ĐẮK LẮK NHỮNG NGÀY ĐẦU SAU GIẢI PHÓNG NĂM 1975
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Non sông thu về một mối, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn cả nước bước vào thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bước vào giai đoạn mới, Đắk Lắk có những thuận lợi rất cơ bản, là tỉnh có vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, diện tích rộng lớn, tài nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa phù hợp với phát triển kinh tế nông - công - lâm nghiệp và các ngành tiểu thủ công nghiệp. Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh có truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, lao động cần cù, sáng tạo.
Các anh giải phóng quân gặp gỡ già làng dân tộc Êđê sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột
Ngụy quân, ngụy quyền lần lượt ra trình diện để hưởng chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng năm 1975
Thanh niên Buôn Kô Siêr tổng vệ sinh buôn làng chào mừng đại thắng mùa Xuân 1975
Bên cạnh đó, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Là tỉnh có địa hình phức tạp, đường biên giới dài, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, sau ngày giải phóng, các thế lực thù địch đặc biệt là FULRO ra sức lôi kéo các phần tử chống đối cánh mạng, thường xuyên gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Các chiến sĩ Bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới
Chính quyền cách mạng trong buổi ban đầu còn non yếu, đặc biệt là ở cấp xã. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ chuyên môn và chưa có kinh nghiệm trước đòi hỏi của nhiều công việc mới, chưa nắm bắt và quán triệt sâu sắc tư tưởng đạo đức, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nên còn nhiều lúng túng. Về kinh tế, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, đa phần là tự cung tự cấp, tình trạng du canh, du cư còn phổ biến, phương thức canh tác còn thô sơ và lạc hậu, đất đai tuy màu mỡ nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, thủy lợi chưa phát triển, trồng lúa chủ yếu là một vụ vào mùa mưa, thiếu đói, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Các ngành kinh tế khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải mới được xây dựng và phục hồi, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, không đảm bảo, phụ thuộc vào vật tư của Trung ương chi viện, cách thức quản lý mang nặng tính bao cấp. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế còn yếu về trình độ chuyên môn và chưa có nhiều kinh nghiệm.
Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bị địch kìm kẹp nhiều năm, nên sau ngày giải phóng, tuyệt đại bộ phận đồng bào vui mừng, phấn khởi. Tuy vậy, do chưa nắm được chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc của cách mạng và một phần bị kẻ xấu tuyên truyền, hù dọa nên không ít nơi xuất hiện tư tưởng hoang mang, sợ bị phân biệt đối xử, nhất là những gia đình có người thân tham gia chế độ cũ và đồng bào có tôn giáo. Ở các khu đồn, dinh điền cũ, một bộ phận nhân dân lo lắng vì không có việc làm, có nơi đồng bào tự động hồi cư, chuyển cư từ nơi này sang nơi khác làm cho tình hình thêm phức tạp.
Nhớ về một thời đã qua, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản tỉnh cho biết: “Sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột bộn bề khó khăn, từ công tác ổn định tình hình kinh tế, đời sống cho dân đến việc cấp bách là khẩn trương truy quét bọn phản động, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội...
Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Ủy ban Quân quản đã tiến hành họp bàn, thống nhất tổ chức ngay một số cơ quan như: Ty Nông lâm nghiệp, Tài chính, Y tế, Giáo dục..., mỗi đơn vị từ 3-4 người nhằm quản lý, vận hành từng lĩnh vực. Để giải quyết nạn đói trước mắt cho dân, Ủy ban Quân quản đã xin chủ trương mở các kho lương thực thu được của địch để hỗ trợ cho từng hộ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực vận động nhân dân thực hiện phong trào làm kinh tế mới, khai hoang vỡ đất, trồng tỉa cây lương thực ngắn ngày như lúa, ngô, đậu đỗ để bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ. Với tinh thần đoàn kết một lòng, mỗi người một nhiệm vụ, một công việc, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền đã giúp người dân tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống và dần dần xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk”.
Ông Lê Chí Quyết (bên phải) nói chuyện trong chương trình giao lưu “Ký ức trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3/1975” tại Bảo tàng Đắk Lắk
Sau giải phóng, Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các ngành, các cấp cùng với nhân dân trong tỉnh đoàn kết, cùng nhau nỗ lực, đang từng bước giữ vững an ninh – quốc phòng, xây dựng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoài My