HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM PHỤC VỤ KHÁCH THAM QUAN TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Với hơn 10.000 hiện vật, 18 bộ sưu tập, Bảo tàng Đắk Lắk là kho tàng quý báu lưu giữ hiện vật văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học của địa phương, là địa chỉ hấp dẫn thu hút công chúng tham quan, học tập, khám phá những điều mới mẻ về vùng đất và con người Đắk Lắk.

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Đắk Lắk không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục. Hoạt động trải nghiệm trong các chương trình giáo dục được chú trọng đầu tư, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thực hiện, trở thành kênh kết nối các đối tượng công chúng đến với bảo tàng, là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.


Yếu tố tiên quyết khi xây dựng nội dung, kịch bản cho hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Đắk Lắk là xác định đối tượng công chúng tham gia. Những đặc điểm về độ tuổi, sở thích, thị hiếu,… luôn được đội ngũ viên chức thực hiện công tác giáo dục trải nghiệm nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn chủ đề phù hợp, mang tính ứng dụng cao, giúp công chúng chủ động, tích cực tham gia các hoạt động, khám phá, mở rộng sự hiểu biết, giải mã những bí ẩn về lịch sử, tinh hoa văn hóa đại ngàn.


Với đối tượng là học sinh thuộc các cấp học từ mầm non đến phổ thông trung học, hoạt động trải nghiệm trong các chương trình giáo dục tổ chức tại Bảo tàng Đắk Lắk và các trường học trên địa bàn tỉnh luôn bám sát Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; sách giáo khoa Lịch sử và Địa Lý, Giáo dục địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk ban hành. Trong đó, chú trọng đến mục tiêu “Giúp học sinh khám phá thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan điểm sống và ứng xử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập”.  Từ đó, xây dựng nội dung, chủ đề phù hợp theo từng chủ điểm, lấy học sinh là trung tâm của mọi hoạt động, “học đi đôi với hành” qua việc vận dụng linh hoạt các giác quan, không chỉ “mắt thấy, tai nghe”, mà còn tích cực, chủ động tạo ra sản phẩm, khơi gợi niềm đam mê, kích thích sự sáng tạo để chiếm lĩnh tri thức.


Kết thúc mỗi chương trình, mỗi học sinh đều có kiến thức thực tế bổ ích, sinh động; hoàn thiện các kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, phát huy tiềm lực sáng tạo, phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân.




Trải nghiệm “Gấp chăn nội vụ”, “Cơm nắm nuôi quân” cùng các chú bộ đội trong chương trình “Em làm chiến sĩ”

 



Trải nghiệm “nặn gốm bằng tay không có bàn xoay” cùng với chủ thể văn hóa là các nghệ nhân của làng gốm xã Yang Tao, huyện Lắk


Đối với khách du lịch, hàng năm vào các dịp Lễ, Tết, Bảo tàng Đắk Lắk đều tổ chức nhiều chương trình thú vị hấp dẫn, thể hiện đặc trưng văn hóa của 49 dân tộc anh em trên mảnh đất Đắk Lắk, có thể kể đến:

Chương trình giáo dục trải nghiệm “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk”, với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của người Êđê như: trình diễn nghề thủ công truyền thống - dệt vải, thưởng thức ẩm thực, kết nối câu chuyện quá khứ - hiện tại qua các gian hàng, với nhiều sản phẩm thổ cẩm có mẫu mã truyền thống kết hợp với hiện đại, mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch.

“Noọng ơi”, “Hát then, điệu hát thần tiên”: tạo không gian trải nghiệm độc đáo, thu hút du khách bởi những bài hát, điệu múa uyển chuyển, mang đặc trưng văn hóa của các dân tộc phía Bắc. Với sự tham gia trình diễn của các nghệ nhân người Thái, Tày, Nùng, thật không khó để nhận thấy sự say mê thưởng thức và “hòa nhập” của du khách khi cùng các nghệ nhân nhảy sạp, múa xòe, quấn khăn piêu và thưởng thức các đặc sản vùng cao.



Khách tham quan trong trang phục dân tộc Thái và được nghệ nhân hướng dẫn cách đội khăn Piêu


 

Trải nghiệm ẩm thực của người Êđê



Nhảy sạp cùng nghệ nhân


Bên cạnh đó, Bảo tàng Đắk Lắk còn chú trọng đến đối tượng “công chúng địa phương” - nhóm đối tượng có những thuận lợi về khoảng cách, họ có thể đến Bảo tàng Đắk Lắk nhiều lần trong năm, do đó việc tạo cảm giác mới mẻ, thu hút, hấp dẫn trong những lần quay trở lại là điều cần thiết. Các chương trình giáo dục trải nghiệm sẽ là điểm kết nối, tạo nên những “khách hàng thân thiết” đối với Bảo tàng Đắk Lắk. 



Thành viên của các nhóm múa dân vũ tại các phường trong thành phố Buôn Ma Thuột giao lưu văn nghệ cùng nghệ nhân


Là hoạt động thường niên nhưng không có sự trùng lặp về chủ đề, các hoạt động trải nghiệm trong các dịp lễ, Tết tại Bảo tàng Đắk Lắk đem lại sức hấp dẫn, tạo nên điểm nhấn đặc trưng, kết nối có hiệu quả các đối tượng du khách cũng như các đơn vị lữ hành du lịch, tạo thương hiệu và uy tín cho Bảo tàng Đắk Lắk.


Phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, trong dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2024), Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Thanh âm đại ngàn”, với sự tham gia của các nghệ nhân người Êđê ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột.


Chương trình dự kiến tổ chức trong 02 ngày (từ ngày 31/8 đến ngày 01/9/2024) vào các khung giờ: Buổi sáng từ 08h30' - 09h00' và từ 9h30' - 10h00'; Buổi chiều từ 14h00' - 14h30' và từ 15h00' - 15h30'.





Đến với Bảo tàng Đắk Lắk, hòa mình vào không khí lễ hội, nghe những bài hát dân ca sâu lắng, giao lưu múa xoang cùng nghệ nhân Êđê là những trải nghiệm thú vị, độc đáo dành cho du khách trong dịp Lễ 02/9/2024.


 







GDTT