ĐỒN ĐIỀN CADA VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
Cách đây 76 năm, trong những ngày tháng Tám lịch sử, tại Đồn điền CADA, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân dâng cao mạnh mẽ, tham gia vào cuộc vận động giải phóng dân tộc, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đắk Lắk.
CADA là viết tắt những chữ cái đầu của cụm từ Compagnie agricole d’asie – nghĩa là Công ty Nông nghịêp Á Châu.
Công ty Nông nghiệp Á Châu hay đồn điền CADA bao chiếm một diện tích khá rộng từ km 18 đến km 47 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang. CADA có trụ sở chính tại Pháp ở số 46 đường De Laborde – quận 8 – Paris, với số vốn đầu tư là 50.000 Frs và tổng diện tích khai phá 4.000 ha, kinh doanh cà phê và trà. Sản phẩm của CADA làm ra đều gửi về Pháp (nhập ở bến Lehavre), ngoài ra còn bán sang các nước như: Algeria, Maroc, Indonesia…
Đồn điền CADA là một trong những đồn điền lớn nhất và ra đời sớm nhất (1922), tại đây bọn chủ Pháp bóc lột sức lao động của công nhân bằng đồng lương rẻ mạt, hàng tháng trả lương cho họ thông qua các chánh tổng, mỗi tháng một chánh tổng nhận được một số tiền nhất định (20 đồng). Sử dụng số tiền này do chánh tổng quyết định, miễn là đến tháng có đủ số người đi làm cho chủ đồn điền. Dùng cách bóc lột sức lao động theo phương thức này, chủ đồn điền vừa chắc chắn bảo đảm được số lượng công nhân làm thuê mà hàng tháng chỉ trả một số tiền nhất định, thông qua chánh tổng, bọn chủ Pháp tránh được áp lực trực tiếp và sự bất bình của công nhân, biến những tên chánh tổng là tay sai đắc lực cho việc bóc lột công nhân.
Tháng 02/1940, tại đồn điền CADA đã nổ ra một cuộc đấu tranh lớn của công nhân, lúc bấy giờ là giữa mùa thu hoạch cà phê, công nhân đồn điền đã đình công liên tục trong 10 ngày với yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, chữa bệnh và phòng hộ lao động... Đồng thời, công nhân đã viết đơn tố cáo gửi lên viên Công sứ Buôn Ma Thuột, tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế và Bộ Kinh tế Nam triều. Hoảng sợ trước sức mạnh của công nhân và quy mô của phong trào, theo lệnh của quan trên, Công sứ Buôn Ma Thuột phải xuống tận nơi “thăm hỏi công nhân” và hứa sẽ giải quyết yêu sách đưa ra. Thắng lợi từ cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền CADA ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân các đồn điền khác dọc theo hai trục đường 14 và 21 như: Đồn điền C.H.P.I, Mê Van,…, công nhân càng tin tưởng ở sức mạnh, từ đó mà trong nội bộ công nhân ngày càng có sự đoàn kết chặt chẽ hơn.
Cuối năm 1944, Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột đã xây dựng được những cơ sở trong đồn lính khố xanh, thành lập một số tổ chức bán hợp pháp để hoạt động lan toả khắp các đồn điền, sôi nổi nhất là đồn điền CADA.
Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), quyền lực của thực dân Pháp tan rã, tại Đắk Lắk, Nhật đưa Nguyễn Sĩ Túc lên làm Tỉnh trưởng thay cho Công sứ người Pháp, sự kiện trên đã tạo ra thời cơ thuận lợi cho việc phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Trước tình hình đó, tổ chức Đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đề ra hai công tác quan trọng là đấu tranh giải phóng tù chính trị và xây dựng các tổ chức quần chúng.
Đầu tháng 4/1945, trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của các chiến sĩ trong tù và phong trào quần chúng ở bên ngoài, kẻ địch buộc phải thả một số tù chính trị, số còn lại chuyển sang tù thường phạm để giam giữ lâu dài. Chỉ trong vòng không đầy nửa tháng sau sự kiện thả tù, phong trào Việt Minh ở Đắk Lắk phát triển nhảy vọt, số lượng hội viên Việt Minh là những người được giác ngộ đi theo cách mạng nhiều nhất là ở đồn điền CADA. Tại đây, sau khi chủ đồn điền người Pháp bị Nhật bắt đi, công việc quản lý do cai, ký người Việt Nam phụ trách. Những người phụ trách này đã được một số công nhân, vốn là cơ sở của tù chính trị ra sức kìm cặp, chỉ dẫn và khuyên họ giúp đỡ hoặc không cản trở các hoạt động cách mạng của công nhân. Vì vậy, với truyền thống của một đồn điền có hàng ngàn công nhân đã có nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ từ trước, nay lại được cán bộ Đảng trực tiếp giáo dục, tổ chức nên phong trào có bước phát triển mới. Hầu hết công nhân, thanh niên đồn điền đã được giác ngộ và tham gia các tổ chức của Mặt trận Việt Minh như: Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, hoạt động công khai, bán công khai mà không bị ngăn trở.
Trên cơ sở các tổ chức cách mạng bí mật được hình thành và hoạt động, các đảng viên đã chủ trương xây dựng lực lượng trung kiên để làm nòng cốt cho các công tác. Lực lượng này đã rèn dao kiếm, luyện tập quân sự với danh nghĩa bảo vệ đồn điền, giữ gìn trật tự nhưng thực chất là đội tự vệ của công nhân có chỉ huy, được huấn luyện quân sự và giác ngộ chính trị, hoạt động dưới sự lãnh đạo, giáo dục của cán bộ Đảng. Đội tự vệ CADA lúc đầu đã có quy mô một trung đội gồm 36 người, trong đó nòng cốt là: Nguyễn Tâm Thu, Trần Phòng, Trần Thư, Trần Cao, Mai Nguyên, Trần Dụ, Trần Thị Thuỵ,.. do các đồng chí Nguyễn Tâm Thu và Trần Phòng phụ trách. Đây là lực lượng tự vệ vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk và cũng là của công nhân Đắk Lắk được Đảng tổ chức và lãnh đạo.
Lực lượng bí mật ở CADA ngày càng phát triển, ban ngày vẫn sản xuất bình thường, còn ban đêm thì sinh hoạt, học tập, rèn luyện theo tài liệu của Việt Minh.
Cuối tháng 5/1945, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh được triệu tập. Sau khi xem xét tình hình, Ban lãnh đạo tỉnh đã chủ trương chuẩn bị điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền, đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển các tổ chức quần chúng cứu quốc và xây dựng căn cứ địa. Đồn điền CADA, nơi có tổ chức vững vàng và phong trào mạnh nhất đã được chọn làm căn cứ của tỉnh, công nhân CADA được giao nhiệm vụ nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa, khu vực CADA là nơi huấn luyện, tập hợp lực lượng trong việc đi đầu cướp chính quyền đồng thời cũng là hậu cứ rút lui khi có sự bất trắc.
Thực hiện chủ trương của Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh, lực lượng cách mạng ở CADA phát triển mạnh dưới các hình thức bí mật bất hợp pháp và nửa công khai hợp pháp cả ở trong đồn điền và khu vực lân cận. Ban lãnh đạo công nhân CADA được hình thành với thành phần là các đồng chí đảng viên có mặt tại đồn điền và một số quần chúng tiên tiến, trung kiên do đồng chí Phan Kiệm trực tiếp lãnh đạo.
Thử thách đầu tiên của lực lượng cách mạng ở đồn điền CADA là vào tháng 7/1945, khi được tin Tôn Thất Hối dẫn đầu đoàn Thanh tra lao động của chính phủ bù nhìn đến CADA, ban lãnh đạo ở đây đã quyết định tổ chức cuộc đấu tranh trực diện với yêu sách đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, không được đánh đập công nhân… Cuối cùng, cuộc đấu tranh thắng lợi có tác dụng cổ vũ rất lớn cho phong trào công nhân của tỉnh. Như vậy, càng gần đến ngày tổng khởi nghĩa, phong trào công nhân đồn điền toàn tỉnh đã có những bước phát triển nhảy vọt, đã liên kết chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng và Việt Minh, đội tự vệ CADA và các đội tự vệ của các buôn làng lân cận đã giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ kho gạo, thực phẩm và các cơ sở khác, chuẩn bị cướp chính quyền.
Ngày 17/8/1945, sau khi được tin các huyện Vạn Ninh, Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hòa) đã khởi nghĩa, tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk chủ trương tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA. Tối ngày 18/8/1945, theo kế hoạch, ta vận động tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ của công nhân tại sân đồn điền, cốt để vận động quần chúng trong đồn điền cũng như các nơi khác đến tham dự cuộc mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền của công nhân CADA, chứng kiến lễ ra mắt của chính quyền cách mạng và bộ máy quản lý mới của đồn điền CADA.
Khi công nhân, nhân dân tập trung đông đảo ở sân đồn điền, ta cho đội tự vệ mang theo cờ đỏ sao vàng, vũ trang bằng gươm giáo, gậy gộc, hàng ngũ chỉnh tề xuất hiện trước quần chúng. Đồng chí Phan Kiệm bước lên sân khấu nhân danh Đại diện Việt Minh nói rõ việc quân Nhật bại trận, đầu hàng đồng minh vô điều kiện và công bố mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Việt Minh Đắk Lắk. Cụ thể, đại diện Việt Minh tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, bộ máy mới của công nhân ở đồn điền CADA, gồm đồng chí Trần Cối làm chủ nhiệm Việt Minh kiêm quản lý, đồng chí Nguyễn Tâm Thu làm tổng thư ký kiêm trưởng ban dân quân tự vệ… Đồng thời kêu gọi và giao nhiệm vụ cho công nhân, tự vệ CADA tích cực tham gia khởi nghĩa giành quyền, làm chủ ở các đồn điền lân cận, chuẩn bị tinh thần và lực lượng làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột.
Lời tuyên bố của vị đại diện Việt Minh lập tức được toàn thể công nhân, viên chức, nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và đồng tình hưởng ứng, trở thành mệnh lệnh khởi nghĩa giành chính quyền cho cả khu vực các đồn điền dọc đường 21. Công nhân, tự vệ tham dự cuộc mít tinh đã tỏa về các địa điểm khác trong đồn điền và các buôn làng xung quanh thực hiện khởi nghĩa ở cơ sở mình, thực chất là thành lập chính quyền cách mạng, thành lập bộ máy quản lý mới của công nhân, vì tình hình các nơi cơ bản đều đã do cách mạng làm chủ.
Sự kiện ngày 18/8/1945 ở CADA cho thấy tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên trong đội ngũ công nhân tỉnh, lấy đó làm bàn đạp chuẩn bị giành chính quyền trong tỉnh mà trước mắt là cướp chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột.
Tối ngày 19/8/1945, tại nhà số 57 Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập hội nghị khẩn cấp để đi đến quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Tại Hội nghị đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Sĩ Vinh làm phó trưởng ban, các đồng chí uỷ viên: Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông Niê Kdăm, Y Bih Alêô, Thái Xuân Đồng. Hội nghị cũng đã đề cử đồng chí Phạm Sĩ Vinh làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời và đồng chí Y Blok Êban làm Phó Chủ tịch.
Chiều ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh giành chính quyền được tổ chức trọng thể tại sân vận động thị xã và sau đó cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk thành công rực rỡ.
Như vậy, Đồn điền CADA - nơi thực dân Pháp mở đầu việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa, cũng chính là nơi bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 40 năm xây dựng đã bị sụp đổ trước tiên ở Đắk Lắk.
Ở CADA, tuy không có sự lãnh đạo trực tiếp của một tổ chức Đảng (trong giai đoạn đầu từ 1940 trở về trước) nhưng thực tế lịch sử ghi nhận là ở đây rất đúng với câu “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” mà nòng cốt là lực lượng công nhân và vai trò của những chiến sĩ cộng sản sau khi thoát khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột đã bí mật quay trở lại trực tiếp tham gia lãnh đạo công nhân để chuẩn bị cướp chính quyền năm 1945.
CADA là nơi thể hiện rõ nét mối quan hệ mật thiết với Nhà đày Buôn Ma Thuột, đó là mối quan hệ giữa tù cộng sản và công nhân đồn điền nhất là trong giai đoạn 1930 – 1931 khi bọn chủ đồn điền nhận làm 30.000 viên gạch ngói cho chính quyền thực dân Pháp tại Đắk Lắk để xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột (Trong thời gian này công trường làm gạch ngói được mở tại CADA).
CADA là nơi ra đời chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh lúc bấy giờ và sau đó tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ công nhân ở một đồn điền của thực dân Pháp, lấy đó làm bàn đạp chuẩn bị giành chính quyền trong toàn tỉnh mà trước mắt là cướp chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột.
CADA với đội ngũ công nhân của mình đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trước khi thực dân Pháp tái chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và trong quá trình đấu tranh, bảo vệ những thành quả của cách mạng với một đội ngũ công nhân kiên cường, mang trong mình khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã trở thành cơ sở vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh, sẵn sàng chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời và trưởng thành của giai cấp công nhân ở CADA đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cao trào kháng Nhật cứu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa, là sự chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk.
Di tích lịch sử CADA, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc
GD&TT