ĐỘC ĐÁO DỤNG CỤ SĂN BẮT CỦA CÁC DÂN TỘC TẠI CHỖ
Xưa kia, săn bắt thú rừng, chim muông là hoạt động ưa thích của nam giới, đem lại nguồn thức ăn quan trọng cho gia đình, phương tiện săn bắt tuy còn giản đơn nhưng mang đặc trưng của các cư dân tại chỗ.
NỎ (NÁ): Được sử dụng phổ biến như một loại vũ khí tự vệ và là công cụ dùng trong việc săn bắt rất lợi hại, tùy vào sức khỏe mỗi người mà người ta tạo ra những chiếc nỏ có kích thước khác nhau. Ở một số nơi, lúc đi săn, mũi tên còn được người thợ săn tẩm độc để hạ gục những con thú dữ.
Nỏ của người Mnông
Bộ nỏ - ống đựng tên - mũi tên của người Giarai
MŨI LAO - hiện vật độc bản tại Bảo tàng Đắk Lắk: của người Mnông Lào ở huyện Buôn Đôn, gắn liền với nghề săn bắt cá sấu xưa kia.
Qua lời kể của chủ hiện vật, nghề săn bắt cá sấu của người Mnông Lào ở vùng Buôn Đôn có từ trước những năm 1930. Trong buôn, nhà nào cũng có bộ dụng cụ săn bắt cá sấu, đặc biệt là những người thanh niên, họ coi đây là một điều thích thú, tự hào vì thể hiện được lòng gan dạ, dũng cảm trước những con thú dữ. Thời kì đầu người thợ săn chỉ dùng xà gạc, dao chém hoặc phóng lao, với cách này chỉ săn được những con cá sấu nhỏ dưới 10kg. Về sau họ sử dụng các dụng cụ khác như sào, mũi lao, dây thừng để săn bắt hiệu quả hơn.
Cách sử dụng bộ dụng cụ này hết sức đơn giản, thợ săn có thể ngồi trên thuyền hoặc gần mép nước. Khi phát hiện cá sấu, người thợ săn một tay cầm cuộn dây, một tay cầm sào tre có cắm mũi lao, lựa thế đâm mạnh vào con cá sấu, con cá sấu hoảng sợ bỏ chạy, lúc này người thợ săn bỏ rơi chiếc sào dùng hai tay giữ sợi dây, vừa giữ vừa thả dần vòng dây sau đó lựa dịp quấn buộc một thân cây nào đó chờ cho cá sấu đuối sức hoặc chết thì kéo lên bờ.
Về cấu tạo: Mũi lao làm bằng kim loại, một đầu tròn rỗng để tra cán, phía trên người ta đục một lỗ tròn để luồn dây, một đầu tán mỏng nhọn tạo nghạnh.
Mũi lao của người Mnông
BẪY CHIM: một trong những dụng cụ người Ê đê chế tạo từ những nguyên liệu đơn giản sẵn có: mây, tre, nứa, để bẫy chim và một số loài thú nhỏ khác như chuột, sóc… phá hoại mùa màng, đồng thời bổ sung nguồn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, loại bẫy này thường được sử dụng nhiều nhất vào tháng 9, tháng 10 khi lúa chín. Bẫy thường cắm nhiều xung quanh ruộng lúa, mồi dùng bẫy là con cào cào.
Bẫy chim của người Ê đê
Được trưng bày theo thủ pháp của Bảo tàng học hiện đại, không gian giới thiệu về Săn bắt, đánh cá, hái lượm của các cư dân tại chỗ luôn nhận được sự yêu thích cuả khách tham quan bởi sự độc đáo của hiện vật cùng những câu chuyện ý nghĩa. Hãy đến với Bảo tàng Đắk Lắk để có những trải nghiệm thú vị, hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc anh em.
GD&TT