HỘI ĐỒNG KHOA HỌC BẢO TÀNG ĐẮK LẮK HỌP THÔNG QUA HỒ SƠ HIỆN VẬT ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN BẢO VẬT QUỐC GIA NĂM 2023 ĐỐI VỚI “SƯU TẬP MŨI KHOAN THÁC HAI”
Sáng ngày 19/6/2023, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức cuộc họp để xem xét, thông qua Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia năm 2023 đối với “Sưu tập mũi khoan Thác Hai”.
Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe nhóm chuyên môn trình bày những nội dung chính của hồ sơ hiện vật, lý do lựa chọn các hiện vật, các loại hình mũi khoan, những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa,...
Sưu tập mũi khoan Thác Hai là một trong số ít những sưu tập mũi khoan hiếm hoi được phát hiện ở Việt Nam. Đây là những hiện vật gốc, được khai quật trực tiếp tại di chỉ Thác Hai, có niên đại khoảng 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay, chất liệu từ các loại đá opal, silex, phtanite có độ cứng cao, với trình độ kỹ thuật chế tác cực kỳ tinh xảo. Thác Hai là công xưởng chế tác mũi khoan và hạt chuỗi đá duy nhất ở Tây Nguyên, với sự hiện diện của đầy đủ các kỹ thuật chế tác đá, từ ghè đẽo, tu chỉnh ép cho tới mài, cưa, đánh bóng… Chính sự phát triển đỉnh cao về kỹ thuật chế tác đá này sẽ là nền tảng để cư dân Thác Hai tiếp thu các thành tựu mới về kỹ thuật của thời đại để tiếp tục phát triển là một trung tâm thủ công của khu vực này vào giai đoạn Sơ kỳ Sắt.
Sau khi thảo luận, các thành viên Hội đồng đã có những góp ý nhằm hoàn thiện hơn Hồ sơ hiện vật như: việc phân loại nên căn cứ theo loại hình, màu sắc, niên đại; bổ sung thêm về công dụng của các loại mũi khoan và hình ảnh các mẫu đá trước khi phân tích thành phần thạch học.
Trên cơ sở góp ý của Hội đồng khoa học, nhóm chuyên môn sẽ tiếp tục chỉnh sửa nội dung, hoàn thiện hồ sơ và tham mưu các thủ tục trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia để trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023.
Bảo Trâm