DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA “TẬP QUÁN XÃ HỘI VÀ TÍN NGƯỠNG MO MƯỜNG” TỈNH ĐẮK LẮK

Tại Đắk Lắk, số lượng thầy Mo tuy không nhiều nhưng giữ vai trò khá quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường. Mo Mường lưu giữ những giá trị văn hóa, gắn liền với các nghi lễ của gia đình, dòng họ, tạo ra nét đặc sắc trong bức tranh văn hóa đa sắc màu trên cao nguyên đại ngàn.

Người Mường di cư đến Đắk Lắk từ sau năm 1954, theo số liệu thống kê năm 2019, ở Đắk Lắk có khoảng 15.705 người Mường, sinh sống chủ yếu ở các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Kar, thành phố Buôn Ma Thuột,...


Xa quê hương đến vùng đất mới, người Mường định cư, làm nông nghiệp lúa nước, canh tác các loại cây công nghiệp như: cà phê, tiêu, cao su. Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa của các dân tộc anh em, người Mường vẫn bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống, mang đặc trưng riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, Mo Mường là loại hình di sản văn hóa độc đáo, được thể hiện trên tất cả lĩnh vực văn hóa phi vật thể và vật thể.


Mo Mường là sinh hoạt tín ngưỡng cổ truyền, phản ánh vũ trụ quan, tri thức cả về thế giới tự nhiên, xã hội, lịch sử,… của người Mường, đặc biệt là quan niệm của người Mường về cái chết – không gian sinh dưỡng chủ yếu của Mo Mường.


Hiện nay, trên địa bàn Đắk Lắk có khoảng 06 nghệ nhân còn thực hiện được khá đầy đủ Mo Mường, đặc biệt là Mo trong đám tang. Trong đó, huyện Krông Bông có 02 nghệ nhân; huyện Ea Kar có 01 nghệ nhân; thành phố Buôn Ma Thuột có 03 nghệ nhân. Đối với người Mường tại Đắk Lắk, Mo chủ yếu được sử dụng trong nghi lễ tang ma. Ở một số nơi, Mo cũng là cách gọi chung cho các hình thức nghi lễ khác như: Mo vía, Mo thượng thọ (Mo sống), Mo mẹ mụ,…; tuy nhiên, đối với hầu hết các thầy Mo và người dân thì “Mo tang ma” mới là nghi lễ thể hiện rõ và đầy đủ những giá trị văn hóa cổ truyền của người Mường.



Mâm cúng nổ (Cúng tiên sư, tổ tiên) của người Mường



Thầy Mo Bùi Văn Ngòi, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk 


Mo tang lễ của người Mường tại Đắk Lắk về cơ bản vẫn được giữ gìn và thực hiện tương đối đầy đủ về trình tự các nghi lễ Mo trong tang ma, trang phục, công cụ, lễ vật mang tính biểu trưng của Mo không thay đổi. Theo lời kể của các thầy Mo, Mo trong tang lễ cổ truyền của người Mường kéo dài khoảng 12 ngày đêm (có những đám ma có thể kéo dài đến 14-16 ngày đêm) và có thể cần 02 đến 03 ông Mo thay nhau. Nhưng hiện nay, theo quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thời gian Mo tại tang gia được rút ngắn lại, chỉ tổ chức trong khoảng 24 đến 48 giờ, nội dung bài Mo được rút ngắn, chọn lọc phù hợp với điều kiện tổ chức. Các nghi thức trong tang lễ được đơn giản hóa, nghi thức hành lễ nhanh gọn, thời gian chịu tang rút ngắn, những kiêng kị trong và sau đám tang cũng được đơn giản hóa, thậm chí, một số nghi lễ chỉ còn xuất hiện các phần Mo cúng và mời cơm cho linh hồn. 



Thầy Mo thực hiện nghi thức Mo quét khăng


Mo Mường tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang có nguy cơ mai một, thể hiện ở hai phương diện: Thầy Mo (những người nắm giữ và thực hành trực tiếp) và Roóng Mo (nội dung của các phần Mo). Phần lớn các nghệ nhân Mo Mường đều cao tuổi và chưa có học trò theo học. Số lượng thầy Mo chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng trong thực hành nghi thức tang ma. Hiện tượng mượn thầy Mo từ nơi khác đến để thực hành khá phổ biến, thậm chí còn có hiện tượng người Mường mượn thầy Mo của các dân tộc khác như Mo Thái (huyện Krông Năng), hay tổ chức nghi lễ theo nghi thức Phật giáo. Các bài Mo chủ yếu được truyền miệng, chưa được ghi chép biên tập, thêm vào đó thế hệ trẻ ít người mặn mà với việc nghe Mo. Đặc biệt, thể loại Mo kể chuyện (kể chuyện sử thi) đang bị mai một nghiêm trọng, còn rất ít thầy Mo có thể nhớ và thực hành, nếu có thực hành cũng không thể thực hiện được đầy đủ theo lối cổ truyền.



Thầy Mo Lê Văn Huân, xã Cư Pui, huyện Krông Bông thực hiện nghi lễ Mo kể chuyện


Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, ngày 21/02/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 393/QĐ-BVHTT về việc công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tỉnh Đắk Lắk”. Đây là niềm vui, niềm tự hào cũng là trách nhiệm của các cá nhân và cộng đồng, sự chung tay của các cấp, các ngành đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.





Thanh Hoài