ĐỒNG CHÍ PHAN KIỆM, CỰU TÙ CHÍNH TRỊ NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT, HẠT GIỐNG ĐỎ CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK
Nhà đày Buôn Ma Thuột - một địa danh lịch sử, nơi khắc sâu dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nơi chứng kiến tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị, những chiến sĩ cách mạng với ý chí kiên cường, bất khuất, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, gông cùm và đòn roi, tra tấn khốc liệt của kẻ thù nhằm giữ vững khí tiết, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Trần Hữu Dực là Bí thư và đồng chí Ngô Tuân, Nguyễn Chí Thanh, Trần Tống, Nguyễn Hữu Khiếu trong ban chấp hành …. Từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên này đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, trong đó có đồng chí Phan Kiệm. Từ đây, mỗi bước thăng trầm của phong trào cách mạng trong tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, gắn liền với phong trào cách mạng cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa phong trào cách mạng Đắk Lắk đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đồng chí Phan Kiệm
Đồng chí Phan Kiệm, sinh năm 1920 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1936, đồng chí tham gia vào phong trào cách mạng tại địa phương và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành đảng viên chính thức năm 1937, nhưng ngay sau đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 20 năm tại Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Năm 1940, chúng chuyển đồng chí về giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Trong những năm tháng bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí vẫn kiên cường, giữ vững khí tiết người cộng sản, đồng thời tham gia, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, chống lại chế độ khắc nghiệt của kẻ thù. Đồng chí đã bị thực dân Pháp tra tấn đánh đập và giam tại Lao 2 (lao biệt giam). Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945, những cuộc đấu tranh trong nhà lao diễn ra liên tục, buộc chính quyền Pháp phải thả một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Phan Kiệm.
Sau khi ra tù, đồng chí Phan Kiệm được phân công ở lại tiếp tục hoạt động ở Đắk Lắk cùng với đồng chí Nguyễn Trọng Ba, đồng chí Bùi San và một số đồng chí khác tích cực nắm tình hình xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng ở thị xã Buôn Ma Thuột.
Trong thời gian này, cơ sở Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc phát triển khá rộng rãi, để đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, mặc dù chưa được tăng cường cán bộ, chưa liên lạc được với cấp ủy Đảng bên trên, đồng chí Phan Kiệm cùng đồng chí Nguyễn Trọng Ba nhận trọng trách đứng ra hình thành cơ quan chỉ đạo chung, lãnh đạo phong trào Việt Minh trong toàn tỉnh.
Tháng 5/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh Đắk Lắk được thành lập và phân công đồng chí Phan Kiệm làm trưởng ban, phụ trách công tác binh vận, nắm tình hình ở các đồn điền thôn buôn, đồng thời kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh.
Trong những ngày gần Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Phan Kiệm đã lãnh đạo và tổ chức nhiều điểm giành chính quyền trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ M’Drắk đến cây số 47, đồn điền CADA (Phước An).
Ngày 19/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình khởi nghĩa ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh, đồng chí Phan Kiệm được bầu làm Trưởng ban Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk.
Với cương vị là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, Trưởng Ban Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Phan Kiệm đã cùng với Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa tổ chức giành chính quyền về tay nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk ngày 24/8/1945.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với trách nhiệm là người phụ trách chung Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Phan Kiệm đã rất tích cực chăm lo củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ, chuẩn bị cho ngày tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của tỉnh Đắk Lắk.
Đầu năm 1946, đồng chí Phan Kiệm được phân công về Khu 5 công tác, phụ trách mặt trận Bình Định, An Khê. Tháng 6/1947, Trung ương lại điều đồng chí vào chiến trường Nam bộ. Năm 1954 - 1976, đồng chí được phân công công tác tại Sài Gòn - Gia Định cho tới khi về hưu.
Lao 2 - nơi đồng chí Phan Kiệm bị giam giữ
Thế hệ trẻ tham quan tìm hiểu tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Là một cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Phan Kiệm đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, lý tưởng của người cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những thắng lợi của phong trào Cách mạng Tháng Tám ở Đắk Lắk gắn liền với quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong thắng lợi chung đó có đóng góp không nhỏ của đồng chí Phan Kiệm, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng, người cựu tù chính trị Nhà đày Buôn Ma Thuột kiên trung bất khuất, người lãnh đạo tài tình sáng suốt, hạt giống đỏ của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.
Thu Hương & Thùy Dương