phía Viện Khảo cổ học có Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học; về phía Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có: Ông Thái Hồng Hà, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở; Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở; Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở; Về phía huyện Ea Súp có: ông Phạm Công, Phó Chủ tịch thường trực UBND Huyện, Ông Nguyễn Chiến Thắng Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin Huyện; Bà Hoàng Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ia Jlơi; Về phía Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có: Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; cùng Đại diện các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các phòng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Giám đốc, đại diện các phòng chuyên môn của Bảo tàng Đắk Lắk cùng các cơ quan thông tấn báo chí.



Di tích Thác Hai được phát hiện đầu năm 2020 và khai quật lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2021. Kết quả khai quật cho thấy đây là một di tích rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với khảo cổ học Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Để nghiên cứu sâu hơn nữa di chỉ này cũng như kịp thời giữ lại những di sản khảo cổ học quý giá, bổ sung hiện vật phục vụ công tác trưng bày, phát huy giá trị lịch sử và văn hóa thời đại Tiền - sơ sử ở Tây Nguyên, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục thực hiện nghiên cứu, khai quật khảo cổ di khảo cổ học Thác Hai lần thứ hai, từ tháng 11/2021 cho đến tháng 5/2022 theo Quyết định số 2681-QĐ/BVHTTDL, ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.



Sau gần 5 tháng tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập được một khối lượng lớn di vật phong phú, với những thông tin khoa học rất quan trọng, góp phần làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của di tích Thác Hai.





KẾT QUẢ KHAI QUẬT

Các hố khai quật: Trong đợt khai quật này, có 3 hố khai quật được mở với tổng diện tích là 58m2, trong đó hố thứ nhất (H1) và thứ hai (H2) mở ở đỉnh gò phía đông, còn hố thứ ba (H3) mở ở nửa phía tây của gò, cách H1 và H2 khoảng

30m. Cụ thể như sau:


- Hố 1 có diện tích 20m2 (4m x 5m), mở theo trục đông - tây, nằm song song và cách vách nam của hố khai quật lần thứ nhất 6m về phía nam.


- Hố 2 có diện tích 24m2 (6m x 4m), mở theo trục đông - tây, nằm song song và cách vách nam của H1 khoảng 3m về phía nam. Trong quá trình khai quật, đã mở rộng thêm 0,51m2 (dài 1,7m, rộng 0,3m) ở giữa vách nam của hố.

- Hố 3 có diện tích 12m2 (3m x 4m), mở theo trục bắc - nam, được mở ở phía tây của di chỉ, sát sườn dốc xuôi về suối cạn. Trong quá trình khai quật, do xuất lộ dấu vết của di tích, đoàn khai quật mở rộng thêm 1m2 (rộng 0,5m, dài 2m) tại vách tây sát góc tây bắc của hố và 0,5m2 (rộng 50cm, dài 1m) ở vách đông, cách góc đông nam 70cm. Như vậy, tổng diện tích của hố khai quật này là 13,5m2.



Diễn biến địa tầng: Nhìn chung, địa tầng các hố khá thống nhất, với diễn biến cơ bản như sau:

- Lớp thứ nhất: là lớp canh tác, màu xám đen, pha nhiều cát mịn, dày từ 15 - 25cm , bên trong có nhiều rễ cây, các loại vỏ nhựa, nilon hiện đại.

Trong lớp này có một số hố ủ phân sâu tới 80cm đào xuống tầng văn hóa của di tích.

- Lớp thứ hai: là lớp đất xám trắng, kết cấu bở, có nhiều rễ cây điều cùng các lỗ mối rỗng, dày khoảng 60 - 80cm. Trong lớp này xuất hiện một số hạt chuỗi thủy tinh màu nâu đỏ, xanh lam, một số mảnh gốm vụn, xỉ quặng và vệt đất cháy dày khoảng 40cm.

- Lớp thứ ba: là lớp đất sét pha cát, kết cấu chặt, vẫn còn nhiều rễ cây điều ăn sâu xuống, dày khoảng 70cm. Trong lớp này xuất lộ nhiều mảnh gốm, mảnh tước và hạt chuỗi thủy tinh, đặc biệt là ở khu vực phía tây của di tích. Trong lớp này tìm được nền đất cháy ở phía tây gò và mộ táng ở phía đông.

- Lớp thứ tư: là lớp màu nâu lẫn nhiều sỏi đầu ruồi, khá cứng, dày khoảng 40cm. Trong lớp này có mộ táng, mũi khoan tiết diện tròn hoặc đa giác được mài nhẵn, vảy tước, mảnh tước và nhiều mảnh gốm. Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hạt chuỗi bằng đá hình ống hoặc hình cầu có kích thước nhỏ.

- Lớp thứ năm: là lớp đất màu đen sẫm, lần nhiều than tro và các mảnh gốm vụn, dày khoảng 70cm. Trong lớp này có mộ táng, hố đất đen, cụm gốm và mũi khoan, tuy nhiên mũi khoan phân bố nhiều hơn ở khu vực phía đông gò, ít gặp hơn ở nửa phía tây. Những mũi khoan tìm được trong lớp này chủ yếu có tiết diện vuông và được mài thô, có kích thước lớn hơn mũi khoan ở lớp trên.

Di tích: các di tích xuất lộ trong hố khai quật gồm có mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và nền đất cháy.

Mộ táng: Qua ba hố khai quật, đã phát hiện được 16 mộ táng, trong đó H1 có 2 mộ, H2 có 11 mộ và H3 có 3 mộ. Mộ táng xuất lộ từ lớp sâu nhất của di

chỉ, một số mộ đào sâu vào sinh thổ. Phong tục mai táng khá thống nhất. Đồ tùy táng chủ yếu là đồ gốm, với các loại hình đồ dùng sinh hoạt

như nồi, bình, bát bồng. Một số mộ chôn theo công cụ đá như rìu, đục,

bàn mài, bàn đập vải vỏ cây. 



Mộ vò chôn sâu vào sinh thổ, bên trong có nhiều đồ tùy táng


Cụm gốm: Có một cụm gốm xuất lộ trong Hố 1, lớp đất thứ tư, độ sâu khoảng 2m. Cụm gốm có hình dạng không xác định, mỗi chiều dài 160cm. Trong cụm gốm, các mảnh gốm vỡ được phân bố thành một lớp dày từ 10 đến 20cm. Lẫn trong cụm gốm có nhiều vết tích than tro.

Hố đất đen: Xuất lộ tại góc phía đông bắc của H1, độ sâu 2,2m, thuộc lớp đất thứ tư trên cột địa tầng. Hố có kích thước khá lớn, dài 3,0m, rộng 1,2m, sâu 0,3m và vẫn còn tiếp tục ăn vào vách hố khai quật. Bên trong hố chứa nhiều gốm vụn và than tro.

Dấu tích lò và xỉ lò: Dấu tích lò phát hiện trong hố khai quật H3, xuất lộ từ độ sâu 80cm kể từ lớp mặt. Sau quá trình xử lý các nhà khảo cổ nhận thấy, đây là vết tích của một lò dạng ống. Lò nằm theo hướng tây bắc - đông nam, phía đông nam cao hơn phía tây bắc. Kích thước: dài 3,2m, rộng nhất 80cm. Phần phía đông nam chỉ còn một bên, phần phía tây bắc tương đối đầy đủ với 2 bên

là dải đất sét cháy. Phần ngoài cháy đen, mặt trong lòng cháy trắng xám. Giữa lò còn để lại một khúc than củi dọc theo hướng lò. Có một số vị trí 2 bên thành lò để trống, phân bố khá đều (có lẽ là cửa lò).

Di vật: Theo chất liệu, di vật thu được ở Thác Hai gồm có đồ đá, đồ gốm và đồ thủy tinh.

Đồ đá: Đồ đá là loại di vật chủ đạo ở Thác Hai, trong đó chiếm vị trí nổi bật nhất là sưu tập mũi khoan. Có 1596 tiêu bản mũi khoan các loại được tìm thấy ở Thác Hai. Về chất liệu, mũi khoan Thác Hai được làm từ các loại đá opal, silic, phtanit… với nhiều màu sắc khác nhau như vàng, cam, đỏ, tím, xám, đen. Phần lớn được mài nhẵn sáng bóng trông rất đẹp mắt. Những loại này được dùng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tác đồ trang sức đá.

Các mũi khoan thô chỉ được mài nhọn đầu mũi thì sẽ sử dụng để khoan tách lõi. Điều đáng chú ý là hầu hết mũi khoan ở Thác Hai đều chưa có dấu vết sử dụng.

Bên cạnh mũi khoan, còn có một số lượng khá lớn phôi/phác vật mũi khoan được làm bằng các loại đá tương tự của mũi khoan. Đó là những thanh đá dài, trên thân bắt đầu có những vết ghè thô, tu chỉnh ép, mài sơ… phản ảnh các công đoạn để hình thành 1 mũi khoan từ khi tách từ tước chẻ, ghè, tu chỉnh, đến mài.



Đồ gốm: Đồ gốm di chỉ Thác Hai có mặt rải rác trong các tầng văn hóa, gồm các mảnh miệng, mảnh thân, đáy, chân đế của các loại hình đồ đựng và các loại đồ tùy táng trong các cụm mộ táng. Dựa trên đặc điểm những mảnh gốm tìm được, cũng như những hiện vật còn tương đối nguyên vẹn trong các cụm mộ có thể cho biết đồ gốm ở Thác Hai gồm có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng, vòng tay bằng gốm… với nhiều kích cỡ khác nhau.



Đồ thủy tinh: Đồ thủy tinh tìm được trong hố khai quật chủ yếu là loại hình hạt chuỗi. Các hạt chuỗi thủy tinh được tìm thấy ở lớp đất trên của lớp đất chứa mũi khoan. Tổng số 1244 hạt chuỗi thủy tinh đã được thu thập lại, trong đó có tới 1058 hạt (85%) phát hiện ở hố khai quật H3, với mật độ 78 hạt/m2. Các hạt chuỗi có màu đơn sắc, phổ biến là màu nâu đỏ, màu xanh lam, xanh lá, cam, vàng, nâu… 



Sau khi nghe báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ (đợt 2) tại Di chỉ Thác Hai, các đại biểu tham dự hội nghị đề nghị Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học, bảo quản hiện vật, bảo tồn di chỉ,… khẩn trương tổ chức khai quật di chỉ Thác Hai càng sớm càng tốt, trên quy mô lớn hơn, nhằm thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất.










GD&TT