ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ THANH VỊ TƯỚNG TÀI BA CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM -CỰU TÙ CHÍNH TRỊ NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 – 01/01/2024), Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng và đặc biệt những năm tháng đấu tranh oanh liệt của Đồng chí tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).
Năm 1933 - 1934, Nguyễn Vịnh được giác ngộ, tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương; tháng 7/1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuối năm 1938, đồng chí bị địch bắt nhưng được tha do không đủ bằng chứng. Giữa năm 1939, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị) và Nhà đày Buôn Ma Thuột. Năm 1940, bị đày và giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột tại Lao 2 cùng với các đồng chí Bùi San (Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên), đồng chí Trần Tống (Phó Giám đốc trường Chính trị Trung ương Đảng - Nguyễn Ái Quốc), đồng chí Lê Thưởng (Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam), đồng chí Hồ Xuân Lưu (Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn)… . Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí tiếp tục đấu tranh và đặc biệt cùng anh em bí mật thành lập tổ chức mang tên “Lực lượng Trung kiên”, tổ chức này hoạt động như một Chi bộ Đảng, là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk sau này.
Trong cuốn “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột”, đồng chí Trần Thông Cảm kể về đồng chí Nguyễn Vịnh như sau: “Tôi vào lúc này gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang lên cơn sốt rét, run lập cập. Người đồng chí gầy, da vàng xạm. Nhưng nụ cười rất tươi. Có nhiều lần, khi nghe trong người sắp lên cơn sốt, đồng chí nghiến răng luyện tập cơ thể bằng nhiều động tác mạnh, toát mồ hôi, lau khô mặc ấm là thôi, không có cơn sốt nữa. Đồng chí cười và hân hoan thắng lợi".
Năm 1942, đồng chí cùng Lê Tất Đắc và Phan Doãn Giá bí mật tổ chức vượt ngục. Lợi dụng việc đi lấy củi trong rừng, các đồng chí đã lên kế hoạch vượt ngục. Để có thể qua mặt được người lính canh, các đồng chí đã lập mưu: Đó là hàng ngày, sau khi lấy củi xong, để giải tỏa mệt mỏi, các đồng chí thay phiên nhau nằm sấp xuống và tẩm quất xoa bóp cho nhau. Sau khi được tẩm quất, các đồng chí đứng dậy với cơ thể khoan khoái, dễ chịu, miệng thì luôn xuýt xoa thỏa mãn. Người lính canh nhìn thấy làm lạ và rất tò mò, thấy vậy các đồng chí giải thích cho lính canh nghe về những lợi ích của việc “tẩm quất”. Ban đầu lính canh không tin, nhưng sau khi được tẩm quất, lính canh cũng “mê” và hàng ngày yêu cầu các đồng chí “tẩm quất” cho mình. Một hôm, lính canh vừa nằm sấp xuống để được “tẩm quất”, thì đã bị các đồng chí trói tay, trói chân, tước súng rồi bỏ trốn, cuộc vượt ngục thành công vào ngày 19/01/1942.
Tuy nhiên năm 1943, trong một chuyến công tác tại huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh không may bị địch bắt và bị tra tấn, đánh đập nhằm moi thông tin, bí mật của cách mạng. Không khai thác được gì, đồng chí bị áp giải trở lại Nhà đày Buôn Ma Thuột giam giữ lần thứ hai.
Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí bị tra tấn, đánh đập, giam trong xà lim tối tăm, rồi đến dãy lao 2. Anh em liền có kế hoạch bảo vệ đồng chí phòng tránh trường hợp lúc tên lính (bị đồng chí Thanh trói khi vượt ngục) đến gác. Điều bất ngờ xảy ra là đến lượt gác thứ sáu, tay lính tiến sát lại gần và ôm chầm lấy đồng chí Thanh nước mắt ứa trào. Lúc này cả lao 2 nín thở:“Mày không thù “nhà phạt” à?. Tiếng nói nghe nghẹn lại ở cổ: "Không, không bao giờ, cái nhà phạt Vịnh (lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên gọi là Vịnh) hắn tốt lắm. Hắn trói được tôi rồi, súng đạn sẵn đấy, không giết tôi, còn để nguyên súng đạn cho tôi, cho nên, khi tôi trở về đồn vẫn giữ nguyên làm lính, không bị ngồi tù. Hắn nói với tôi là bất đắc dĩ phải trói. Còn trốn để về làm cách mạng, đem lại tự do sung sướng cho người Kinh và cho cả người Thượng”.
Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và tiếp quản Nhà đày Buôn Ma Thuột. Để bổ sung lực lượng cho Cách mạng, các đồng chí bí mật tổ chức vượt ngục cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực và một số đồng chí khác. Để thực hiện được điều đó, các anh em đã đề nghị được đi đến nghĩa trang - nơi an nghỉ của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột để viếng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử thay mặt tất cả tù nhân, nói lên lời tạm biệt vong linh các đồng chí của mình và hứa nguyện chiến đấu đến cùng, kế tục sự nghiệp của những đàn anh đi trước. Đây cũng là cuộc vượt ngục thứ hai tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Sau khi rời khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí tiếp tục tham gia cách mạng. Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Hồ Chủ tịch đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Ngày 31/8/1945, Hội nghị đại biểu các tỉnh Trung Bộ tại Huế đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Bộ và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Bộ.
Cuối năm 1946 đến năm 1949, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Phân Khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy khu IV.
Đầu năm 1950, đồng chí được phân công phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 02/1950. Tháng 7/1950, được điều động vào Quân đội và giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính ủy.
Tháng 02/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại Tuyên Quang, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 7/1951 đến cuối năm 1960, đồng chí được cử làm Giám đốc Trường Chính trị trung cấp Quân đội nay là Học viện Chính trị.
Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương.
Năm 1961, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hóa mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương.
Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuẩn bị trực tiếp đưa quân và xâm lược nước ta, đồng chí được điều động vào miền Nam, giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân Giải phóng miền Nam.
Ngày 06 tháng 7 năm 1967, khi chuẩn bị lên đường trở lại chiến trường miền Nam, sau một cơn bạo bệnh, đồng chí đã ra đi mãi mãi. Đây là sự mất mát to lớn của toàn Đảng, của toàn dân, toàn quân khi mất đi một vị đại tướng quân sự.
Cả cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn rèn luyện, tu dưỡng, học tập vì dân, vì nước, một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, sống đoàn kết, nghĩa tình, hết lòng yêu thương đồng đội, đồng bào. Đạo đức trong sáng mẫu mực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương cụ thể, gần gũi để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập.
Phần trưng bày giới thiệu các nhân vật lịch sử tại Di tích lịch sử quốc gia Nhà đày Buôn Ma Thuột
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lần trở về Nhà đày Buôn Ma Thuột năm 2022
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/2014 -01/01/2024), người cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, một nhà lãnh đạo tài tình của Đảng ta, người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc trong thế hệ trẻ hôm nay.
Thu Hương