DI TÍCH THẮNG CẢNH QUỐC GIA HỒ LẮK

Thắng cảnh hồ Lắk được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích thắng cảnh Quốc gia tại Quyết định số 534/QĐ/BT, ngày 11/5/1993. Di tích nằm ở trung tâm huyện Lắk, kéo dài từ địa phận thị trấn Liên Sơn chạy dọc theo đèo Lạc Thiện đến ranh giới xã Đắk Liêng, huyện Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Đông Nam.

Huyện Lắk nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk với địa hình có núi, cao nguyên thung lũng, vùng trũng ven sông suối và các đầm hồ. Vùng trũng hồ Lắk có thể coi như một thung lũng cổ, được tạo thành trong thời kỳ cuối kỷ Pleistocen. Bề mặt dạng đồi thoải, đôi nơi có bazan phủ, vỏ phong hóa phát triển mạnh mẽ, tích tụ trầm tích hiện đại. Đất đen trên là sản phẩm bồi tụ của đá bazan và đất Sialit mềm dính, bở rời. Kết cấu của đất gần thành phần thạch học, bột kết cục và típ Sialit. Các nhà địa chất học đã nghiên cứu và xác định rằng vùng trũng hồ Lắk là đáy của thung lũng và bãi bồi hiện đại tuổi Holocen. Dựa trên những cứ liệu nghiên cứu khoa học về địa chất, địa mạo, phân vùng thổ nhưỡng có thể thấy được sự hình thành của hồ Lắk. Vùng trũng bóc mòn với nhiều núi sót đã biến thành cánh đồng tích tụ với đầm lầy và hồ Lắk. Ngoài những cứ liệu khoa học trên, hồ Lắk còn được lưu truyền với những truyền thuyết từ xa xưa…


Truyền thuyết kể rằng: Đã lâu lắm rồi, một hôm nọ, thanh niên và dân làng cùng đi săn. Họ săn được nhiều thú rừng và cùng nhau ăn uống, nghỉ ngơi, chia thuốc cho nhau hút, nhưng không ai có lửa, Y Biêng liền tìm cách làm ra lửa để hút thuốc, lúc đó họ bèn thách nhau:

- Tại sao Y Biêng lại làm ra lửa? Vậy đố ai làm cháy được nước?


- Ơ! Làm sao nước mà cháy được?... Dân làng ai cũng nói như vậy. Nhưng anh em Y Lắk, Y Liêng đã làm cháy được nước.


Hết ngạc nhiên, dân làng đã bắt đầu lo sợ không còn nước để uống như ngày trước nữa. Từ đó, họ phải uống nước sương và bắt Y Lắk, Y Liêng làm nô lệ cho dân làng.Vì không quen làm nô lệ nên một hôm hai chàng có ý định từ bỏ làng ra đi. Đang lúc nằm ngủ trên một tảng đá to, Lắk và Liêng được Yang đến mách bảo:


- Ơ các con! Nếu các con biết chặt cây M’lô thì sẽ có nước ở trong đó các con ạ!


Được Yang chỉ bảo, hai chàng trai thức dậy và cầm dao đi chặt cây M’lô ngay. Chặt một cây, chặt hai cây có nước. Chặt cây thứ ba lại có cả một chú lươn con, thấy vậy Lắk, Liêng mừng lắm liền lấy nước và đem lươn về nuôi, họ không còn ý định từ bỏ làng đi nữa, ở một ngày, nghỉ một đêm tới chiều, con lươn của hai chàng đã khôn lớn. Lươn ở nồi đất, nồi đất chật, lươn qua nồi đồng, nồi đồng cũng không chứa được, cuối cùng Lắk, Liêng phải đào sâu xuống đất cho lươn ở. Con lươn của hai chàng ngày càng to, nước ở trong nhà mỗi ngày mỗi nhiều. Sợ nước tràn ra ngoài, Lắk, Liêng càng đào rộng sâu ra mãi… Khi đã được nhiều nước nhưng dân làng vẫn không ai biết và hai chàng cũng không nói cho ai hay.


Một lần, mãi ở với lươn, không hay có con chó ăn vụng cơm của hai chàng, dân làng mới rõ Lắk, Liêng đã có nhiều nước, nấu được nhiều cơm, họ cũng mừng lắm. Để có được nước dân làng đổi hết cái chiêng cái ché, đổi hết nồi đồng nồi đất. Lắk, Liêng trở thành giàu có khi dân làng đã đổi hết của cải. Họ phải trả tự do lại cho hai chàng. Từ đó, hai chàng không còn là nô lệ của dân làng nữa và không ai còn đổi chiêng lớn chiêng bé.


Lại nói về chàng lươn của Lắk và Liêng mỗi ngày một lớn, dân làng lại uống nhiều nước của lươn, nên nhà ở của lươn trở nên chật chội lắm. Một hôm lươn bảo: “Hãy làm cho tôi một chiếc sừng bằng sắt, sừng ấy cắm vào đầu tôi”. Lắk, Liêng liền nghe lời, họp tất cả dân làng lại nhưng chẳng ai biết làm sắt được chỉ có Y Biêng, người làm ra lửa, nung được sừng bằng sắt. Sau khi có sừng, chàng lươn mới hết ngày này qua ngày khác, phá chỗ ở của mình rộng ra mãi, chỗ ấy dân làng về sau gọi tên là hồ Lắk.


Lại có chuyện kể rằng:


Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi…chẳng biết vì nguyên cớ gì, thần nước và thần lửa bỗng mâu thuẫn với nhau như nước với lửa. Sau một trận kịch chiến ác liệt, thần nước bại trận phải chui vào một tảng đá. Hạn hán bắt đầu xảy ra, mấy năm liền trời không có mưa, cây cối và súc vật chết trụi hết. Dân làng ngửa mặt lên trời, tiếng ai oán dậy đất. Một ngày kia, có một chàng trai nghèo ra đi, với quyết tâm tìm ra nguồn nước cho buôn làng. Chàng cứ đi mãi, đi mãi, một lần mệt quá chàng ngồi nghỉ trên một tảng đá, dở cơm nắm ra, mắt chàng bắt gặp trong hố sâu của một tảng đá có một chú lươn con đang nằm cuộn tròn. Chàng bắt chú lươn đó đem về bỏ trong một cái nồi, sáng hôm sau, chàng bỗng thấy có những giọt nước từ miệng lươn nhả ra, đọng xuống đáy nồi. Chàng bỗng linh cảm rằng: thần nước đây rồi, chàng bèn thả lươn ra và cứ lần theo dấu lươn trườn mà đi mãi, tới khi lươn biến mất thì cũng vừa lúc một hồ nước mênh mông vụt hiện ra trước mắt. Chàng dụi mắt một lần, hai lần, rồi lại một lần nữa mới dám tin rằng không phải mình nằm mơ, hồ Lắk có từ đấy.



Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên và lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể; ở độ cao hơn 500m so với mặt biển, hồ Lắk giống như chiếc túi treo khổng lồ giữa trời. Phía Tây hồ Lắk: Dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ như ngực một chàng trai cường tráng, che chắn cho mặt hồ bốn mùa phẳng lặng dưới chân núi. Những cánh đồng lúa mịn màng như tấm thảm xanh, bao quanh chiếc gương bạc, từng đàn cò trắng chấp chới trong mỗi buổi sáng mai, xa xa cánh rừng nguyên thủy còn mang dáng nét độc đáo của thời sơ cổ, như điểm tô thêm cho cảnh sắc chốn này vốn đã đẹp lại càng đẹp thêm. Từ trên đỉnh đèo Lạc Thiện của buôn Yang Rôk thuộc xã Yang Tao nhìn xuống, cảnh quan hồ hiện ra với một vẻ đẹp lộng lẫy. Trời mây, hồ nước, đồi núi, ruộng đồng hòa lẫn với nhau như một bức tranh thủy mạc, nhìn xa hơn nữa là dáng mờ của dãy Trường Sơn trùng điệp. Bao quanh hồ chạy dài hơn 10 km là những dãy núi, đồng bằng và cây cối xanh tốt, bờ của hồ Lắk không phẳng đều, đồi núi ruộng đồng đan xen nhau. Mùa mưa nước hồ lên cao, những đồng ruộng kề chân hồ bị ngập hết, nhìn ngỡ như là hồ ở lưng chừng núi. Bởi do hồ bị kẹt giữa các triền núi cách quãng, chỗ xa nhau, chỗ thì sát lại nhau, triền núi này thì ngắn, hình mặt trước của chiếc vương niệm khổng lồ. Ngoài ra, trên mặt hồ nổi lên vài ngọn đồi thấp, giống như những hòn đảo nhỏ. Dưới chân núi xung quanh hồ là những buôn làng định cư. Nhìn tổng thể hồ Lắk ba phía là núi cao vây quanh, riêng phía Tây ruộng đồng khá rộng lớn và kéo dài đến giáp huyện Krông Ana. Một đồng ruộng phì nhiêu, sản lượng lương thực chiếm đa phần trong tổng số lương thực sản xuất của toàn huyện. Bốn mặt hồ Lắk uốn lượn như một dải lụa, phía Bắc bao bọc một nửa thị trấn Liên Sơn.



Di tích thắng cảnh hồ Lắk có diện tích hơn 500 ha, đây là một trong những hồ tự nhiên lớn nhất ở Tây Nguyên, phía Tây Nam hồ thông với sông Krông Ana. Đây là một nhánh lớn của sông Sêrêpôk. Chính vì thế, nước hồ Lắk xanh quanh năm hòa vào màu xanh của những cây rừng ven hồ. Những lúc mưa to, hồ nước dâng lên, khi ấy màu nước có hơi ngả vàng. Hết mưa vài ngày, đất phù sa lắng xuống đáy hồ, mặt nước lại trong xanh như trước đó nó chưa hề mang một sắc nào ngoài xanh cả.


Vào những năm 1930, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã xây dựng trên đỉnh đồi sát bờ hồ một nhà nghỉ mát, với cái tên thường gọi là: Biệt Điện Bảo Đại với diện tích là 300 m2, tổng thể nhà theo kiến trúc một mái hai lầu và thiết kế theo kiểu vừa cổ vừa kim. Vì xây dựng trên một đỉnh đồi, do vậy xung quanh nhà nghỉ có rất nhiều cây cối tự nhiên và cây cảnh tạo hình, rất hài hoà, rất thú vị. Biệt Điện Bảo Đại quay mặt về hướng Đông Nam, chính diện với mặt hồ, từ đây ta có thể quan sát được toàn cảnh hồ Lắk. Đường từ chân đồi, sát mép hồ Lắk lên đến nhà nghỉ có độ dài trên 100m, xoắn chân ốc và rải nhựa, càng tô thêm vẻ đẹp cho toàn Biệt Điện Bảo Đại.


Mới nhìn, Di tích thắng cảnh hồ Lắk hơi giống hồ Ba Bể, với những dãy núi bao quanh, đôi chỗ nổi lên những đảo nhỏ khác nhau. Sự thoáng mát, bao la của hồ Lắk gợi lên những nổi nhớ mênh mang về cảnh đẹp hữu tình. Ở mỗi đoạn, mỗi khoảng cách, mỗi tầm nhìn về hồ đều có một dáng khác nhau, rất đa dạng và đồng thời nó cũng toát lên được nhiều vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng, hấp dẫn. Nơi này, hai bên hồ là cả một cánh rừng. Nơi kia đồng ruộng xen lẫn rừng thưa, từng thảm lúa xanh rờn, thấp thoáng những mái nhà đang tỏa ra làn khói bếp buổi lam chiều. Nơi khác, vương vít của những đám mây, những “sợi mây” gác vào khe núi giăng trên những ngọn cây. Dạo chơi trên Di tích thắng cảnh hồ Lắk mỗi buổi, mỗi mùa đều có những thú vị riêng. Sáng, khi bình minh lan tỏa đều trên mặt nước gợn sóng lúc đó sương chưa tan hết, lá cây còn điểm vài giọt sương đêm. Chúng lấp lánh, lấp lánh. Buổi trưa khi cả rừng nhuộm nắng, cả mặt hồ Lắk như dát đầy nắng vàng, mặt hồ trở nên hùng vĩ hơn. Chiều xuống, rừng cây ven Di tích thẳm màu, trời se lạnh, sương bắt đầu nhẹ vương trên cây và cả trên mặt hồ. Mỗi khi trăng lên, nhất là vào thời gian mùa khô, rừng mờ đi bởi những làn sương mênh mông bao phủ núi, hồ Lắk trở nên thơ mộng, huyền ảo, thực mà lại như mơ. Nếu du khách muốn tham quan toàn bộ Di tích bằng ca nô cho thoả thích thì cũng phải mất hết một ngày. Còn đi bằng thuyền nhỏ (độc mộc) của đồng bào địa phương thường dùng thì thời gian nhiều hơn nữa. Sát ven hồ Lắk trong đám cỏ cói, từng đàn chim le le, vịt trời, bói cá…thong dong bơi lội, hoặc bay vút lên không, tạo thêm những hình ảnh sinh động cho cảnh sắc thắng cảnh.

Di tích thắng cảnh Hồ Lắk, ngoài vẻ đẹp còn có giá trị to lớn quan trọng là cung cấp nước cho sản xuất. Với diện tích rộng nên hàng năm hồ Lắk tiếp nhận một lượng nước khá lớn từ các nơi đổ về. Theo tính toán, khi có mưa lớn từ các nơi đổ về, mặt hồ dâng lên, diện tích rộng tới trên 700 ha, dung tích chứa khoảng 100 triệu m3. Nước hồ Lắk có thể tưới cho gần 20 ngàn ha lúa và cà phê của một số xã thuộc huyện Lắk. Đồng thời, nơi đây còn là một bể chứa nước trong mùa mưa, để đến mùa khô nguồn dự trữ này phục vụ có hiệu quả cho việc cung cấp nước tưới cây lương thực và cây công nghịêp. Vì thế, hồ Lắk có giá trị lớn trong công tác thuỷ lợi đối với sản xuất nông nghiệp.


Xung quanh thắng cảnh hồ Lắk được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật đang được bảo tồn và phát triển, không chỉ là tiềm năng để phát triển ngành du lịch của tỉnh mà hồ Lắk còn mang lại nguồn lợi lớn về thủy sản. Hồ dài và sâu, nguồn cá được sông Sêrêpôk thường xuyên cung cấp. Cá hồ Lắk ngon có tiếng, nhiều nhất là cá Chép, cá Lóc, cá Mè, cá Trắng, cá Thác Lác…


Du khách đến tham quan thắng cảnh hồ Lắk cũng nên ở lại một đêm nhất là khi có trăng, dạo quanh ven hồ hay đẩy thuyền lượn trên mặt hồ. Với sóng nước lăn tăn như vảy bạc, làn gió trong lành mát rượi, khách có thể mang theo một chiếc cần câu, thả mồi xuống là tha hồ mà giật cá, nào cá chép, cá rô phi, cá lóc.. nếu khách muốn thưởng thức món cá nướng do chính tay mình câu lên, khi lên bờ chỉ cần nhóm lửa lên, nướng vàng cá là khách có một món ăn đặc sản thú vị rồi. Ngoài sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Lắk, khách còn có thể lướt ván, săn bắn, cưỡi ngựa, cưỡi voi và leo núi. Sau Buôn Đôn, Ea Súp, huyện Lắk là một trong những quê hương của voi và những người săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Đàn voi nhà có hàng chục con đã từng phục vụ cho các đoàn khách trong nước và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch nơi đây. Đến đây, du khách còn được thưởng thức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc, dân gian độc đáo, uống rượu cần, kể chuyện săn bắt và thuần dưỡng voi, đặc biệt những truyền thuyết về Đam San, Xing Nhã…


Bên cạnh di tích thắng cảnh hồ Lắk còn có buôn Jun và buôn M'Liêng, những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M’nông. Nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều những ngôi nhà dài truyền thống với mái lợp cỏ tranh, vách thưng liếp nứa và một đàn voi khoảng 20 con. Du khách đến đây không chỉ thăm quan thắng cảnh hồ Lắk mà còn được thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, T'rưng, K'lông Pút, đàn đá, chăm sóc voi hoặc dùng thuyền độc mộc đi dạo trên hồ Lắk.


Thực hiện Chương trình số 08-CTr/HU, ngày 31/10/2011 của Huyện ủy Lắk về phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2015 và Đề án phát triển du lịch của UBND huyện Lắk giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn 2025. Các điểm tham quan nổi tiếng của địa phương như: Di tích thắng cảnh hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại (nằm trong khu vực khoanh vùng khu vực bảo vệ I của di tích), buôn M'liêng… từng bước được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Với mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Huyện Lắk đã đề xuất các danh mục mời gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phát triển du lịch của huyện Lắk giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, chú trọng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng ven hồ Lắk để đạt được mục tiêu kép là cải tạo đường tham quan du lịch, phục vụ nhu cầu đi lại, tạo được mặt bằng thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư.




Hà Phương