ĐƯỜNG DẪN ĐẾN DI TÍCH LỊCH SỬ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN – ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (ĐOẠN ĐI QUA HUYỆN BUÔN ĐÔN, TỈNH ĐẮK LẮK)

Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột gần 100 km theo hướng Tây Bắc, thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, trong hệ thống Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh bao gồm 37 điểm tiêu biểu nhất trên địa bàn 11 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 09/12/2013.

Các lộ trình để đến tham quan di tích như sau:


Thứ nhất: Từ thành phố Buôn Ma Thuột đi theo đường tỉnh ĐT.697 (Tỉnh lộ 1 - Tuyến đường Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn – Ea Súp) khoảng 52 km đến xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Từ Km 52 Tỉnh lộ 1 rẽ trái theo con đường cấp phối nằm giữa vườn Quốc gia Yok Đôn “với tên gọi là đường tỉnh ĐT.696C - đường từ xã Krông Na đi Đồn 743”, đi thêm khoảng 53,7 km đến doanh trại Đồn biên phòng 743 (nằm cạnh đường Quốc lộ 14C tại Km255+300). Từ cổng doanh trại Đồn Biên phòng đi thẳng 300 m nữa sẽ đến địa điểm Bến phà Sêrêpôk, nếu rẽ trái đi tiếp 300 m sẽ đến địa điểm Bến ngầm Sêrêpôk. Bến phà, Bến ngầm trên sông Sêrêpôk là hai điểm thuộc Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).


Thứ hai: Từ huyện Ea Súp, theo Tỉnh lộ 1 (thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đi khoảng 24 km (hướng Ea Súp về Buôn Ma Thuột) đến Km 47 rẽ phải đi theo đường cấp phối nằm giữa vườn Quốc gia Yok Đôn (đường tỉnh ĐT.696C - đường từ xã Krông Na đi Đồn 743) đến cổng doanh trại Đồn Biên phòng 743. Từ đây, tiếp tục theo đoạn cuối lộ trình trên sẽ đến di tích.


Thứ ba: Từ tỉnh Kon Tum, Gia Lai, theo Quốc lộ 14C, tại Km 255+300 đến doanh trại Đồn Biên phòng 743, rẽ phải đi tiếp 300 m là đến Bến Phà, đi thẳng 300 m sẽ đến Bến ngầm.


Thứ tư: Từ tỉnh Đắk Nông theo Quốc lộ 14C, tại Km 255+300 đến doanh trại Đồn Biên phòng 743. Từ cổng doanh trại, rẽ trái đi tiếp 300 m sẽ đến di tích.


Ngoài ra, từ km 45 – km 52 của Tỉnh lộ 1, tại khu du lịch Thanh Hà, khu du lịch Bản Đôn… có thể sử dụng thuyền đi dọc theo sông Sêrêpôk thêm gần 54 km để đến di tích này.


Như vậy, với các lộ trình trên, du khách có thể đến tham quan di tích bằng nhiều phương tiện khác nhau như: Ô tô, xe máy, thuyền, …


Do di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nằm trong địa phận Vườn quốc gia Yok Đôn, khu vực biên giới do Đồn Biên phòng 743 quản lý địa giới hành chính, quản lý người, phương tiện ra, vào khu vực biên giới nên khi đến tham quan di tích, du khách phải được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng 743.


Toàn bộ hệ thống Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh sau khi được xếp hạng đều thuộc sự quản lý trực tiếp của Binh đoàn 12 – Bộ Quốc phòng. Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua địa phận huyện Buôn Đôn – tỉnh Đắk Lắk) chưa được phân cấp cho tỉnh Đắk Lắk trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nên di tích vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo, xây dựng các công trình phục vụ khách tham quan. Hiện tại nơi đây chỉ còn dấu vết vị trí Bến phà, Bến ngầm nằm trên dòng sông Sêrêpôk và “Đài ghi danh liệt sĩ” giáp với phía Đông của Đồn biên phòng 743 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.


Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng các Sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị: Đề nghị phân cấp quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua địa phận huyện Buôn Đôn – tỉnh Đắk Lắk) cho tỉnh Đắk Lắk trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cho phép tỉnh Đắk Lắk sớm triển khai cắm mốc giới bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, tránh việc xâm hại các khu vực bảo vệ di tích; xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy những giá trị đặc biệt của di tích gắn với phát triển du lịch ở địa phương nhằm xây dựng di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc của nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung; tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với du lịch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.




Hà Phương