DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH THÁC BUÔN H’NGÔ
Di tích danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô thuộc địa phận hành chính xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 km về hướng Đông Nam, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào ngày 17/10/2019.
Theo người dân sinh sống ở các buôn làng gần Di tích, sở dĩ có tên gọi là thác Buôn H’Ngô bởi vì trước đây bà con Buôn Ngô di cư vào lập buôn sống, lao động sản xuất gần khu vực Thác để nuôi giấu, che chở cho cách mạng. Tại đây, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã triệu tập và tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (10/1971) bên núi Yang Klơr và suối Ea Drui.
Ngoài ra, ngọn thác này còn có tên gọi khác theo tiếng người M’nông là: Drai Yang Lơng, trong đó: Drai là thác, Yang Lơng là thần đá lớn, vì tại thác có một tảng đá rất to nằm ngay giữa dòng thác. Người dân ở các buôn làng lân cận rất tôn sùng và gọi tên thần đá là Yang Lơng, họ tín ngưỡng đá như một vị thần che chở và bảo vệ sự sống của buôn làng.
Di tích danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô hình thành từ dòng suối Ea Drui – một trong những dòng suối bắt nguồn từ trên núi cao của dãy Čư Yang Sin hùng vĩ, thác Buôn H’Ngô với hai ngọn thác chính và nhiều ghềnh thác nhỏ trải dài đến hàng cây số, phía dưới là dòng chảy hiền hòa, thơ mộng của suối Ea Drui. Khi vượt qua những bãi đá to nhỏ, ở hai bên bờ và giữa lòng suối, càng lên đến gần thác cảnh quan thiên nhiên càng đẹp hơn, trong không gian tĩnh lặng của núi rừng du khách sẽ được nghe âm thanh của tiếng thác đổ, đó là âm thanh của nhiều cung bậc cảm xúc, của tiếng thác cao, thác thấp, tiếng róc rách từ khe suối chảy ra. Rất nhiều những ghềnh thác nhỏ ở hạ nguồn và thượng nguồn của thác Buôn H’Ngô đều có vẻ đẹp riêng. Trong đó, hai thác chính, mỗi thác cách nhau khoảng 300m, nếu thác đầu tiên hiền hòa, mềm mại, thì thác thứ hai với chiều cao khoảng 10m, nước từ trên trút xuống uốn lượn như một con rồng đang bay lượn, đùa giỡn nơi chốn đại ngàn xanh thẳm.
Suối Ea Drui hiền hòa, mềm mại (Ảnh flycam)
Ở thác đầu tiên, tính từ phía hạ nguồn, dòng thác có chiều rộng khoảng 10m, độ cao nước đổ từ trên xuống khoảng 2m đến 3m. Tuy độ cao không lớn nhưng ngọn thác này với dòng nước chảy mềm mại trông như dãi lụa phất phơ bên làn gió, khi nước đổ xuống phía dưới tạo thành một hồ nước rộng trong xanh, mát rượi. Phía hai bên bờ có những cây cổ thụ vươn mình che gần kín bầu trời của hồ nước, những đốm nắng lọt qua kẽ lá lung linh như những viên pha lê sáng lấp lánh trên mặt nước.
Thác Buôn H’Ngô xinh đẹp giữa núi rừng
Tiếp tục đi ngược theo dòng chảy của suối Ea Drui về phía thượng nguồn, thêm khoảng chừng 300m, du khách sẽ được tận hưởng cảnh đẹp ở ngọn thác thứ hai của Di tích. Tại đây, một tảng đá to nằm phía dưới dòng thác đổ xuống, khiến cho dòng chảy của thác bị chia đôi, một dòng chảy sang bờ phía Bắc và một dòng chảy qua bờ phía Nam. Nếu có người địa phương dẫn đoàn thì bạn có thể nghe kể về những câu chuyện ly kỳ về tảng đá to, gắn liền với văn hóa tâm linh của người dân nơi đây, tảng đá được bà con buôn làng gọi là thần đá Yang Lơng. Nước từ trên đỉnh thác đổ xuống, uốn lượn qua nhiều phiến đá, mỗi lớp mang một hình dáng khác nhau song chúng đều có màu đỏ thẫm tạo nên nét riêng biệt của đá, chỉ có ở Di tích danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô. Dòng nước trong xanh chảy qua phiến đá, gặp ánh nắng phản quang như dải lụa, uốn lượn mượt mà. Cũng như ngọn thác thứ nhất, phía dưới chân thác thứ hai có một hồ nước lớn rộng khoảng 200m2, nhìn tựa như một vịnh nước nhỏ hay một phòng tắm thiên nhiên giữa đại ngàn. Hai bên, những cành cây cổ thụ vươn mình ra giữa hồ nước, đây là một nơi lý tưởng để du khách có thể ngâm mình, tắm dưới hồ nước trong xanh mát lạnh. Nếu du khách tinh mắt sẽ thấy những đàn cá nhỏ tung tăng, bơi lội dưới nước, có thời gian thả câu hoặc giăng lưới trong chốc lát sẽ bắt được nhiều cá để nướng và thưởng thức “đặc sản” cá suối ngay bên bờ thác.
Càng đi ngược lên cao theo hướng thượng nguồn, men theo dòng suối Ea Drui, du khách sẽ tiếp tục được chiêm ngưỡng những ghềnh thác nhỏ khác nhau, cố luồn lách qua từng khe đá để tuôn chảy về phía hạ nguồn. Mỗi ghềnh thác nhỏ kia đều có những vẻ đẹp riêng, tạo cho du khách những cảm giác đi từ thích thú này đến bất ngờ khác. Ngoài ra, ở phía trên dòng thác, những tán cây cổ thụ hai bên bờ suối vươn ra giữa dòng che phủ bóng mát, tạo cho không gian trong lành, mát mẻ. Khi du khách lội dưới dòng nước mát cùng khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình quanh thác, sẽ rũ bỏ hết những lo toan, mệt nhọc sau những ngày lao động khi đến tham quan Di tích danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô vào những dịp cuối tuần.
Dòng nước trong veo, mát lạnh, yên bình
Đến với Di tích danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô, du khách không những cảm thấy thích thú khi được tham quan cảnh đẹp của ngọn thác, dòng suối mà còn được khám phá vẻ hoang sơ, huyền bí của rừng nguyên sinh vườn quốc gia Chư Yang Sin, tạo cho du khách một cảm giác như đang tận hưởng chuyến du lịch thám hiểm đến một nơi huyền bí, nguyên sơ của núi rừng. Với cảnh đẹp hấp dẫn và không khí trong lành, nên hàng năm, Di tích thu hút hàng ngàn lượt du khách địa phương và các vùng lân cận đến vui chơi, thưởng ngoạn và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng nơi đây.
Đặc biệt, Di tích danh lam thắng cảnh thác Buôn H’Ngô nằm gần Địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V (1971) thuộc Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) – một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ Nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Hơn nữa, trên đường đi vào Di tích, du khách có thể ghé vào Buôn H’Ngô A, Buôn H’Ngô B để tham quan, tìm hiểu phong tục, lễ hội, nghề thủ công truyền thống của người M’nông.
Ngày nay, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang trở thành những hoạt động ưa thích của nhiều du khách, nên danh thắng thác Buôn H’Ngô chính là địa chỉ hết sức lý tưởng để tham quan, thưởng ngoạn những dịp cuối tuần hay các ngày lễ, tết để xua tan những lo toan, mệt nhọc của cuộc sống thường nhật.
Hà Phương