HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

Buôn Ma Thuột, thành phố xinh đẹp của cao nguyên Đắk Lắk đang chuyển mình phát triển trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Hành trình khám phá các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố sẽ giúp chúng ta tìm về lịch sử của vùng đất, đến những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, để thêm yêu mến và tự hào về mảnh đất này.

Đình Lạc Giao – ngôi đình đầu tiên của người Việt trên vùng đất Tây Nguyên


Đình Lạc Giao toạ lạc tại số 67 Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột do nhân dân làng Lạc Giao xây dựng vào năm 1928, với mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thờ Thần hoàng làng. “Lạc Giao” có ý nghĩa thể hiện mối giao hảo, lời thề nguyền Kinh - Thượng cùng chung lưng đấu cật chống lại sự áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân.


Đình được xây dựng theo kiểu chữ Môn có diện tích 100m2 nằm trong khuôn viên rộng 700m2. Đình thờ Thần hoàng Đào Duy Từ, những người có công với đất nước, có công lập làng, lập Đình.




Cách mạng Tháng Tám thành công, đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền cách mạng, những người con của làng Lạc Giao trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn hoặc tham gia chính quyền cách mạng. Đây cũng là nơi diễn ra sự kiện ra mắt Uỷ ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 18/3/1975.

Hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân (17 tháng Giêng âm lịch), Lễ Tế Thu (17 tháng Tám âm lịch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng Ba âm lịch), Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27 tháng Mười âm lịch).


Nhà đày Buôn Ma Thuột - Trường học cao cấp về chủ nghĩa Cộng sản trên cao nguyên Đắk Lắk


Tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ là nơi chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc mà còn là nơi rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sỹ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.



Được xây dựng từ những năm 1930 - 1931, Nhà đày Buôn Ma Thuột là một hệ thống khép kín có diện tích gần 2ha, với cấu trúc gồm: 06 dãy lao tập thể, mỗi lao dài 30m, rộng 6,5m có sức chứa hơn 100 tù nhân; 01 dãy xà lim dùng để biệt giam những người tù được cho là cực kỳ “nguy hiểm” và những đồng chí lãnh đạo các phong trào đấu tranh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngoài ra còn có các hạng mục công trình phục vụ cho việc cai trị như: nhà Xưởng, Bếp – Nhà ăn, nhà Y tế,…

Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, những chiến sỹ cách mạng đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh không khuất phục. Năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập, chính nơi đây ngọn lửa, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam được nhen nhóm, làm nòng cốt lan rộng khắp nơi, đóng vai trò hết sức to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk.

Khi cách mạng tháng Tám thành công, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải vây, tù nhân được giải phóng. Đến năm 1954, khi Mỹ xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng nơi đây để giam giữ tù nhân và chia Nhà đày làm hai phần: một bên phục vụ quân nhu, một bên là Trung tâm cải huấn và xây dựng một số công trình như nhà Nguyện, nhà Quốc thái dân an, nhà tra tấn, dãy xà lim….

Năm 1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Đến ngày 24/12/2018 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.


Biệt Điện Bảo Đại – lá phổi xanh trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột

Di tích lịch sử quốc gia số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) tọa lạc tại số 02 đường Y Ngông, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột.

Nơi đây, trước năm 1905 là Nhà hàng Maison Lefévre. Đến năm 1914, khi Sabatier về làm Công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này để xây dựng Tòa Đại lý quận trưởng. Năm 1926, sau khi về thay công sứ Sabatier, công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng tòa nhà như hiện nay và được gọi là Tòa công sứ, theo dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (Nhà ông lớn).

Năm 1947, Chính phủ Pháp bảo lãnh Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948, Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc gần 8 tháng. Sau đó, vào những năm 1949 – 1954, hàng năm Bảo Đại thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt điện Bảo Đại.






Di tích quốc gia Số 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại) không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử lớn của tỉnh mà còn là một công trình kiến trúc đẹp, là nơi duy nhất trong thành phố bảo tồn được nhiều cây nguyên sinh, cây cổ thụ có tuổi thọ hơn một trăm năm. Với diện tích gần 6,5 ha gồm một tòa Biệt điện và một nhà nài voi, khuôn viên di tích thật sự là lá phổi xanh, góp phần mang lại không khí trong lành cho thành phố Buôn Ma Thuột.


Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 – địa điểm chuẩn bị tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám tại Đắk Lắk


Tọa lạc tại số 71 Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột. Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 vốn là nhà của ông Đầu Viết Chúc, một cơ sở cách mạng của Việt Minh. Ngôi nhà là cơ sở liên lạc bí mật của Việt Minh ở Đắk Lắk nói riêng và toàn khu vực miền Trung nói chung, giữa các đồng chí tù chính trị bị đày từ các tỉnh miền Trung lên và các cơ sở ở bên ngoài; nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng các đồng chí chính trị.



Đặc biệt, vào tối ngày 19/8/1945, tại địa điểm này, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Đây là một quyết định sáng tạo và táo bạo, lợi dụng yếu tố bất ngờ tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk nói riêng và góp một mắt xích thành công trong cách mạng tháng Tám năm 1945 của cả nước nói chung.


Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam Tiến tại Buôn Ma Thuột, minh chứng sống động và hùng hồn cho một thời kỳ đầy gian nan, tàn khốc nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của quân và dân ta.

Tọa lạc tại số 05 Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là nơi tưởng nhớ hơn 100 chiến sỹ Nam tiến đã chiến đấu và hi sinh anh dũng trong lần tái chiếm của thực dân Pháp sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.



Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột với ý nghĩa cao cả, vừa là biểu tượng để tôn vinh sự hi sinh anh dũng của các chiến sỹ Nam tiến, đồng thời cũng là sự tri ân đối với những người con ưu tú của Tổ quốc. Sự hi sinh của các anh không chỉ góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc mà còn để lại những bài học xương máu về lòng yêu nước, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, thủy chung, đồng lòng nhất trí giữ gìn nền độc lập tự do của dân tộc, mãi mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Tượng đài Mậu Thân 1968,  nơi ghi dấu tinh thần quả cảm, kiên cường của Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

 

Di tích lịch sử Tượng Đài Mậu Thân 1968 gồm có 2 địa điểm: Khu Tượng Đài Mậu Thân, Km5, phường Tân Hòa (ngã 3 Hòa Bình) và khu mộ tập thể tại Km7, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.


Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị với binh vận, kịp thời sử dụng lực lượng nội tuyến tiêu diệt địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, đưa hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế quyết liệt. Đông nhất và đấu tranh quyết liệt nhất là cánh phía Đông trên 9.000 người gồm đồng bào Kinh ở các khu dinh điền giải phóng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở H8, H9 (huyện Krông Bông ngày nay).

Ghi nhớ lòng quả cảm kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, sự hy sinh mất mát to lớn của các mẹ, các chị cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai cho xây dựng khu mộ tập thể tại Km7, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột là nơi những chiến sỹ cách mạng kiên trung và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia đợt tiến công đã anh dũng hy sinh. Năm 1994, tiến hành xây dựng Tượng đài Mậu Thân 1968 tại Km5 (Ngã ba Hòa Bình) thuộc phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, Tượng đài được lấy từ nguyên mẫu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Thị Hường (má Hai) - một trong những hình mẫu tiêu biểu cho hơn 10.000 người mẹ, người chị tham gia đoàn biểu tình tiến vào cửa ngõ thị xã Buôn Ma Thuột trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968.





Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử luôn được Bảo tàng Đắk Lắk chú trọng, nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá của địa phương. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm hấp dẫn tại các điểm di tích cũng tạo nên những ấn tượng khó quên đối với du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột.







GDTT