ĐƯA DI TÍCH ĐẾN VỚI TRƯỜNG HỌC THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TRƯNG BÀY VÀ GIÁO DỤC

Vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, xã Đắk Liêng và Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Buôn Tría, huyện Lắk tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm chủ đề “Khám phá di sản”.


Chương trình giáo dục trải nghiệm “Khám phá di sản” tại Trường Tiểu học Kim Đồng


Chương trình gồm các hoạt động: Trưng bày giới thiệu các di tích lịch sử -văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Đắk Lắk; tổ chức hoạt động “đố vui để học” giúp cho học sinh tìm hiểu về các di tích lịch sử, đặc biệt là “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột”, các di tích được xếp hạng tại huyện Lắk như: Di tích danh lam thắng cảnh Hồ Lắk, thác Bìm Bịp và thác Liêng Pu Pét; tổ chức các trò chơi dân gian: Kéo co; nhảy bao bố; bịt mắt đánh trống…


Trong không khí sôi nổi, hào hứng, các em học sinh đã tích cực tham gia các hoạt động, phát biểu ý kiến, hăng hái tham gia các phần thi, mạnh dạn, chủ động bày tỏ ý kiến và chiếm lĩnh tri thức.



Học sinh ghi lại những thông tin về các Di tích


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 45 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 02 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Nhà đày Buôn Ma Thuột tại thành phố Buôn Ma Thuột và Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tại huyện Buôn Đôn), 19 di tích quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Đây là tài sản văn hóa tinh thần quý giá của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Hệ thống di tích lịch sử - văn hoá có ý nghĩa, giá trị nhiều mặt, là tài liệu quan trọng trong dạy học lịch sử, đặc biệt là bộ môn Giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.


Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bảo tàng Đắk Lắk đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ giáo dục và tuyên truyền. Các chương trình giáo dục của Bảo tàng Đắk Lắk sử dụng phương pháp tích hợp, lồng ghép nhiều hoạt động thiết thực bổ ích, kết hợp nhiều hình thức như: trưng bày, nói chuyện chuyên đề, trải nghiệm,… tại các điểm di tích hoặc tại trường học, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của địa phương, của dân tộc. Đây là những đổi mới quan trọng, góp phần triển khai và thực hiện tốt hiệu quả chương trình giáo dục, tuyên truyền, phát huy giá trị di tích của tỉnh Đắk Lắk.


Trao phần thưởng cho các em qua mỗi trò chơi


Cô Hà Thị Thảo – Giáo viên, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: “Các em học sinh đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích, hiểu hơn về giá trị văn hóa của các di sản, biết được sự vất vả gian lao của các chiến sĩ cách mạng đã bị giam giữ tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Từ đó, bồi dưỡng cho các em lý tưởng tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, giúp các em tự tin mạnh dạn, và đã có những phút giây vui chơi thoải mái”.



Di sản là nguồn tài nguyên tri thức phong phú, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục lịch sử - văn hoá truyền thống; là một trong những nguồn lực có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Đưa di tích đến với trường học thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm thiết thực đã nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của Bảo tàng Đắk Lắk, đồng thời bổ trợ cho bộ môn Giáo dục địa phương tại các trường học, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh đến từ các cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk./.


Anh Đào