DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA BIỆT ĐIỆN BẢO ĐẠI MỞ CỬA PHỤC VỤ KHÁCH THAM QUAN

Hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - năm 2023, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của công chúng, từ ngày 10/3/2023, sau thời gian chỉnh lý trưng bày, Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan.

Tọa lạc tại số 02 đường Y Ngông, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, trong khuôn viên rộng rãi, xanh mát với các loại cây cổ thụ có tuổi thọ hơn một trăm năm, Biệt điện Bảo Đại cổ kính, vững chãi thu hút du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Nơi đây trước năm 1905 là Nhà hàng Maison Lefévre. Đến năm 1914, khi Sabatier về làm Công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này để xây dựng Tòa Đại lý quận trưởng. Năm 1926, sau khi về thay Công sứ Sabatier, Công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng tòa nhà như hiện nay và được gọi là Tòa công sứ, theo dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (Nhà ông lớn).

Năm 1947, Chính phủ Pháp bảo lãnh Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948, Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc gần 8 tháng. Sau đó, vào những năm 1949 đến 1953, hàng năm Bảo Đại thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt điện Bảo Đại.


Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử lớn của tỉnh mà còn là một công trình kiến trúc đẹp trên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk.



Đến với di tích, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc độc đáo của toà nhà, về cuộc đời của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Triều đại Nhà Nguyễn, được thể hiện qua các không gian trưng bày: Phòng khách, phòng làm việc của Bảo Đại, phòng trưng bày về Lễ tế Nam Giao,...

Đặc biệt, tại di tích còn bố trí một phòng trải nghiệm với cách trang trí theo phong cách cung đình Huế, để du khách chụp ảnh và lưu giữ những kỷ niệm đẹp của chuyến tham quan.


Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức hoạt động để thu hút khách tham quan và phát triển du lịch, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh là một trong những mục tiêu quan trọng của Bảo tàng Đắk Lắk. Việc mở cửa phục vụ khách tham quan tại Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại giúp khai thác, phát huy các tiềm năng của di tích. Cùng với trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, du khách trong và ngoài nước sẽ có thêm những trải nghiệm tuyệt vời về vùng đất cao nguyên Đắk Lắk.

GDTT