DI TÍCH LỊCH SỬ CÁC ĐIỂM DI TÍCH BỔ SUNG VÀO KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN TỈNH ĐẮK LẮK (1965 - 1975) CÁC XÃ: HÒA LỄ, HÒA PHONG, CƯ PUI, YANG MAO VÀ CƯ ĐRĂM, HUYỆN KRÔNG BÔNG, TỈNH ĐẮK LẮK
Di tích lịch sử các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao và Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 - 90km theo hướng Đông Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) đóng vai trò là trung tâm đầu não của tỉnh Đắk Lắk. Cơ quan Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh bằng chủ trương, sách lược, biện pháp cụ thể, phương pháp cách mạng đúng đắn qua từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Trên cơ sở khả năng tự lực của địa phương, Đảng bộ Đắk Lắk đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, động viên cán bộ, chiến sỹ nỗ lực sản xuất, tự cung tự cấp, không trông chờ, ỷ lại vào sự chi viện của cấp trên. Tỉnh ủy đã sớm phát động phong trào sản xuất tự túc trong các lực lượng, cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện và lãnh đạo sản xuất, chăn nuôi trong Nhân dân. Đồng thời, khai luồng các cửa khẩu để giải quyết các nhu cầu về đời sống cho Nhân dân và lực lượng thoát ly; đảm bảo nhiệm vụ hành lang chiến lược của Trung ương, giữ vững đầu mối giao thông liên lạc, vận chuyển vũ khí và đưa đón cán bộ, bộ đội từ Khu V vào miền Đông Nam bộ, tạo cơ sở vật chất và cán bộ, giúp đỡ tỉnh bạn ở phía Nam như Quảng Đức và một phần cho Lâm Đồng, tạo hành lang vận chuyển tiếp tế cho Phú Yên và Khánh Hòa.
Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên của Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành, Tỉnh đội Đắk Lắk đã kề vai, sát cánh với đồng bào các dân tộc chiến đấu không mệt mỏi, kiên trì bám trụ, chiến đấu vì nước, vì dân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng Đắk Lắk. Sự hy sinh cao quý ấy của các anh hùng liệt sĩ còn sống mãi trong lòng Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk hôm nay và mai sau. Ban Cán sự và Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã thể hiện rõ bước đi của mình ngày một vững vàng, phát triển trong mọi tình thế chuyển biến của tỉnh; tích cực tham mưu và cùng Tỉnh ủy chỉ đạo cuộc chiến tranh Nhân dân trên địa bàn tỉnh, kết hợp với phát triển phong trào quần chúng, tạo lực, tạo thế vững vàng, chuẩn bị thế trận trên địa bàn chiến lược, đã được Trung ương chọn Buôn Ma Thuột làm đòn điểm huyệt trong chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) vẫn mãi là dấu ấn lịch sử quan trọng, chứa đựng truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk. Nổi bật là niềm tin của người dân M’nông, Êđê ở vùng căn cứ kháng chiến đối với Đảng, với cách mạng không gì lay chuyển được. Trong kháng chiến ác liệt, không có ngày nào trên mảnh đất Krông Bông tránh được cảnh đánh phá ác liệt của kẻ thù cả về bom đạn và chiến tranh tâm lý. Mặc cho càn quét, đánh phá khốc liệt, triền miên, kể cả hủy diệt bằng bom B52, rải chất độc hóa học, hủy diệt nương rẫy, hoa màu khiến đồng bào có cuộc sống vô cùng cực khổ, sức người kiệt quệ; mặc cho những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, chiêu hồi, chiêu hàng rất thâm độc… nhưng với tấm lòng sắt son thủy chung, với ý chí, nghị lực cách mạng phi thường, đồng bào các dân tộc không nao núng, vừa đánh địch, vừa sản xuất, vừa hết lòng tham gia kháng chiến, bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ các cơ quan đầu não của tỉnh.
Với vị trí, vai trò, giá trị của Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) nói chung và Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) nói riêng, Ngày 09/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) có 05 Địa điểm: Cơ quan Tỉnh ủy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui); Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao) và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong), huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 29/12/2023, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4241/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia: Di tích lịch sử các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Yang Mao và Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, gồm 39 địa điểm:
1. Địa điểm Bộ phận Cơ yếu, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
2. Địa điểm Bộ phận Điện đài, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
3. Địa điểm Khu nhà bếp và nhà ăn, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
4. Địa điểm Cầu vượt suối, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
5. Địa điểm Đập bắt cá, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
6. Địa điểm Kho lương thực, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
7. Địa điểm Ban tổ chức Tỉnh ủy, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
8. Địa điểm Ban Kiểm tra Đảng, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
9. Địa điểm Ban Dân vận, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
10. Địa điểm Ban Mặt trận, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
11. Địa điểm Trại An điều dưỡng, xã Yang Mao, huyện Krông Bông;
12. Địa điểm Bệnh xá B2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông;
13. Địa điểm Tiểu ban Huấn học, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
14. Địa điểm Tiểu ban Giáo dục, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
15. Địa điểm Tiểu ban Tuyên truyền, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
16. Địa điểm Khu vực tưởng niệm 12 liệt sỹ của Tiểu ban Tuyên truyền, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông;
17. Địa điểm Trường Đảng tỉnh, xã Yang Mao, huyện Krông Bông;
18. Địa điểm Trường Nội trú của Tiểu ban Giáo dục, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
19. Địa điểm Ban Kinh tài, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
20. Địa điểm Tiểu ban Tài chính, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
21. Địa điểm Tiểu ban Thương nghiệp – Mậu dịch, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
22. Địa điểm Tiểu ban Lương thực, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
23. Địa điểm Tiểu ban Ngân tín, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
24. Địa điểm Tiểu ban Sản xuất, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
25. Địa điểm Ban Giao thông vận tải, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
26. Địa điểm Ban Dân y, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông;
27. Địa điểm Bệnh xá Dân y, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông;
28. Địa điểm Xưởng dược, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
29. Địa điểm Trường Y tế, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
30. Địa điểm Ban Thương binh, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông;
31. Địa điểm Ban Binh – Địch vận, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
32. Địa điểm Ban Hành lang, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
33. Địa điểm Trạm liên lạc tỉnh (T50), xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
34. Địa điểm Ban An ninh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông;
35. Địa điểm Tỉnh đội, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
36. Địa điểm Ban Quân y, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
37. Địa điểm Kho vũ khí, đạn dược, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
38. Địa điểm Đại đội 314 hỏa lực (C314), xã Hòa Phong, huyện Krông Bông;
39. Địa điểm tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông.
Địa điểm Bệnh xá B2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông
Địa điểm Tỉnh đội, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông
Địa điểm Trại An điều dưỡng, xã Yang Mao, huyện Krông Bông
Di tích lịch sử Khu Căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) là một trong những “địa chỉ đỏ” tri ân công lao của lớp người đi trước; giáo dục về ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) cũng đã góp phần trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu lược của quân và dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung; là sự kết tinh những kinh nghiệm sống, chiến đấu và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk để gìn giữ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc.
Ngày ngay, Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) và Di tích lịch sử Các điểm di tích bổ sung vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) dựa lưng vào dãy Chư Yang Sin “nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên”, với đỉnh cao 2.405m và hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và một hệ thống suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Vì vậy, ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa, Khu căn cứ còn mang giá trị thẩm mỹ, khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Đây là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu và khám phá.
Hà Phương