CUỘC DUYỆT BINH TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÂN - KẾT QUẢ CỦA HỌC TẬP VÀ BIỂU DƯƠNG LỰC LƯỢNG CÁC CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG TẠI NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Nhà đày Buôn Ma Thuột được biết đến là nơi giam giữ, đày ải và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng, nhưng cũng chính là nơi thường xuyên diễn ra việc tuyên truyền giữa các tù nhân. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xem là “một trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”.

Sau khi bị bắt và đày ải lên Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của các tỉnh thuộc Trung kỳ gặp nhau, cùng chung sống, cùng đấu tranh; tình yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc nhau theo tinh thần đồng chí ngày càng gắn kết. Tại Nhà đày, các đồng chí đã mở nhiều lớp học văn hóa, chính trị, quân sự phù hợp với trình độ của từng đối tượng tù nhân và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Họ trao đổi với nhau những kinh nghiệm đấu tranh, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, quân sự, xác định rõ quan điểm, lập trường và thái độ của người chiến sĩ cách mạng trước thời cuộc, trước thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Nội dung học tập lý luận là: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tóm tắt lịch sử Đảng cộng sản Liên xô, Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ tám (5/1941) và Chương trình điều lệ Việt Minh cũng được một số đồng chí khi vào tù nhớ và ghi chép lại thành tài liệu thảo luận, học tập. Ngoài ra, những người tù yêu nước còn trao đổi về các vấn đề khác như kinh nghiệm vận động cách mạng của các địa phương; một số điểm về văn học nghệ thuật, thơ văn, lịch sử; về phong trào cách mạng các nước, các tôn giáo trên thế giới…

Việc học tập văn hóa được tiến hành thường xuyên; các lớp học tổ chức phù hợp với trình độ của mỗi người. Việc học tập quân sự cũng rất được coi trọng, thu hút nhiều chiến sĩ tham gia. Nội dung chương trình học tập bao gồm: tầm quan trọng của vũ trang cách mạng, các thứ quân, tác dụng của các loại vũ khí, cách đánh du kích, phục kích, vận động chiến, trận địa chiến, luyện tập các động tác quân sự…Nhờ được tổ chức chu đáo nên việc học tập chính trị, quân sự và văn hóa đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Để đánh giá kết quả học tập quân sự và biểu dương lực lượng, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân, vào lúc 08 giờ 00 sáng ngày 25/01/1944 (Mùng 1 Tết), tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã diễn ra sự kiện “có một không hai” trong hệ thống nhà tù, nhà đày của thực dân Pháp ở Đông Dương nói riêng và các nước thuộc địa trên toàn thế giới nói chung, tù chính trị đã trọng thể tổ chức “Cuộc duyệt binh” với sự tham gia của toàn thể tù nhân, quản ngục, binh lính, viên chức Nhà đày Buôn Ma Thuột. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong không gian Nhà đày Buôn Ma Thuột với niềm xúc động, hân hoan của mọi người. Cuộc duyệt binh chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn, nhưng đã thể hiện ý chí quật cường của chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây không chỉ là kết quả của những năm tháng miệt mài học tập quân sự của các chiến sĩ cộng sản trong Nhà đày, mà còn ghi đậm nhiều ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng anh em tù nhân, mặt khác nó gây tác động lớn trong đội ngũ viên chức, binh lính ở thị xã Buôn Ma Thuột.



Tranh sơn dầu: Cuộc duyệt binh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột

 

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chọn ngày 25/01 hàng năm là “Ngày tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột” theo Công văn số 9029/UBND-KGVX, ngày 04/11/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.





Các đoàn khách đến tham quan học tập tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột


Năm nay, Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột được tổ chức vào lúc 07 giờ 30 ngày 25/01/2024 với các nội dung: Ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của sự kiện ngày 25/01/1944; Tổ chức dâng hoa, dâng hương tri ân các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm, hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Anh Đào