ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ BẢO TÀNG NĂM 2022
Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2022, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề: “Sức mạnh của Bảo tàng” (The Power of Museums). Ngày 06/2/2022, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 275/DSVH-QLBT&TTTL về việc định hướng hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022, giới thiệu chủ đề hoạt động của ICOM năm 2022.
1. Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng 2022
Với chủ đề “Sức mạnh của Bảo tàng” (The Power of Museums), Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022 là dịp để tái khẳng định bảo tàng có sức mạnh để biến đổi thế giới xung quanh chúng ta. Là những nơi khám phá có một không hai, chúng dạy chúng ta về quá khứ và mở mang đầu óc cho chúng ta những ý tưởng mới - hai bước thiết yếu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Vào dịp Quốc tế bảo tàng 18/5/2022, ICOM khuyến khích phát huy tiềm năng của các bảo tàng trong việc mạng lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua những thế mạnh của bảo tàng như sau:
Sức mạnh của việc đạt được sự bền vững: Các bảo tàng là đối tác chiến lược trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Với tư cách là những tác nhân chính trong cộng đồng địa phương, bảo tàng đóng góp vào nhiều mục tiêu, bao gồm thúc đẩy nền kinh tế xã hội cũng như phổ biến thông tin khoa học về các thách thức môi trường.
Sức mạnh của đổi mới về ứng dụng công nghệ số và khả năng tiếp cận: Các bảo tàng đã trở thành sân chơi sáng tạo, nơi các công nghệ mới có thể được phát triển và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đổi mới kỹ thuật số có thể làm cho các bảo tàng dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn, giúp khách tham quan hiểu các khái niệm phức tạp và nhiều cảm xúc.
Sức mạnh của việc xây dựng cộng đồng thông qua giáo dục: Thông qua các bộ sưu tập và chương trình giáo dục, các bảo tàng tạo nên sự gắn kết xã hội rất cần thiết trong việc xây dựng cộng đồng. Bằng cách đề cao các giá trị dân chủ và cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, họ góp phần hình thành một xã hội dân sự có thông tin và gắn kết.
2. Hướng dẫn của ICOM
2.1 Đối với thành viên ICOM Việt Nam
- Chủ động cập nhật thông tin về các hoạt động của ICOM, hội nghị chuyên đề trực tuyến, tài liệu tham khảo chuyên ngành,… tại tài khoản ICOM đã được cấp.
- Tham gia vào các ủy ban chuyên ngành của ICOM để cùng thảo luận, chia sẻ các thông tin chuyên ngành theo lĩnh vực đã đăng ký.
- Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác do ICOM bảo trợ, chủ động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xin học bổng đào tạo chuyên môn, hồ sơ xin tài trợ hợp tác theo hướng dẫn của ICOM (hướng dẫn tại tài khoản ICOM đã được cấp).
- Đẩy mạnh giới thiệu hoạt động của bảo tàng tới cộng đồng quốc tế bằng cách chia sẻ thông tin về các sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng của đơn vị với ICOM, cho phép ICOM đưa tin tức hoạt động này trên trang thông tin của ICOM và các đối tác.
- Nộp phí niên liễm đầy đủ và đúng hạn.
2.2 Đối với các bảo tàng
ICOM khuyến khích các bảo tàng thể hiện vai trò như là các đại sứ của Ngày Quốc tế bảo tàng. Thông qua các hoạt động do bảo tàng tổ chức và mối quan hệ gắn kết, lâu dài giữa bảo tàng với công chúng, sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng được tổ chức thành công nhiều năm qua. Ngoài các hoạt động bảo tàng lên kế hoạch, việc tham gia Ngày Quốc tế bảo tàng là dịp để các bảo tàng thể hiện:
- Thúc đẩy quan hệ đối tác với các trường học, hiệp hội nghề nghiệp khác, thư viện, bảo tàng khác, v.v. để quảng bá sự kiện của bảo tàng và củng cố mối liên kết của bảo tàng với các tổ chức có cùng mục tiêu;
- Tăng cường vai trò của bảo tàng trong xã hội thông qua các hoạt động hiệu quả để chính quyền địa phương, trung ương biết về các hoạt động của bảo tàng và sự quan trọng của bảo tàng đối với công chúng;
- Quảng bá thông tin về Ngày Quốc tế bảo tàng thông qua báo chí địa phương, phương tiện truyền thông xã hội và trang thông tin điện tử của bảo tàng;
- Đạt được tầm nhìn quốc tế về các hoạt động của bảo tàng bằng cách chia sẻ thông tin về các sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng của đơn vị với ICOM, cho phép chúng tôi quảng bá thông tin hoạt động của đơn vị trên toàn mạng lưới của ICOM và rộng rãi hơn nữa với các đối tác của ICOM.
Đồng thời, nhận thấy từ năm 2020 và 2021, sau khi bùng phát COVID-19, ICOM quyết định điều chỉnh hình thức kỷ niệm của Ngày Quốc tế bảo tàng và tập trung vào các hoạt động kỹ thuật số, nhằm thúc đẩy các giá trị của Ngày Quốc tế bảo tàng trong khi đảm bảo an toàn cho công chúng và nhân viên. ICOM cũng định hướng một số nội dung cho các hoạt động của bảo tàng nhân dịp Ngày Quốc tế bảo tàng 2022, cụ thể như sau:
- Hướng tới công chúng tham quan từ xa: khuyến khích phát triển các ứng dụng kỹ thuật số nhằm đưa các hoạt động của bảo tàng đến với công chúng nhiều hơn, an toàn hơn. ICOM cũng tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo chuyên đề với các chuyên gia hàng đầu nhằm thảo luận các chủ đề liên quan, như số hóa các bộ sưu tập và các cơ hội mới cho công chúng, giáo dục bảo tàng, học tập suốt đời trên hình thức trực tuyến.
- Đa dạng các hình thức tường thuật, giới thiệu di sản văn hóa. Sáng tạo các hình thức giới thiệu di sản văn hóa, các chương trình giáo dục hấp dẫn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hoặc lãnh đạo của bảo tàng.
- Xác định các nhóm khách tham quan cụ thể (trẻ em, người cao tuổi, dân tộc thiểu số,...). Đặc biệt lưu ý đến những tác động của giãn cách do dịch bệnh, những học sinh phải học nhiều giờ trên máy tính, những người lao động mất việc làm, người già bị hạn chế giao tiếp, tập luyện,...
- Lựa chọn kênh giao tiếp giữa bảo tàng và khách tham quan cho phù hợp với tình hình hiện tại. Các khả năng kỹ thuật số là vô tận, tuy nhiên công nghệ số không thỏa mãn sự tiếp cận của đông đảo khách tham quan (thời gian nghỉ nghơi, thiết bị công nghệ, tiếp cận internet,...). Sáng tạo, phát huy thế mạnh của bảo tàng với nhiều kênh giao tiếp, đối thoại với công chúng từ hình thức giao tiếp truyền thống đến ứng dụng công nghệ hiện đại.
- Xây dựng nội dung giới thiệu di sản văn hóa hấp dẫn, hiệu quả trong công tác giáo dục. Xác định mục tiêu của bảo tàng: kể một câu chuyện lịch sử, nội dung để giải trí, để gợi mở những vấn đề thảo luận. Tạo sự kết nối giữa giá trị của các bộ sưu tập của bảo tàng có ý nghĩa gì với công chúng tham quan.
3. Định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số.
- Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.
- Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng, như: tổ chức tham quan - trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa.
- Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian,… vào các chương trình ngoại khóa và kết nối mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực cho thực hiện công tác chuyển đổi số của bảo tàng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng.
GD&TT