ĐỔI TÊN “DI TÍCH LỊCH SỬ SỐ 4 NGUYỄN DU” THÀNH “DI TÍCH LỊCH SỬ BIỆT ĐIỆN BẢO ĐẠI”
Ngày 28/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 425/QĐ-BVHTTDL về việc sửa đổi tên gọi di tích tại Điều 1 Quyết định số 02/1999-QĐ-BVHTT, ngày 26/01/1999 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc xếp hạng di tích quốc gia.
Theo quyết định này, Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du (phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được sửa đổi thành: Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị, công năng của di tích. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của công chúng khi đến với các di tích trên địa bàn tỉnh.
Tọa lạc ở vị trí trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Di tích gồm một tòa nhà từng là nơi ở, làm việc của vua Bảo Đại và một Nhà nài voi (nhà quản gia trông coi thú), có diện tích gần 6,5 ha. Tòa nhà được xây dựng trên một cồn đất nhân tạo hình chữ nhật bằng phẳng có diện tích 2.135,8m2, cao hơn so với mặt sân gần 2m và được kè đá vững chắc. Những cây cổ thụ, cây ăn trái, cây cảnh bao quanh di tích… được trồng theo mô típ đối xứng quen thuộc như ở các dinh của Bảo Đại ở các nơi khác. Khuôn viên di tích thật sự là lá phổi xanh, góp phần mang lại không khí trong lành cho thành phố Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, tòa Biệt điện còn tiêu biểu với lối kiến trúc kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa kiến trúc nhà truyền thống của người Tây nguyên với kiến trúc Tây phương, tạo nên nét đẹp độc đáo, hấp dẫn.
Năm 1905 Công sứ Pháp Bardin đã cho xây dựng nhà hàng Léfevre ngay tại vị trí di tích hiện nay. Đến năm 1914, khi Sabatier về làm Công sứ tại Đắk Lắk đã cải tạo nhà hàng Léfevre thành Toà đại lý Quận trưởng và làm việc, ở đây suốt 12 năm (từ năm 1914 đến năm 1926). Từ đó, khu vực này còn được gọi là Toà Công sứ.
Năm 1925 đã diễn ra một sự kiện lịch sử nổi tiếng là giới trí thức người dân tộc ít người do thầy giáo Y Jút lãnh đạo đã bao vây, tấn công Toà Công sứ với mục đích là tiêu diệt Sabatier vì những hành động gian ác của hắn và nếu không tiêu diệt được sẽ đổi sang biểu tình vạch trần tội ác của hắn cùng đồng bọn, gửi yêu sách đến khâm sứ Trung kỳ và các cấp cao hơn. Tuy cuộc tấn công đã không tiêu diệt được Sabatier nhưng cuộc đấu tranh chính trị của học sinh, công nhân, viên chức do thầy giáo Y Jút lãnh đạo nổ ra ngay trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột) đã có tác động mạnh đến bộ máy cai trị của bọn thực dân Pháp, tạo tiếng vang lớn đối với đồng bào cả nước. Cũng chính cuộc đấu tranh này đã buộc Chính phủ Pháp phải nhượng bộ với đồng bào các dân tộc ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đưa Sabatier về nước, điều Giran đến thay.
Năm 1926, sau khi thay thế công sứ Sabatier, công sứ Giran đã cải tạo, xây dựng lại tòa Biệt điện như hiện nay. Cũng từ đó toà công sứ này có tên là Biệt điện Công sứ, còn dân địa phương gọi là Sang Ae Proong (nhà ông lớn). Tiếp theo công sứ Giran là các Công sứ Thabaeut; Destenay; Henri Gerbinis; Salomon; Jerminc; Levo... đã lần lượt sống tại Biệt điện này đến tháng 3 năm 1945.
Khi phát xít Nhật tràn lên Buôn Ma Thuột, Công sứ Levo đã trịnh trọng giao lại ngôi nhà cũng như toàn bộ chính quyền Đắk Lắk cho phát xít Nhật – Nguyễn Sỹ Túc đã tạm thời được phát xít Nhật giao cho cai quản công việc của tỉnh.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã sử dụng Biệt điện làm Trụ sở Hội đồng Cố vấn cách mạng tỉnh và là nơi tổ chức các cuộc họp bàn, chỉ đạo công việc bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng. Từ tháng 8 đến tháng 12/1945 tại đây còn là nơi triệu tập các cuộc họp của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ … triển khai các công việc trước mắt và lâu dài.
Tháng 10/1945, hưởng ứng phong trào tuần lễ vàng do Chính Cách mạng lâm thời phát động Tuần Lễ vàng, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã tổ chức Hội chợ Triển lãm trưng bày các vật phẩm địa phương tại Biệt điện; đồng thời, tổ chức Lễ ăn thề đoàn kết các dân tộc Êđê, Kinh, Mnông, Gia Rai kéo dài 03 ngày 03 đêm nhằm hướng đến việc xóa bỏ các mặc cảm không tốt đến tình cảm của người dân và cách mạng mà thực dân xuyên tạc; tạo sức mạnh toàn dân trong kháng chiến.
Ngày 01/12/1945, tại đây đã diễn ra một cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề bầu cử Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Bùi San chủ trì. Cuộc họp đang triển khai thì bất ngờ Pháp đã tấn công vào Buôn Ma Thuột. Lực lượng Việt Minh đã chống trả quyết liệt, nhiều gương chiến đấu hy sinh vì Tổ Quốc, một chiến sỹ quốc tế người Nhật trong hàng ngũ Việt Minh ở Đắk Lắk đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Tháng 11/1947, sau khi được Chính phủ Pháp bảo lãnh đưa Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa Quốc trưởng. Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc trong khu vực này gần 08 tháng (từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948).
Từ năm 1949 - 1954, vào dịp đầu mùa mưa hàng năm, Quốc trưởng Bảo Đại tới đây để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có thêm tên gọi là Biệt điện Bảo Đại.
Cuối năm 1950, Quốc trưởng Bảo Đại lên Buôn Ma Thuột dự lễ nhận tượng trưng vùng đất Hoàng triều Cương thổ (gồm Đồng Nai Thượng, Lâm Viên (kể cả Đà Lạt), Đắk Lắk, Pleiku, Kontum...). Bảo Đại đã tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và cho thiết lập Quy chế Hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ thông qua Dụ số 6 ngày 15 tháng 4 năm 1950 (địa lý chính trị của Nhà Nguyễn để ấn định những khu vực cai trị mà người Việt không chiếm đa số) trực thuộc “Quốc trưởng Bảo Đại”. Trong dịp này, Quốc trưởng Bảo Đại đã tham dự một buổi Tế Thần của người Tây Nguyên, bữa rượu này đánh dấu việc vùng đất Tây Nguyên được người Pháp trả về cho Việt Nam và được hưởng theo quy chế Hoàng triều Cương thổ. Khi đó, công sứ Dielot trao Tòa Công sứ (Biệt điện Bảo Đại ngày nay) cho Quốc trưởng Bảo Đại; bà Bùi Mộng Điệp đã cho tu sửa thành dinh Bảo Đại.
Năm 1952, khi Bảo Đại đang ở Pháp, bà Mộng Điệp đã thay mặt nhận ấn và kiếm tại sân bay Buôn Ma Thuột sau đó đưa về Biệt điện Bảo Đại dưới sự chứng kiến và hướng dẫn nghi thức nhận ấn và kiếm của Đức Từ Cung. Tại tòa Biệt điện Bảo Đại, ấn và kiếm được đặt trang trọng trong Biệt điện và có lính canh gác cẩn thận, nghiêm ngặt.Trong những năm sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, Bảo Đại đã có nhiều ảnh hưởng trong quá trình chỉnh trang Buôn Ma Thuột, từ việc bà Mộng Điệp thay mặt Đức Từ Cung xây dựng chùa Sắc tứ Khải đoan, xây dựng dinh thự cho Bảo Đại tại Hồ Lắk; chỉnh trang Dinh công sứ thành Biệt điện Bảo Đại … và đặc biệt hơn cả là Cựu hoàng Bảo Đại đã chủ trì Lễ tế Nam Giao (Lễ tạ ơn trời đất đã ban phúc cho Nhân dân) cuối cùng của Triều Nguyễn trên vùng đất Buôn Ma Thuột.
Từ sau năm 1954 đến năm 1975, Biệt điện từng là nơi ở, làm việc của chính quyền Mỹ - Ngụy. Năm 1957, Ngô Đình Diệm cũng từng ở tại Biệt điện Bảo Đại khi tổ chức Hội chợ triển lãm về kinh tế Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột để cổ vũ cho việc khai thác Tây Nguyên. Trong hội chợ này Ngô Đình Diệm đã trực tiếp đến dự khai mạc và đã bị ám sát hụt.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, Biệt điện trở thành Trụ sở làm việc đầu tiên của Cơ quan Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk và kéo dài trong 03 năm, từ tháng 3/1975 đến năm 1978; là trung tâm chỉ đạo mọi hoạt động, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh những ngày mới giải phóng. Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Ngày 20/3/1975, Cơ quan Tiền phương (Cơ quan Tỉnh ủy) chuyển vào đóng tại Biệt điện. Ông được phân công nhiệm vụ đưa đón, hộ tống đồng chí Bùi San vào ở và làm việc tại đây.
Nơi đây từng vinh dự được đón những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ta đến làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi về công tác ở Đắk Lắk như: Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (4/1978); cố Chủ tịch Trường Chinh (1982); cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp; cố Chủ tịch Võ Chí Công…
Ngày 26/01/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích quốc gia “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” (tên gọi Di tích lấy theo địa chỉ đường phố thành phố Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ). Đồng thời Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Bảo tàng Đắk Lắk trực tiếp quản lý và phát huy giá trị di tích.
Hội nghị thảo luận đổi tên gọi di tích, tháng 12/2020
Ngày 28/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-BVHTTDL sửa đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại”. Việc đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” là theo nội dung những sự kiện lịch sử; nhân vật, sự kiện gắn với di tích; căn cứ pháp lý, và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị, công năng của di tích. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và học tập của công chúng khi đến với Biệt điện Bảo Đại.
Các em học sinh tham quan di tích
Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá kết quả nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tài liệu liên quan đến di tích và số lượng khách du lịch đến với di tích trong thời gian qua, Biệt điện Bảo Đại là một trong những điểm đến nổi bật và thú vị đối với du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và vùng Tây nguyên nói chung. Trong thời gian tới, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai sưu tầm bổ sung và chỉnh lý bày nhằm giới thiệu đến công chúng về những sự kiện lịch sử gắn liền di tích với 02 cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Đắk Lắk; tổ chức trưng bày tái hiện lại không gian sống, làm việc của Cựu hoàng Bảo Đại; đồng thời sưu tầm và trưng bày mở rộng những tư liệu lịch sử về vùng đất Hoàng triều cương thổ và nét văn hóa phong kiến Việt Nam xưa (dự kiến sẽ hoàn thành việc chỉnh lý trưng bày vào ngày 10/3/2023).
Với những giá trị về kiến trúc, cảnh quan cũng như giá trị về lịch sử văn hóa, “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” hứa hẹn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Bảo tồn và phát huy giá trị “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” trong thời gian tới mang tính khả thi cao; có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Phương