GIÁ TRỊ, VAI TRÒ DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN – ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (ĐOẠN ĐI QUA HUYỆN BUÔN ĐÔN, TỈNH ĐẮK LẮK)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk được coi là một trong những căn cứ địa kháng chiến của quân và dân các dân tộc thuộc các tỉnh miền Trung, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Đắk Lắk không chỉ là một mắt xích quan trọng trong hệ thống tuyến chi viện chiến lược huyết mạch nối liền chiến trường Tây Nguyên với chiến trường Đông Nam Bộ, tạo thế vững chắc cho cách mạng, là một chiến trường tổng hợp chiến đấu hết sức quyết liệt giữa ta và địch, mà còn là căn cứ địa chiến lược trực tiếp của chiến trường B2, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền tay sai Ngụy Sài Gòn.
Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với điểm Bến phà Sêrêpôk - đây là một trong 37 điểm tiêu biểu nhất thuộc hệ thống Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Bến phà Sêrêpôk (có tọa độ địa lý: X: 390,832.10; Y: 1,439.028.90) là một cửa ngõ huyết mạch của tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nhằm chi viện sức người, sức của, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước Lào, Campuchia. Chính con đường này đã tạo điều kiện cho quân giải phóng mở những chiến dịch lớn như: Xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Xuân Hè năm 1972 và chiến dịch Tây Nguyên 10/3/1975 mở đầu cho đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước.
Xe tăng vượt bến phà Sêrêpôk, 10/3/1975
Di tích cũng là nơi ghi dấu sự kiện, tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 4 và Trung đoàn 374 – Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, dân quân tự vệ địa phương tỉnh Đắk Lắk, bảo đảm giao thông trên sông Sêrêpôk trong những năm chống Mỹ. Họ đã vượt qua mọi khó khăn trước mưa bom, bão đạn của quân thù, đã chiến đấu và chiến thắng sức mạnh bom đạn Mỹ trong cuộc chiến giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo cho đoàn xe được nối tiếp đôi bờ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, trong mùa khô năm 1973-1974, nhờ có hệ thống cầu đường được chuẩn bị trước mà chỉ trong 6 tháng đầu mùa khô, Sư đoàn 470 đã vận chuyển chi viện cho chiến trường Nam Bộ tăng gấp 193 lần và cho chiến trường Tây Nguyên tăng 236,5 lần, cũng từ đây tuyến đường chi viện chiến lược Đông Trường Sơn tiếp tục được mở sâu vào các địa bàn tỉnh Quảng Đức – Nam Tây Nguyên.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cùng với lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Sư đoàn 470 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó là: bảo đảm cầu đường, bảo đảm hậu cần kỹ thuật, cơ động lực lượng và trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công. Đặc biệt, đã đưa các Binh đoàn chủ lực hành quân thần tốc vượt chặng đường dài hàng nghìn kilômét kịp vào thực hiện chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng có qui mô lớn nhất trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc – chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Địa điểm Bến phà Sêrêpôk thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) còn là một cửa ngõ với vai trò và sứ mệnh lịch sử như trên chính là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong tổ chức lực lượng, phương tiện, địa hình sông biển để chi viện đắc lực cho chiến trường. Ngoài ra, Di tích còn có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ - những mầm non tương lai của đất nước.
Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 14 di tích, trong đó có Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (gồm các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước).
Dấu tích còn lại của Bến phà Sêrêpôk
Hà Phương