DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH LẠC GIAO, NƠI BẢO LƯU NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Tọa lạc tại số 67 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao nép mình giữa phố thị ồn ào nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính, trang nghiêm và bảo lưu những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người trên cao nguyên Đắk Lắk.

Sau khi đặt bộ máy cai trị tại Đắk Lắk, thực dân Pháp đã thi hành các chính sách chia rẽ dân tộc, phục vụ mưu đồ chính trị lâu dài, ngăn cách làn sóng cách mạng từ các tỉnh đồng bằng lên với chiêu bài “Đất Thượng của người Thượng” để dễ bề cai trị, vơ vét bóc lột nhân dân ta, nhưng thực dân Pháp càng hạn chế bao nhiêu thì các dân tộc càng gắn bó bấy nhiêu và tạo nên sức mạnh đoàn kết, hòa hợp, thuỷ chung.


Năm 1924, làng Lạc Giao được thành lập. Theo phong tục tập quán của người Kinh thì dân đi đến đâu lập đình ở đó, Đình Lạc Giao được xây dựng vào năm 1928 và tên gọi “Lạc Giao” có ý nghĩa thể hiện mối giao hảo, lời thề nguyền Kinh – Thượng cùng chung lưng đấu cật chống lại sự áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, xây dựng vùng đất mới.


Đình thờ Thần hoàng Đào Duy Từ, đồng thời là nơi hội họp, bàn bạc công việc của dân làng. Lúc đầu Đình được làm từ những nguyên liệu thô sơ: tranh, tre, nứa, lá. Năm 1933, Đình được xây dựng lại bằng gỗ, tường gạch, lợp ngói vẩy, sàn lát gỗ, có chạm trổ long ly quy phượng, chạm khắc hổ phù nghiêm trang và đẹp. Kinh phí xây dựng đều do nhân dân làng Lạc Giao quyên góp. Tháng 8/1945, Đình được sửa chữa lại các bức tường, lợp ngói xi măng. Tháng 2/1968, bom Mỹ làm sập một góc đình, dân làng đã tu sửa, làm lại nền xi măng, lợp ngói. Tháng 3/1975, địch thả bom làm cháy đình, sau đó đình được sữa chữa và xây dựng lại.


Đình xây dựng theo kiểu chữ Môn, với diện tích 100m2 trong khuôn viên rộng 700m2 gồm các hạng mục: Đình chính, nhà Tiền hiền (nhà Hiện hữu), nhà Hội quán, nhà Bếp, nhà ở cho từ đình.


Cách mạng tháng Tám thành công, Đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền cách mạng thị xã Buôn Ma Thuột. Những người con của làng Lạc Giao đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn hoặc tham gia chính quyền cách mạng như ông Hồ Bang – Chủ tịch làng Lạc Giao, đồng chí Lê Văn Tín – Phó chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều đồng chí khác đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Đây cũng là nơi ra mắt của Uỷ ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 18/03/1975.


Đình Lạc Giao


Ngày 02/3/1990, Đình Lạc Giao được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 168-VH/QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


Hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế:

Lễ Tế Xuân (17 tháng Giêng âm lịch), còn gọi là Lễ cầu an, cầu cho nhân dân được an cư lạc nghiệp.

Lễ Tế Thu (17 tháng Tám âm lịch), có nghĩa là lễ tế thần với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Lễ cầu siêu (27 tháng Mười âm lịch), tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào Lạc Giao tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27/10 âm lịch).

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).




Lễ tế Thu tại Đình Lạc Giao


Các lễ tế tổ chức tại Đình được thực hiện theo nghi thức truyền thống, mang tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, là dịp để bà con nhân dân gặp gỡ, giao lưu tạo nên tình đoàn kết, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất mới, những chiến sỹ đã hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.


Năm nay, Lễ tế Xuân được tổ chức trong hai ngày:

Lễ cáo Thần (Lễ cúng tiên thường): Từ 14h00-16h00 ngày 27/02/2021 (nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Lễ Tế Xuân (Lễ tế Thần): Từ 08h00 -11h00 ngày 28/02/2021 (nhằm ngày 17 tháng Giêng năm Tân Sửu).


Với ý nghĩa cầu an cho một năm mới vẹn tròn, Lễ Tế Xuân hướng đến việc khôi phục những giá trị văn hóa của người Việt xưa, qua đó giáo dục thế hệ trẻ ý thức giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền của các thế hệ cha ông. 








GD&TT